Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử có 8 nội dung mới, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả ngành, lĩnh vực.
Sáng 17/7, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước với 8 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, trong đó có Luật Giao dịch điện tử (có hiệu lực từ 1/7/2024) (GDĐT).
Nói về sự cần thiết của việc ban hành luật, thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị, khắc phục những vướng mắc, bất cập còn tồn tại của Luật GDĐT (năm 2005), phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và các cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết 8 nội dung mới cơ bản của luật. Luật GDĐT (năm 2023) kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật GDĐT (năm 2005).
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Luật GDĐT giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số.
Thứ hai, luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “dấu thời gian”, “hợp đồng điện tử”, “dữ liệu số”, “dữ liệu chủ”, “môi trường điện tử”, “chứng thư điện tử”, “dịch vụ chứng thực chữ ký số”, “người trung gian”...
Thứ ba, về hành vi bị nghiêm cấm trong GDĐT, luật quy định chi tiết cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ luật.
Thứ tư, về thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc, thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai trên thực tế.
Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động GDĐT trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình.
Thứ năm, về chữ ký điện tử, luật GDĐT cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài...
Thứ sáu, về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Luật quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Thứ bảy, GDĐT của cơ quan nhà nước gồm: GDĐT trong nội bộ cơ quan nhà nước; GDĐT giữa các cơ quan nhà nước với nhau; GDĐT giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dữ liệu mở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.
Luật quy định cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm để tư vấn xây dựng CSDL. Quy định này bước đầu tháo gỡ khó khăn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp cho công tác duy trì, vận hành hệ thống thông tin gồm thuê tư vấn xây dựng CSDL.
Thứ tám, về hệ thống thông tin phục vụ GDĐT so với Luật GDĐT (năm 2005), luật đã bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ GDĐT; tài khoản GDĐT; trách nhiệm của chủ quán hệ thống thông tin phục vụ GDĐT đặc biệt là với các nền tảng số trung gian phục vụ GDĐT có quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam lớn và rất lớn...