Ứng phó với bão số 13, Nghệ An xem xét phương án cấm biển từ chiều nay

Thu Huyền 13/11/2020 12:01

(Baonghean.vn) - Ảnh hưởng của bão số 13, từ ngày 14-16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50 - 150mm. Nghệ An xem xét phương án cấm biển từ chiều nay (13/11).

Sáng 13/11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Định ứng phó với bão số 13 (bão Vamco).

Hội nghị do các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực đồng chủ trì. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

Toàn cảnh cuộc họp tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh Thu Huyền
Toàn cảnh cuộc họp tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ An còn hơn 500 tàu thuyền chưa vào trú tránh an toàn

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410 km về phía Đông Đông Nam. Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 07 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 07 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hướng đi của bão số 13
Hướng đi của bão số 13.

Từ đêm nay (13/11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.

Từ 14-16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 350 mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, Nghệ An đã triển khai thực hiện nghiêm túc công điện, văn bản của Ban Chỉ đạo về việc ứng phó với cơn bão số 13; đồng thời đã ban hành Công điện số 43 về việc ứng phó cơn bão số 13, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công điện số 18 về ứng phó với diễn biến của bão.

Theo báo cáo nhanh, tỉnh Nghệ An có 3.503 phương tiện/17.580 lao động đang trực tiếp đánh bắt hải sản. Hiện nay, 3.087 phương tiện với hơn 15.000 lao động đã vào trú tránh an toàn tại bến và các tỉnh khác.

Địa bàn có trên 1.061 hồ đập lớn nhỏ; tính đến 7 giờ ngày 13/11/2020 có hơn 400 hồ đầy nước. Các công trình hồ đập khác được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng, chống lụt bão được duyệt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị xem xét cấm biển chiều nay. Ảnh Thu Huyền
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị xem xét cấm biển chiều nay. Ảnh: Thu Huyền

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, đến trưa 13/11, Nghệ An vẫn còn gần 500 tàu thuyền chưa vào trú tránh an toàn, hơn 400 hồ đầy nước, đề nghị các địa phương, lực lượng chức năng khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu trú tránh an toàn, xem xét có phương án cấm biển từ chiều nay. Sau hoàn lưu bão số 9 trên địa bàn cũng đang xảy ra hiện tượng sạt lở đất tại các địa phương như Đô Lương, Nghi Lộc, Tương Dương, Con Cuông... vì vậy, đề nghị các địa phương rà soát, có phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản...

Phát huy tốt phương châm "4 tại chỗ"

Sau khi nghe báo cáo tình hình công tác ứng phó với bão số 13 tại các địa phương, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương không được chủ quan bởi nếu bão đổ bộ vào khu vực miền Trung vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do các cơn bão trước đó mà không có biện pháp sơ tán dân thì thiệt hại rất khó lường.

Bộ đội biên phòng đồn cửa khẩu cảng Cửa Lò giúp dân neo đậu tàu thuyền. Ảnh Thu Huyền
Bộ đội Biên phòng Đồn Cửa khẩu cảng Cửa Lò giúp dân neo đậu tàu thuyền. Ảnh: Thu Huyền

Các tỉnh khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định phải kiểm soát, rà đếm lại tàu thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Cần khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác bảo đảm an toàn về người, tài sản, đối với hoạt động du lịch trên dọc tuyến biển và lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản ven biển và đất liền. Không để người dân trên các lồng bè, chòi canh, tàu thuyền khi bão đổ bộ vào.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tỉnh chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột tháp cao, cây xanh,... để hạn chế thiệt hại do bão. Rà soát phương án bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, các công trình phòng chống lụt bão. Tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đón lũ, kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định…

Các cơ quan cứu hộ, cứu nạn phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ".

Đối với phương án hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai, Chính phủ rất quan tâm song các địa phương cần xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả./.


Mới nhất
x
Ứng phó với bão số 13, Nghệ An xem xét phương án cấm biển từ chiều nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO