Tâm sự nghẹn lòng của giáo viên giỏi hơn 10 năm dạy hợp đồng
(Baonghean.vn) - Dù là giáo viên dạy giỏi, gia cảnh khó khăn, có bố là thương binh nhưng nhiều năm qua, thầy Hoàng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng. Với mức lương chỉ hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, cuộc sống của thầy rất chật vật, dù đã lớn tuổi nhưng cũng chẳng đủ can đảm để lập gia đình.
Cuộc sống chật vật
Trung tuần tháng 7, thầy Nguyễn Văn Tiên Hoàng (32 tuổi, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành), được nhiều phụ huynh gửi lời chúc vì đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Ra trường với tấm bằng cao đẳng sư phạm, nên suốt hơn 5 năm qua, thầy Hoàng phải tranh thủ thời gian để học liên thông lên đại học rồi tiếp tục học cao học, tất cả cũng chỉ vì niềm hy vọng được vào biên chế.
Thầy Hoàng đang là giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Tây Thành (huyện Yên Thành), với mức lương chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2011, Hoàng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, về quê xin vào làm nhân viên hợp đồng tại Trường THCS Thịnh Thành. Tuy nhiên, ở đó Hoàng chỉ được bố trí làm nhân viên thiết bị trường học, không được đứng lớp. Với mức lương chỉ 1 triệu đồng mỗi tháng, lại không được giảng dạy như đúng ước mơ từ nhỏ, một thời gian sau, Hoàng xin nghỉ việc.
Sau thời gian ôm hồ sơ đi xin việc khắp huyện, đến năm 2014, Hoàng được nhận vào Trường THCS Tây Thành làm giáo viên hợp đồng của trường. “Dù ở Tây Thành, cũng chỉ được mức lương 1 triệu đồng nhưng được đi dạy là mừng rồi. Cứ nghĩ mình nỗ lực rồi sẽ được ghi nhận”, thầy Hoàng nói. Kể từ đó đến nay, Nguyễn Văn Tiên Hoàng luôn là giáo viên giỏi của trường, với nhiều thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, hết đợt tuyển dụng này đến đợt khác, Hoàng vẫn không được vào biên chế. Dù nhà trường cũng đã rất nhiều lần đề xuất lên trên.
Thầy Hoàng cho hay, hiện nay mức lương của thầy mỗi tháng là 2,6 triệu đồng. Tuy nhiên, trừ các chi phí như thăm hỏi người ốm, rồi quỹ này đến quỹ khác, mỗi tháng thầy chỉ còn nhận được khoảng hơn 2 triệu đồng. Trong khi đó, từ nhà tới trường cũng đã mất tới 9km. “Phải nói thật là rất chật vật để sống anh ạ. Nhiều lúc cũng mặc cảm, xấu hổ vì lương thấp quá, không giúp được gì cho bố mẹ”, thầy Hoàng ngậm ngùi.
Bố Hoàng, ông Nguyễn Văn Ngọc năm nay đã 79 tuổi. Ông là thương binh 3/4, từng bị địch bắt, giam ở nhà tù Phú Quốc suốt hơn 3 năm. Cho rằng bố là người có công với cách mạng, là cựu tù Phú Quốc nên sẽ được ưu ái, nhiều năm nay, Hoàng chở bố trên xe máy, đi “gõ cửa” khắp nơi để trình bày nhưng vẫn không được.
