U23 Việt Nam cần khắc phục điểm yếu nào ?

Châu Phú 07/06/2022 19:49

(Baonghean.vn) - Thành công của HLV Park Hang-seo với 1 ngôi vô địch AFF Cup 2018, 2 HCV bóng đá nam SEA Games 30-2019, SEA Games 31-2022, á quân U23 châu Á 2018, tứ kết ASIAD 2019, vòng loại thứ 3 World Cup 2022… đang đưa bóng đá Việt lên hàng đầu khu vực và vươn dần ra châu lục, thế giới. Đó là thành tích lớn nhất từ trước tới nay của bóng đá Việt và “tượng đài” Park Hang-seo chắc chắn là đỉnh cao không dễ vượt qua với bất cứ ai ở phía trước.

Tất nhiên, tấm huân chương nào cũng có mặt sau xù xì và ai ai dù tài giỏi đến đâu thì cũng có “gót chân A-sin” như một tất yếu. ĐT Việt Nam hay U23 Việt Nam dưới tay ông Park Hang-seo có những trận thắng vang dội ở tầm châu lục, khu vực như hồi Thường Châu, như trận thắng 3-1 trước người láng giềng Trung Quốc, thắng U23 Thái Lan ở Mỹ Đình… Nhưng bên cạnh đó các đội bóng Việt Nam cũng để lại những điều tiếc nuối hay nói đúng ra là có lúc bị bắt bài, bị lộ bài đáng tiếc, dù không thua nhưng bất lực trước đối thủ yếu hơn. Đó là trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Indonesia ở AFF Cup 2021 (0-0) và mới đây là trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Philippines (0-0) ở vòng đấu bảng SEA Games 31.

Trận hòa 2 -2 trước U23 Thái Lan. Ảnh: tư liệu

Ấy là khi đối thủ phòng ngự co cụm, nhiều tầng nấc, các đội bóng dưới tay ông Park buộc phải thi đấu trái sở trường và trở nên lúng túng, bị động rồi bất lực dù trong đội hình vẫn đầy đủ lực lượng, đầy khát khao chiến thắng. Vẫn có Quang Hải, Hoàng Đức rồi cả Hùng Dũng… nhưng không sao chọc thủng lưới đối thủ. Các bài vở triển khai vẫn dựa vào sự cơ động của “đôi cánh” hậu vệ biên tấn công nhưng khi đối thủ tập trung phòng ngự biên và ngăn chặn không để hậu vệ này lọt xuống đáy biên lật bóng lên hay bật tường trung lộ thì mọi chuyện chỉ như húc đầu vào đá. Đó thực sự là những trận đấu vừa mất sức, mất điểm, vừa chứng minh điểm yếu gần như cố hữu bên cạnh những ưu trội ai cũng biết, cũng ngại ở các đội bóng ông Park Hang-seo đang cầm lái.

Người ta đã nói đến “chu kỳ thành công” của ông Park Hang-seo như một tất yếu khi những điểm yếu nói trên dần bộc lộ nhiều hơn, đối thủ biết cách đối phó dễ dàng hơn. Rất mừng là chính ông Park Hang-seo sớm nhận ra điều đó không chỉ qua lý thuyết mà cả thực chiến để vừa làm lại, làm mới ĐT Việt Nam, vừa… chuyển giao U23 Việt Nam cho người đồng hương đầy tin cậy Gong Oh-kyun sau thành công tuyệt vời ở SEA Games 31.

Thoạt nghe điều ông Gong Oh-kyun tuyên bố về thực hành lối chơi tấn công, khác với người tiền nhiệm, dễ nhầm tưởng đó là cách duy nhất để thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của ông Park Hang-seo và 2 HLV là 2 “thế giới” tách biệt nhau? Để rồi chúng ta lờ mờ hiểu ra rằng, điều đó cực khó và lại càng khó lọt tai người hâm mộ cũng như giới chuyên môn khi giải đấu đầu tiên ông Gong cầm lái ở tầm châu lục không hề đơn giản.

Nhưng qua 2 trận đấu chính thức của U23 Việt Nam tại bảng C, VCK U23 châu Á trước 2 ông lớn Thái Lan và Hàn Quốc, cũng như qua trận giao hữu mới đây giữa ĐT Việt Nam và ĐT Afghanistan ai ai cũng thấy rõ 2 ông thầy Hàn Quốc đang chịu trách nhiệm cao nhất ở ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam lúc này đều cùng chung một định hướng, một cách làm mới cho bóng đá Việt. Đó là cùng thay đổi lối chơi phù hợp với thời cuộc, xây dựng một triết lý mới, sơ đồ mới, tập trung khắc phục những điểm yếu còn mắc phải (như điều chúng tôi chứng minh ở trên chăng?)… để cùng nhau hướng về phía trước. Và phải nhận thức rằng, U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam là một thực thể thống nhất, chung một cách làm, cách chơi, cách đi đến thành công ở phía trước.

U23 Hàn Quốc không thể vượt qua được U23 Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Với hai trận đấu hòa trước đối thủ lớn, gây được tiếng vang không chỉ ở trong nước, ở Hàn Quốc mà ở cả khu vực, châu lục, U23 Việt Nam thời ông Gong Oh-kyun cho thấy những dấu hiệu khả quan ban đầu và nhen lên nhiều hy vọng cho những trận đấu tới.

Dù “ngòi nổ” của đội bóng trước kia và hiện nay vẫn cậy vào cặp đôi hậu vệ biên tấn công trong sơ đồ mới 4-1-4-1 hay 4-4-2 (Tuấn Tài - Văn Đô hay Tiến Long) nhưng rõ ràng, cách vận hành lối chơi hiện nay vừa thông thoáng, uyển chuyển vừa khó bị bắt bài hơn. Hãy nhớ cách Văn Đô chơi cánh trái bất lực như thế nào trước đường chuyền cuối cùng trong trận gặp U23 Philippines mới đây để thấy trong cách chơi mới, vẫn là Tuấn Tài biên trái dâng cao chiếm chỗ, chuyền bóng dọn cỗ nhưng thong dong và thông thoáng hơn nhiều. Hai vị trí này không bị vắt kiệt sức như trước kia, do sự di chuyển theo khối đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau của cả hệ thống. Cũng từ đó, họ có cơ hội để đi đến cùng bài vở do HLV đề ra.

Những chi tiết thú vị trong trận gặp đối thủ cực lớn U23 Hàn Quốc chứng minh điều này. Người kiến tạo số 1 Tuấn Tài lần đầu chuyền bóng bổng quen thuộc cho Mạnh Dũng tái lập cú lắc đầu kinh điển nhưng không thành công, đã kiên nhẫn làm lại bằng cú chuyền thấp, sệt xuyên qua một rừng hậu vệ Hàn Quốc tới tầm bắn lý tưởng cho Tiến Long kết thúc không thể cản phá. Và Tiến Long, lần thứ nhất nhận bóng từ cú tạt bổng của Văn Khang bên cánh trái, hãm ngực rồi tung cú sút không thành nhưng khi Tuấn Tài “mời gọi” lần 2 thì không đời nào bỏ lỡ. Đó là nét đậm vừa cũ, vừa mới trong bước ban đầu đổi mới và đi lên của U23 Việt Nam, chưa phải là tất cả nhưng gợi mở nhiều điều đáng chờ đợi và dõi theo...

Mới nhất
x
U23 Việt Nam cần khắc phục điểm yếu nào ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO