U23 Việt Nam và bài học từ “thần đồng bóng đá” Văn Quyến

Đức Dũng 04/02/2018 15:36

(Baonghean) -Việc dùng hình ảnh của các “ngôi sao” bóng đá quảng bá thương hiệu sẽ là “con dao hai lưỡi”. Nó có thể giúp cầu thủ có thêm thu nhập để yên tâm thi đấu, nhưng nếu không khéo sẽ khiến họ “sớm nở tối tàn” bởi sự phân tâm, không vượt qua được những cám dỗ vật chất đời thường.

Với những kỳ tích lập được tại vòng chung kết U23 Châu Á vừa qua, U23 Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ cả nước. Trước sức hút của U23, một số doanh nghiệp, cá nhân nhanh nhảu nhảy vào cuộc, sử dụng tên gọi, hình ảnh, thương hiệu của các cầu thủ, đội tuyển U23 để kinh doanh, quảng cáo cho các sản phẩm dịch vụ của mình, mặc cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam, CLB chủ quản của các cầu thủ U23 chưa đồng ý.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng và mức giá quảng cáo của anh do một đơn vị truyền thông đưa ra
Thủ môn Bùi Tiến Dũng và mức giá quảng cáo do một đơn vị truyền thông đưa ra -Ảnh: Internet

Gây sự chú ý nhất là một công ty truyền thông tung lên mạng một bản báo giá hợp đồng quảng cáo với thủ môn Bùi Tiến Dũng với mức giá cụ thể khiến cho cộng đồng mạng đã nảy ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Câu lạc bộ FLC Thanh Hóa cũng đã lên tiếng phản đối đơn vị truyền thông này. CLB Thanh Hóa khẳng định rằng bất kỳ ai muốn sử dụng hình ảnh của Tiến Dũng để quảng cáo cũng phải được sự cho phép của họ bởi đây là một trong những điều khoản hợp đồng mà Tiến Dũng đã ký với CLB.

Thật ra việc các cầu thủ, đội bóng nổi tiếng được các doanh nghiệp mượn hình ảnh để quảng bá thương hiệu là điều đáng mừng, và lâu nay trên thế giới người ta vẫn làm và nhiều CLB, đội bóng “sống khỏe” là nhờ bán thương hiệu của mình. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là cách làm, tính hợp pháp, sự thống nhất giữa các bên.

Một lãnh đạo CLB SLNA cho biết: Hiện nay các cầu thủ đang thi đấu cho các CLB ở V.League đều có bản hợp đồng ghi rõ chi tiết về chuyện lương, thưởng, quy định sử dụng hình ảnh, phát ngôn... rất rõ ràng. Do đó cầu thủ làm gì cũng cần phải được sự đồng ý của CLB chủ quản, nếu không có sự quản lý một cách cụ thể như thế, mà để “mạnh ai nấy làm” thì sẽ loạn ngay!

Cũng theo một HLV ở CLB SLNA thì nếu cầu thủ cứ nổi tiếng một tí rồi có sự đối đãi khác biệt so với các đồng đội đang thi đấu cùng CLB sẽ gây ra những mâu thuẫn, tị nạnh trong cuộc sống hàng ngày cũng như lúc thi đấu. Lúc đó cầu thủ được ưu ái sẽ sinh ra tự mãn, chểnh mảng việc luyện tập. Còn các cầu thủ khác thì sẽ so bì “mày giỏi, lương cao thì đá đi”, dẫn đến cầu thủ “ngôi sao” sẽ bị cô lập ngay chính trong đội bóng của mình.

Còn nhớ, trước đây “thần đồng” Văn Quyến của CLB SLNA khi còn là “ngôi sao” cũng đã được một hãng điện tử nổi tiếng ký hợp đồng quảng cáo. Ngoài việc thỏa thuận ăn chia giữa CLB và cầu thủ, Văn Quyến còn được hãng điện tử này “trang bị tận răng” các thiết bị điện tử sinh hoạt hàng ngày.

"Thần đồng" Văn Quyến (10) lúc còn đỉnh cao phong độ -Ảnh Internet

Theo đó, phòng của Quyến ở CLB cũng được lắp các thiết bị điện tử đầy đủ như “khách sạn 5 sao”. Quyến lúc đó sinh hoạt ở một đẳng cấp khác so với các đồng đội ở SLNA. Và rồi như chúng ta đã biết “thần đồng bóng đá” đã không vượt qua được những cám dỗ đời thường và phải rời sân cỏ sớm trong sự tiếc nuối của nhiều người.

Nhiều người cho rằng việc dùng hình ảnh của các “ngôi sao” bóng đá quảng bá thương hiệu sẽ là “con dao hai lưỡi”. Nó có thể giúp cầu thủ có thêm thu nhập để yên tâm thi đấu, nhưng nếu không khéo sẽ khiến họ “sớm nở tối tàn” bởi sự phân tâm, không vượt qua được những cám dỗ vật chất đời thường.

Do đó việc dùng hình ảnh của các cầu thủ trẻ cho mục đích thương mại là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đừng để xảy ra tình trạng “bán lúa non”, “việc chính không lo lại lo việc phụ”, làm cho những cầu thủ trẻ ảnh hưởng đến sự nghiệp thi đấu, mà bài học của VQ là một ví dụ.

Mới nhất

x
U23 Việt Nam và bài học từ “thần đồng bóng đá” Văn Quyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO