Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại ở Nghệ An chỉ đạt dưới 30%

Phú Hương 15/12/2020 06:26

(Baonghean.vn) - Với trung bình 10 ca tử vong và 8.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng mỗi năm, Nghệ An là 1 trong 16 tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại. Các địa phương, ngành liên quan cần đồng bộ các giải pháp để hạn chế tác hại do loại bệnh lây truyền nguy hiểm này gây ra.

Tỷ lệ tiêm phòng thấp

Theo ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất, tiêm phòng cho đàn chó, mèo phải đạt ít nhất 70% tổng đàn, đồng thời phải tiêm bổ sung cho chó, mèo phát sinh hoặc bị bỏ sót chưa được tiêm, nhất là với những huyện đã có trường hợp người tử vong do bệnh dại.

Tháng 11/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2021. Hằng năm, tỉnh đã cấp trên dưới 1 tỷ đồng để triển khai Chương trình Quốc gia khống chế bệnh dại.

Nhằm tăng hiệu quả miễn dịch cho đàn vật nuôi, hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức triển khai 2 đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Công tác truyền thông và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại được tổ chức thường xuyên trên hệ thống loa phóng thanh xã, xóm, tờ dán, băng rôn, các buổi hội thảo, báo cáo chuyên đề, tập huấn liên quan.

Tiêm phòng chó ở Diễn Châu
Tiêm phòng chó ở Diễn Châu.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay là tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh vẫn đang ở mức cực kỳ thấp dù các biện pháp tổng hợp đã được triển khai. Hằng năm, bình quân tỷ lệ tiêm vắc-xin dại trên địa bàn tỉnh chỉ đạt chưa đầy 30% tổng đàn chó; nhiều năm chỉ đạt trên 25%, tương đương khoảng chưa đầy 130 con; thậm chí một số huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Quế Phong… còn bỏ trống không tiêm phòng.

Theo ông Võ Đình Khoa - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đô Lương, khó khăn hiện nay là không có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp rủi ro sau tiêm phòng cho chó, mèo; bên cạnh đó, người nuôi phải chi trả 100% tiền tiêm phòng tuy chỉ bao gồm 13.000 đồng/liều vắc-xin và 5.600 đồng công tiêm/con nhưng nhiều hộ vẫn không tiêm.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để công tác tiêm phòng bệnh dại đạt kết quả cao, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc, bố trí đủ lực lượng, trang thiết bị, vật tư để tổ chức tiêm phòng. Đặc biệt, cần áp dụng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc-xin dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; thành lập các tổ công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tổ chức thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại các huyện, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có kết quả tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo thấp.

“Các địa phương phải lập danh sách hộ nuôi chó để quản lý bằng việc thống kê số lượng chó nuôi trong từng hộ gia đình, nắm diễn biến tăng giảm đàn chó để làm căn cứ xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu tiêm phòng. Lập biên bản cam kết các hộ nuôi chó không thả rông chó, phải đeo rọ mõm và dây xích cho chó khi đưa chó ra nơi công cộng. Xử phạt nghiêm các hộ không chấp hành và phải bồi thường thiệt hại nếu để chó cắn người theo quy định hiện hành. Chủ nuôi chó phải khai báo việc nuôi chó với tổ trưởng dân phố, xóm trưởng, trưởng bản, đồng thời cam kết nuôi nhốt hoặc xích, giữ chó trong khuôn viên của gia đình; khi ra ngoài phải có người dắt, rọ mõm”

Ông Ngô Đức Quỳnh khuyến cáo

Cán bộ thú y tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi tại Nghi Lộc
Cán bộ thú y tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi tại Nghi Lộc.
Bên cạnh đó, cần tổ chức chủ động giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại động vật từ cơ sở thông qua mạng lưới thú y, y tế; khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y và y tế các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý; vận động, hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời. Đồng thời, tổ chức tiêu hủy ngay đối với động vật mắc bệnh dại, đồng thời thông báo cho cơ quan y tế nơi gần nhất để tăng cường biện pháp phòng bệnh dại cho người; triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định.
Ngành Y tế phải tăng cường giám sát bệnh dại trên người, công khai địa chỉ các cơ sở y tế, đặc biệt là các điểm tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho người trên địa bàn, chỉ dẫn cho người bị động vật nghi dại cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương và tiêm vắc-xin phòng bệnh cũng như huyết thanh kháng dại kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ tử vong do bệnh dại. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn, bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền.
Cùng với đó, việc nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng, chống bệnh dại cũng cần được quan tâm. Theo đó, cần tăng cường tập huấn cho cán bộ ngành thú y, y tế về năng lực quản lý đàn chó; điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh dại; kỹ năng truyền thông về bệnh dại; kỹ thuật xử lý vết thương; quy trình điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; kỹ năng bắt chó mắc bệnh dại và các biện pháp xử lý ổ dịch bệnh dại động vật.

Hàng năm, thực hiện tốt giám sát lưu hành bệnh dại để cảnh báo cộng đồng; lập bản đồ phân bố đàn chó, bản đồ dịch tễ bệnh dại trên người và động vật để xác định khu vực có nguy cơ cao về bệnh dại nhằm ưu tiên tập trung các nguồn lực trong công tác phòng, chống bệnh dại, cũng như tăng cường nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất vắc-xin dại, chủ động nguồn cung ứng vắc-xin trong nước và giảm giá thành sản phẩm vắc-xin.
Đặc biệt, khuyến khích các xã, phường, thị trấn ở nội thành, nội thị, nơi đông khách du lịch tiến hành xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và du khách tới du lịch, tham quan.

Bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.


Mới nhất

x
Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại ở Nghệ An chỉ đạt dưới 30%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO