Ước gì “tiên học lễ…” không chỉ là câu khẩu hiệu

ƯỚC GÌ “TIÊN HỌC LỄ…” KHÔNG CHỈ LÀ CÂU KHẨU HIỆU

Bạn tôi, thạc sĩ Nguyễn Thu Huyền, tốt nghiệp ngành tâm lý giáo dục ở Anh và hiện làm trong môi trường giáo dục Việt Nam mới đây phải đặt câu hỏi khiến nhiều bè bạn suy nghĩ: “Phải chăng phụ huynh đang thích bắt nạt giáo viên?”.

Học trò của bạn là chủ trường mầm non kể: Vợ chồng bạn đang đau đầu, phụ huynh gọi điện đòi nhà trường đuổi cô giáo. Lý do: cô giáo đút cơm cho con cô ấy quá nhanh. Qua camera, phụ huynh đếm luôn cô đút cho con họ bao nhiêu muỗng, đút cho bé kế bên bao nhiêu muỗng, muỗng đầy hay vơi.

Nhiều câu chuyện từ các học trò, đồng nghiệp khác của bạn kể khiến không biết phải cười hay khóc vì… phụ huynh: Có phụ huynh tới trường mắng xối xả cô giáo vì lỡ để học sinh bị trầy da khi chạy nhảy. Có phụ huynh khác cũng bắt cô nghe 30 phút phàn nàn vì lỡ để bé khác ném… cục gôm bút chì vào trán con mình. Có phụ huynh thì gọi cô ra dạy dỗ về cách quản lý trẻ chỉ vì cô để con (tiểu học) được tự dùng kéo. Hầu hết phụ huynh không thèm giữ thể diện cho thầy, cô khi mắng giáo viên ngay trước mặt các học sinh…

Con gái tôi mới vừa lên lớp hai, tức là chỉ vài năm đi học nhưng quả thực như bạn nói, không ít lần tôi bất đắc dĩ chứng kiến cảnh cô giáo bị phụ huynh lớn tiếng, thậm chí “dạy dỗ”. Bản thân các thầy cô thường phải chịu nhịn nhục. Thậm chí cá biệt, có những thầy cô phải quỳ như báo chí từng đưa tin. Bất chấp hình ảnh ấy cực kỳ phản giáo dục, vô cùng xấu xí trước mặt con trẻ. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực sư phạm, bạn tôi băn khoăn hỏi: “Phải chăng phụ huynh đang bắt nạt giáo viên?”.

* * * * *

Có lần, tôi ngạc nhiên khi gặp hiệu trưởng trường mầm non nơi con gái mình từng theo học đang đứng bần thần, mắt đỏ hoe như kìm lại một sự xúc động lớn. Hỏi han cô vài câu, cô thở dài, kể vừa bị phụ huynh đưa con đi học “mắng vốn”. Phụ huynh ấy nói rằng, mỗi tháng chị ấy đưa tiền “bồi dưỡng” cho các cô 50.000 đồng. Tiền mồ hôi nước mắt chị ấy bán rau ngoài đường. Thế mà hôm qua cô không thèm trông trẻ, con đi học về mách bị bạn cào xước mặt.

“Họp giao ban, thi thoảng các cô cũng được nhắc nhở không nhận phong bì phụ huynh nhưng có lẽ có những phụ huynh khiến cô không nỡ từ chối, như 50.000 đồng của chị bán rau sáng nay. Có lẽ các cô nhận vì quá cả nể. Chị hỏi em, có đáng không khi 50.000 đồng ra đường mua được hai tô phở bình dân, 50.000 đồng là một bữa ăn sáng của cô và đó cũng là cái giá để chị ta có quyền sỉ nhục các cô giáo chỉ biết ăn tiền chứ không biết chăm trẻ. Nghe mà đau hết lòng, em à” – cô hiệu trưởng bức xúc.

Tôi thấy quặn lên trong lòng khi nhìn một hiệu trưởng trường con tôi, ở tuổi hoa râm xúc động. Năm tới cô về hưu. Cô nói mệt mỏi rồi, có những lúc yếu lòng thế này chỉ muốn nghỉ hưu sớm. Hồi xưa cô làm giáo viên, không bao giờ có những phụ huynh như thế.

