Uber, Grab sẽ bị quản lý tương tự taxi
Bộ trưởng GTVT yêu cầu phải định danh Uber, Grab là taxi ứng dụng công nghệ cao.
“Tôi hỏi các anh, Uber, Grab và taxi truyền thống khác nhau cái gì? Không thể gọi Uber, Grab là xe hợp đồng mà phải gọi là xe taxi ứng dụng công nghệ cao…” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định tại cuộc họp góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Cần quy định rõ trách nhiệm
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng thời gian qua dư luận đưa nhiều thông tin về hoạt động của Uber, Grab, đặc biệt là vấn đề an toàn tính mạng, tài sản cho hành khách sử dụng dịch vụ này. Vì vậy, dự thảo lần này phải rà soát kỹ những bất cập, không để tồn tại những khuất tất gây tranh cãi.
Bộ trưởng Bộ GTVTđưa ra là phải kiểm soát được số lượng phương tiện xe Uber Grab. |
“Nếu dự thảo đợt này không có nội dung quản lý Uber, Grab như một hãng taxi thì tôi sẽ không trình Chính phủ bởi tôi là người chịu trách nhiệm chính về nghị định này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Thể nhắc lại những sự cố liên quan tới khách hàng sử dụng dịch vụ và tài xế Uber, Grab vừa qua nhưng không ai chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước không truy cứu, xử lý được. “Có phải về mặt pháp lý chưa rõ ràng nên chúng ta không tìm được tài xế gây ra vụ việc?” - Bộ trưởng đặt câu hỏi và yêu cầu ban soạn thảo phải ràng buộc cho được trách nhiệm của tài xế và của Uber, Grab khi xảy ra sự cố. Làm sao phải đảm bảo người dân khi sử dụng hai dịch vụ này được bảo vệ một cách tuyệt đối. “Tôi xin nhắc lại, bất kỳ sự cố gì xảy ra với người sử dụng dịch vụ thì phải có cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng cần phải quản lý được số lượng xe Uber, Grab, không để phát triển tràn lan gây kẹt xe như ở Hà Nội, TP.HCM thời gian qua. |
Một vấn đề Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu, đó là các quy định đối với tài xế Uber, Grab và các ràng buộc giữa tài xế và doanh nghiệp. Cụ thể, Uber, Grab phải ký hợp đồng lao động với tài xế và thực hiện các nghĩa vụ như bảo hiểm, chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, các tài xế phải đáp ứng được những tiêu chí về phẩm chất đạo đức, hồ sơ, lý lịch tư pháp…, tránh để đối tượng tội phạm trà trộn hoặc người không có bằng lái vẫn lái xe chở khách, gây nguy hiểm.
Ông Thể khẳng định Bộ GTVT rất hoan nghênh việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải nhưng phải đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Một vấn đề nữa cũng được Bộ trưởng đưa ra là phải kiểm soát được số lượng phương tiện xe Uber Grab.
Sẽ có hướng quản Uber, Grab
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết dự thảo nghị định đang xếp loại hình Uber, Grab vào xe hợp đồng. Nhưng với những chỉ đạo trên của Bộ trưởng, Bộ sẽ đưa loại hình này vào nhóm taxi để quản lý. Tài xế Uber, Grab cũng sẽ được quản lý. “Nói tóm lại, các điều kiện sẽ tương đương như taxi truyền thống. Uber, Grab phải đăng ký kinh doanh vận tải và thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam” - bà Hiền khẳng định.
Đồng tình, ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, khẳng định từ trước đến nay luôn cho rằng Uber, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hình thức taxi, chỉ khác là ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy cần có các cơ chế, chính sách quản lý rất cụ thể để đảm bảo cạnh tranh công bằng và thuận tiện trong công tác nhận diện, xử lý vi phạm đối với loại hình này.
Kết luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu, nắm thêm thông tin dư luận xã hội, các hiệp hội để chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp. “Chúng ta mong muốn Uber, Grab phát triển ở Việt Nam nhưng hoạt động của họ phải đảm bảo an toàn người dân và chấp hành pháp luật Việt Nam” - Bộ trưởng nhấn mạnh.