UBND tỉnh thông qua dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số
(Baonghean.vn) -Dự thảo Nghị quyết đề ra nhiều mục tiêu cụ thể về hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Nghệ An phấn đấu luôn giữ vị trí thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về Chính phủ số.
Ngày 26/4, tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2022, UBND tỉnh đã nghe, cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Phan Nguyên Hào trình bày dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Phạm Bằng |
Theo dự thảo Nghị quyết, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trên một số ngành, lĩnh vực đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Tuy vậy, những kết quả đạt được mới chỉ đặt nền móng bước đầu cho quá trình chuyển đổi số. Việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vẫn còn nhiều hạn chế.
Quan điểm của tỉnh là phải tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Quá trình chuyển đổi số phải bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng tới xã hội số an toàn. Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và sự chung tay của toàn dân.
Doanh nghiệp, người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội, từ đó, tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Chuyển đổi số cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực; đảm bảo tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc, phù hợp thực tiễn trong từng thời kỳ, từng ngành, lĩnh vực.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025:
Về hạ tầng số: 100% cơ quan Đảng, chính quyền các cấp kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây.
Về chính quyền số: 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ chuyên trách CNTT.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).
100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được thực hiện trực tuyến và liên thông với hệ thống báo cáo quốc gia; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình Chính phủ; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của tỉnh kết nối liên thông trên 80% cơ sở dữ liệu của các sở, ngành để phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, khai thác trọn đời.
Về kinh tế số: 60% hộ gia đình trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các website, sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội, các ứng dụng TMĐT bán hàng...; Thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt trên 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.
80% các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP… của Nghệ An tham gia các sàn giao dịch TMĐT trong và ngoài nước; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; Từng bước hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số và hợp tác xã số; 100% hộ sản xuất nông nghiệp được lập danh sách và chuẩn hóa, số hóa dữ liệu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về xã hội số: Trên 50% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Về đô thị thông minh: Triển khai thí điểm thành công và nhân rộng các dịch vụ số (y tế, giáo dục, giao thông, an ninh - trật tự, du lịch…) thuộc hệ thống dịch vụ đô thị thông minh đến các xã/phường/thị trấn và các khu dân cư kiểu mẫu.
Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, sở, ngành nhấn nút khai trương hệ thống thông tin báo cáo tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng |
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ số đồng bộ 3 cấp; hoạt động giao dịch giữa các cơ quan của chính quyền, giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp cơ bản được thực hiện trên các nền tảng công nghệ số. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 85% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
100% doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, sản xuất và kinh doanh trên sàn TMĐT; trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số. Phát triển, nhân rộng các dịch vụ đô thị thông minh đến các trung tâm đô thị của tỉnh.
100% sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, OCOP có ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, gắn với TMĐT. Trên 80% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Dự thảo Nghị quyết cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện. Theo quy trình, dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để nghe và cho ý kiến, trước khi ban hành./.