Tôi lại nghĩ đến những sẻ chia của Th.s Nguyễn Thu Huyền trên FB của bạn: “Giáo viên hay bất cứ ai, dù qua đào tạo thì họ vẫn là con người, ắt hẳn có sai sót. Vấn đề là sai sót ở mức độ nào, đã gây tổn thương sâu sắc thể chất và tinh thần của học sinh chưa, đã vi phạm đạo đức nhà giáo, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ một cách nghiêm trọng không? Dù họ có vi phạm, họ vẫn được quyền đối xử một cách đúng chuẩn mực. Họ sẽ nhận lãnh những biện pháp kỷ luật từ cơ quan quản lý. Các trường học hiện nay, nhất là hệ thống trường tư, không nhà quản lý nào dại dột mà bao che cho lỗi sai của giáo viên, nhân viên cả. Bởi vậy, phụ huynh không nhất thiết phải tra tấn tinh thần giáo viên vì những điều nhỏ nhặt. Sự góp ý trên tinh thần xây dựng, tích cực mới là ứng xử phù hợp để giáo viên hoàn thiện bản thân và làm tốt hơn công việc của họ mỗi ngày”.

* * * * *

Nhiều người vẫn nói đùa với nhau rằng, xưa, để tôn vinh nghề giáo và nghề y, chỉ duy hai lĩnh vực ấy được gọi là “thầy”; và rồi, ở thời hiện đại, cả nghề giáo lẫn nghề y được coi là “nghề nguy hiểm”. Tiếng “thầy” thiêng liêng trong truyền thống Tôn sư trọng đạo, tha thiết và đầy yêu kính trong chữ “thầy, mẹ em” được dùng để gọi thầy thuốc, thầy giáo. Thật nguy hiểm khi bác sĩ cứu người bất thành có thể bị người nhà bệnh nhân cầm dao rượt đuổi, đòi giết; chỉ một chút sơ sẩy có thể bị ngồi tù. Và cũng nguy hiểm khó đong đếm được khi các thầy cô cũng luôn chịu những bất an, căng thẳng về tinh thần khi bất kể ngày nào cũng có nguy cơ bị phụ huynh la mắng, thậm chí phải nhập viện khi bị phụ huynh đánh.

Một trong những câu hát mà những đứa trẻ từ tuổi thơ tôi cho đến các con tôi đều thuộc nằm lòng là “Mẹ và cô”: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”. Đâu rồi sự quyện hòa tình cảm thiên chức mẹ và cô, để lũ trẻ có thể hồn nhiên lớn khôn, hồn nhiên yêu thương trong vòng tay cô và mẹ? Cô bạn chuyên gia mà tôi kể không ít lần cảnh báo rằng: “Sự xung đột trong quan điểm và nhận thức về giáo dục của nhà trường lẫn gia đình, sự tham gia không đúng cách của gia đình vào giáo dục nhà trường đang gia tăng áp lực cho giáo viên. Khi giáo viên sợ hãi và căng thẳng, họ không thể tập trung làm tốt việc của mình”. Ở góc độ phụ huynh, hẳn không ai muốn đưa con đến lớp của những thầy cô không “dạy tốt” khiến con mình cũng không thể “học tốt”. Mỗi ngày đưa con đi học, một trong những điều tôi quan tâm là con được vui để học. Mà con mình vui, dĩ nhiên trước hết cô phải vui để dạy.

Ước gì Tiên học lễ không chỉ là câu khẩu hiệu được kẻ nghiêm ngắn ở khu vực trung tâm mỗi ngôi trường, mà trước hết, cần được khắc lại từ tâm bố mẹ, như mạch suối nguồn dịu ngọt thấm nuôi tâm hồn những đứa trẻ. Như thế hệ chúng tôi ngày xưa, từ rất bé đã lắng trong lời ru của mẹ: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. “Ngày nào em bé cỏn con/ Bây giờ em đã lớn khôn thế này/ Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao…”.

Bây giờ rất hiếm bà mẹ ru con bằng ca dao, những câu ca ấy tuy vậy không hẳn hoàn toàn biến mất. Vẫn còn đó trong những trang sách giáo khoa, hay như Tiên học lễ, hậu học văn vẫn được kẻ ngay ngắn ở trung tâm mỗi ngôi trường. Nhưng rồi, ra khỏi trang sách, ra khỏi ngôi trường, có còn lưu lại gì trong trái tim non nớt của con không, hay sẽ đi đâu về đâu khi chính nhiều bố mẹ đã vô tình quên đi những giá trị cốt lõi ấy?