Uber Grab “góp gạo thổi cơm chung”, người Việt hết mong đi xe cước rẻ?
Từng là hai ông lớn tạo nên thế chân vạc trong cuộc cạnh tranh Uber, Grab và taxi truyền thống, nhưng nay hai hãng xe công nghệ đã hợp nhất, dự báo gây nhiều xáo trộn thị trường.
Uber và Grab tới Việt Nam, mang theo thói quen sử dụng "xe công nghệ" giá rẻ cho cả tài xế và người dùng. Từng có thời điểm cạnh tranh gây gắt với nhau để giành thị phần, lôi kéo tài xế, nhưng bất ngờ sáng 26/3, hai hãng này đã thông báo hợp nhất. Cụ thể, Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, đổi lại Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần tại Grab.
Không còn khuyến mại khủng, giá cước rẻViệc hai đối thủ cạnh tranh gay gắt bỗng "góp gạo thổi cơm chung" được giới quan sát nhận định là do sức ép từ SoftBank. Gã khổng lồ công nghệ của Nhật Bản là cổ đông lớn của cả Uber và Grab, và dễ hiểu khi SoftBank không muốn hai doanh nghiệp tiếp tục đốt vốn để chạy đua giành thị phần.
Từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, Uber và Grab liên tục báo lỗ. Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2/2014, có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2017 lỗ lũy kế 938,2 tỷ đồng.
Đại diện Uber Việt Nam cũng khẳng định hãng đang rơi vào tình trạng không sinh lời, dù tổng doanh thu từ năm 2014 đến giữa năm 2017 khoảng 2.706 tỷ đồng.
Uber và Grab đã về một nhà tại Đông Nam Á. Ảnh minh họa. |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từng khẳng định phải làm rõ vì sao hai hãng gọi xe trên có doanh thu "khủng" nhưng lại thường xuyên báo lỗ. Bộ trưởng Thể không loại trừ khả năng cả hai đang đốt vốn để tận diệt đối thủ cạnh tranh.
Dù làm cơ quan quản lý đau đầu, Uber và Grab vẫn mang lại những giá trị tích cực cho người dùng. Khách Việt được trải nghiệm loại hình taxi mới mẻ, văn minh, giá cước rẻ hơn taxi truyền thống, chưa kể các đợt khuyến mại giảm giá cước liên tục được hai hãng tung ra.
"Tháng nào tôi cũng nhận được mã giảm giá của Uber và Grab. Liên tục có các đợt giảm giá đan xen, thậm chí là cùng lúc của hai hãng khiến tôi có thói quen sử dụng xe hơi, do giá chỉ cao hơn việc đi xe ôm đôi chút mà lại không lo nắng mưa", chị P. Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay.
Tuy nhiên, khi Grab đã mua lại Uber và Uber trở thành cổ đông của Grab, không còn lý do gì để Grab khuyến mại mạnh tay, bởi không còn đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Khi đã về một nhà, không còn lý do gì để Uber và Grab tiếp tục "đốt vốn" hạ giá thành. |
Theo thống kê của Bloomberg, Uber đã đốt khoảng 10,7 tỷ USD trên toàn thế giới để cạnh tranh kể từ khi thành lập. Giảm giá để giành thị phần là cuộc đua dài hơi và tại Đông Nam Á có vẻ Grab đã giành chiến thắng.
Điều dễ thấy là khi đã có kẻ thắng người thua được phân định, cuộc đua sẽ dừng lại, và đây là thời điểm thuận lợi để Grab tăng cước, cắt khuyến mại nhằm thu hồi lượng vốn đã "đốt" trong cuộc đua với Uber.
Grab hiện có khoảng 86 triệu lượt tải ứng dụng, cung ứng dịch vụ tại 190 thành phố khắp 8 quốc gia Đông Nam Á, là Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Với lượng khách hàng mới từ Uber chuyển sang, không còn nghi ngờ rằng Grab sẽ là thế lực lớn nhất tại thị trường ứng dụng gọi xe Đông Nam Á. Mặt bằng giá mới của dịch vụ gọi xe qua ứng dụng tại thị trường này sẽ do Grab thiết lập, nhiều khả năng cước rẻ cùng khuyến mại khủng cho người dùng sẽ không còn.
Chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam cho hay rất khó để đoán được chiến lược trước mắt của Grab sau khi thâu tóm Uber. Tuy nhiên, chuyên gia này chia sẻ khi cạnh tranh ít đi thì luôn bất lợi cho người tiêu dùng.
Nâng mức thu với tài xếTrao đổi với Zing.vn trong cuộc phản đối việc Grab tăng mức thu chiết khấu với tài xế đối tác hồi tháng 1, một tài xế là đối tác của Grab, cho hay "nếu hãng không điều chỉnh mức thu hợp lý, chúng tôi sẽ sang lái cho Uber".
Nếu mang chia sẻ ấy áp vào hiện tại, có thể thấy tài xế đối tác Grab đang là những người cầm dao đằng lưỡi. Ở đằng chuôi, trong quá khứ Grab đã từng nhiều lần nâng mức thu với tài xế đối tác sau giai đoạn "trăng mật" khi mới gia nhập thị trường Việt Nam.
Cụ thể, khi mới gia nhập thị trường, để thu hút tài xế, Grab áp dụng mức chiết khấu chỉ 15%. Tuy nhiên khi đã có lượng "tài" ổn định, Grab tăng chiết khấu lên 20% rồi 23,6%, 28,6% một cách đơn phương trước sự bất lực của tài xế.
Giảm cạnh tranh đồng nghĩa tài xế đối tác của Grab ít lựa chọn hơn. Ảnh: Duy Anh. |
"Mình tham gia GrabBike lúc mức chiết khấu 15%, nay đã 2 lần tăng chiết khấu nhưng không được có ý kiến. Làm gì có kiểu 'đối tác' nào như vậy trong kinh doanh", anh T. Dũng, một tài xế đối tác của Grab tại Hà Nội cho hay.
Trước sức ép từ các đối tác, Grab khi đó đã phải điều chỉnh lại mức chiết khấu với GrabBike, động thái được cho là để giữ chân tài xế. Tuy nhiên sau khi đã thâu tóm Uber, có thể thấy vị thế của Grab so với tài xế đối tác đã cao hơn trước và sẽ không ngạc nhiên nếu Grab đơn phương đưa mức chiết khấu về lại mức cao trước đó.
Đa phần tài xế Uber và Grab đều vay nợ để mua xe, và với gánh nặng tài chính, mỗi ngày đình công là một ngày mất tiền.
Khi cạnh tranh giảm đi, không chỉ người dùng bất lợi và ngay cả các tài xế đối tác cũng gặp bất lợi, bởi lựa chọn đã hẹp ngày càng hẹp hơn.