U23 Việt Nam trở về với "ao làng"!
(Baonghean) - Việc U23 Việt Nam lần đầu tiên góp mặt tại vòng Chung kết U23 châu Á và lời tuyên bố hùng hồn giành vé vào tứ kết của ông Miura trước khi đưa quân sang “chinh chiến” tại Doha, Qatar đã khiến người hâm mộ hy vọng về cái kết ngọt ngào. Thế nhưng, 2 trận thua vừa qua đã xóa tan tất cả. Dù vẫn còn một trận đấu nữa trước U23 các Tiểu Vương quốc Ả rập nhưng cánh cửa đi tiếp đã chấm hết đối với vị thuyền trưởng người Nhật và các học trò.
U23 Việt Nam không thể tạo ra bất ngờ trước U23 Australia khiến HLV Miura thất vọng. Ảnh: Internet |
Sau trận thua toàn diện từ kỹ, chiến thuật, cho đến thể hình, thể lực và đấu pháp trước U23 Jordan ngày ra quân, ông Miura đã thực hiện đúng lời hứa khi có nhiều sự thay đổi trong trận quyết đấu mang tính chất “sống còn” với U23 Australia. Đó chính là việc Đức Huy thay thế Xuân Trường, còn Mạnh Hùng thế chỗ của Thanh Hiền và đeo băng đội trưởng, trong khi Hữu Dũng trở lại vai trò tiền vệ trung tâm thay vì đá cánh. Nhưng mọi sự thay đổi cũng chỉ đủ để U23 Việt Nam cống hiến cho người hâm mộ một trận cầu “ngang ngửa” trước đối thủ đến từ xứ sở “chuột túi”.
Các cầu thủ của chúng ta chạy nhiều hơn nhưng cầm bóng ít hơn để rồi bị đối thủ “kết liễu” bằng 2 bàn không gỡ. Công Phượng và các đồng đội đã không thể tiếp tục tạo nên bất ngờ trước đối thủ cũ như đã từng thể hiện ở sân chơi U19. Không giành được điểm nào sau 2 trận, U23 Việt Nam trở thành đội đầu tiên ở bảng D gần như chắc chắn chia tay Vòng Chung kết U23 châu Á. Ảo vọng tấm vé vào tứ kết bị chôn vùi đồng nghĩa với việc đặt “dấu chấm hết” cho mối lương duyên của ông đối với bóng đá Việt Nam. Dường như, ông Miura cũng hiểu rằng tương lai của ông đã được định đoạt sau thất bại đã được đoán trước này. Giọt nước mắt hiếm hoi đầy tiếc nuối của vị thuyền trưởng U23 Việt Nam sau trận thua dường như chỉ đủ để người hâm mộ cảm thông cho ông vì những cống hiến và tâm huyết trong hơn một năm qua. Nhưng giọt nước mắt đó không thể nào cứu vãn được tình thế.
Dẫu vẫn biết tham gia giải đấu cấp châu lục luôn là sân chơi quá tầm với bóng đá Việt Nam khi đẳng cấp vẫn là khoảng cách chưa thể san lấp ở thời điểm này. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường vẫn là những tài năng nhưng có cảm tưởng họ thiếu một cái gì đó để đạt đến đỉnh cao. Xuyên suốt 2 trận đấu vừa qua, người ta chỉ nhận thấy nổi bật về một vấn đề muôn thuở là sự lóng ngóng nơi hàng thủ, sự rườm rà, đơn độc và bất lực trên hàng công và sự yếu ớt, non kém nơi tuyến giữa. Rõ ràng, sân chơi trẻ khác hoàn toàn sân chơi đỉnh cao. Cái khó của bóng đá Việt Nam chính là các cầu thủ chững lại quá sớm. Điều này do nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi vẫn là do chúng ta hạn chế cả về thể chất lẫn thiếu sự đào tạo bài bản, thiếu chiến lược phát triển bền vững. Đấy là chưa nói đến việc nội bộ VFF mất đoàn kết, gây tổn hại đến cả một nền bóng đá.
Giờ đây, vấn đề quan trọng là nhìn nhận thực tại của bóng đá nước nhà để “đóng cửa bảo nhau” nhằm đưa ra giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giải quyết triệt để mọi tồn tại từ tầm vĩ mô cho đến công tác đào tạo trẻ và chiến lược sử dụng con người, “nhân giống” tài năng ở các câu lạc bộ. Thiết nghĩ, đã đến lúc bóng đá Việt Nam nói chung, VFF nói riêng cũng như những chuyên gia có tâm huyết với bóng đá nước nhà cần xóa bỏ cái lý thuyết suông và những lời tuyên bố “bom” gây ảo mộng huyễn hoặc người hâm mộ. Thay vào đó, hãy “nói chín làm mười” để đưa bóng đá nước nhà vượt ra khỏi ao làng Đông Nam Á.
Duy Xuân
TIN LIÊN QUAN