Trong căn nhà nhỏ, các loại giấy khen, bằng khen của Hoàng treo kín các bức tường. Hoàng là con út trong gia đình có tới 5 anh, chị, em. Nhưng vì gia cảnh khó khăn, 4 anh, chị của Hoàng đã vào miền Nam làm công nhân rồi ở luôn trong đó. Chỉ còn mỗi cậu ở lại quê với nhiệm vụ chăm sóc bố mẹ già. Tuy nhiên, với mức lương quá thấp, không những không giúp được gì, thầy Hoàng dường như trở thành gánh nặng cho cả gia đình. Để trang trải cuộc sống, bố mẹ Hoàng dù đã gần 80 tuổi, sức khỏe lại yếu nhưng vẫn đang phải làm tới 5 sào ruộng…
Nhà trường bất lực
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, thầy Bùi Trọng Thường - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Thành cho biết, thầy Hoàng là giáo viên giỏi của trường trong suốt nhiều năm qua. Đặc biệt là trong công tác bồi dưỡng cho học sinh giỏi. Trong 5 năm trở lại đây, năm nào thầy Hoàng cũng bồi dưỡng cho các em thi học sinh giỏi huyện đạt tỷ lệ 100%. “Trường chúng tôi đang thiếu đến 7 giáo viên so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 26, trong đó có môn Toán mà thầy Hoàng đang dạy. Trong khi đó, thầy Hoàng là giáo viên dạy giỏi, có nhiều thành tích, gia cảnh lại đặc biệt nên chúng tôi đã rất nhiều lần đề xuất nhưng không được. Chúng tôi mong muốn thầy được vào biên chế, đồng thời sau khi vào biên chế sẽ tiếp tục được bố trí ở lại trường này”, hiệu trưởng Thường nói.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, không chỉ có nhà trường, các học sinh và phụ huynh cũng rất đánh giá cao thầy Hoàng và cũng tha thiết mong muốn như vậy. “Hầu như phụ huynh nào cũng muốn gửi con cho thầy Hoàng. Nhà trường cũng rất tha thiết nhưng bất lực, vì không có thẩm quyền. Trong khi trường thì còn khó khăn, chỉ có thể trả mức lương như vậy”, hiệu trưởng Bùi Trọng Thường nói.
Sau nhiều năm cố gắng nhưng vẫn không được, Hoàng quyết định học liên thông lên đại học và cao học. “Để có chi phí ăn học, tôi gần như dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi để đi làm gia sư. Cứ xong việc ở trường cái là đi làm gia sư. Rồi còn tranh thủ vào TP Vinh để học”, thầy Hoàng kể.
Với dáng người nhỏ thó, thư sinh, có vẻ như cũng chỉ có nghề gia sư là phù hợp với thầy Hoàng để tăng thêm thu nhập. Thầy Hoàng nói rằng, cũng vì gia cảnh khó khăn, công việc chưa ổn định, mức lương lại quá thấp nên nhiều năm qua thầy chẳng dám nghĩ đến việc yêu đương. “Thật sự cũng mặc cảm. Từ khi ra trường tới nay em chẳng dám yêu ai cả, chỉ tập trung cho công việc. Với mức lương thế này thì sao lập gia đình được? Nhiều người cũng khuyên và nhiều lúc em cũng có ý định từ bỏ ước mơ, để đi xuất khẩu lao động. Nhưng vì còn trách nhiệm với gia đình, bố mẹ đã già, anh chị ở xa hết nên mình cần phải ở quê để còn chăm sóc”, thầy Hoàng thổ lộ thêm.
Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, địa phương này đang rốt ráo tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Tuy nhiên, khối THCS mà thầy Hoàng đang dạy lại không có chỉ tiêu tuyển dụng bởi huyện đang thừa giáo viên cấp 2. “Chúng tôi tuyển dụng đúng theo quy trình, dù là con thương binh hay cựu tù Phú Quốc thì vẫn phải đạt chuẩn, phải đủ điều kiện thì mới được”, ông Truyền nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, huyện Yên Thành là địa phương còn nhiều giáo viên hợp đồng nhất tỉnh Nghệ An, với hàng trăm người. Trong số đó, có không ít giáo viên dạy hợp đồng suốt 20 năm, với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Để có tiền trang trải cuộc sống và theo đuổi ước mơ vào biên chế, sau giờ lên lớp họ lại phải làm thêm đủ việc. Người thì đi phụ hồ, người dạy bơi, sửa điện… Cũng có rất nhiều giáo viên, chờ đợi mãi không được, đành phải từ bỏ để đi xuất khẩu lao động.
Năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục cho huyện Yên Thành với 392 người, nhưng đến nay huyện này vẫn chưa tuyển được người nào. Trong đó, có 238 người là giáo viên mầm non hợp đồng dạng 06 và 09. Đây là những trường hợp mà theo quy định, phải hoàn thành tuyển dụng trước ngày 30/1/2023.
Toàn huyện Yên Thành hiện có 887 lớp tiểu học, nhưng chỉ có 807 giáo viên dạy văn hóa, còn 80 lớp không có giáo viên dạy văn hóa. Trong khi đó, khối THCS có 487 lớp nhưng cũng chỉ có 881 giáo viên, đạt tỷ lệ 1,8 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, việc thừa thiếu lại diễn ra cục bộ. Có trường thừa giáo viên, nhưng cũng có trường như THCS Tây Thành lại thiếu. Có trường thừa giáo viên môn này nhưng lại thiếu giáo viên môn kia.