Ước mơ thắp sáng bản làng của hai học sinh mồ côi

Tiến Hùng 12/12/2020 08:15

(Baonghean.vn) -Chứng kiến cuộc sống khó khăn vì không có điện, 2 học sinh lớp 9 đã sáng chế ra máy phát điện bằng năng lượng gió kết hợp với năng lượng mặt trời. Điều đặc biệt, khi chủ nhân của máy phát điện là những đứa trẻ mồ côi, có gia cảnh éo le ở nơi từng được mệnh danh là thủ phủ ma túy ở Nghệ An.

Sáng tạo từ gian khó

Chúng tôi gặp La Phú Cường và Moong Thị Nhung (cùng 16 tuổi), khi cả hai đang tất bật kiểm tra lại sản phẩm của mình trước khi mang chúng lên đường dự cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật của huyện Tương Dương. Cường và Nhung đang là học sinh lớp 9B – Trường PTDTBT THCS Lượng Minh. “Bọn em đã thử nghiệm nhiều lần rồi. Ở bán trú, nhiều khi bị mất điện thì đưa nó ra để phát điện thắp sáng học bài, rồi cho mọi người sạc điện thoại”, Cường hồ hởi khoe.

Máy phát điện của hai học sinh khá đơn giản. Ảnh: Tiến Hùng
Máy phát điện của hai học sinh khá đơn giản. Ảnh: Tiến Hùng

Xã Lượng Minh là một trong những xã có đời sống kinh tế khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An hiện nay mà nguyên nhân một phần đến từ điện. Theo ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh thì đó là một sự bất công với người dân nơi đây. “Cả xã có 10 bản thì đến nay 5 bản vẫn chưa có điện lưới. Mặc dù nằm kẹt giữa 2 thủy điện là Bản Vẽ và Nậm Nơn. Nhiều nơi, đường dây điện kéo qua trên bản để đi vùng khác, nhưng người dân vẫn không được hưởng. Thật thiệt thòi”, ông Phúc lắc đầu ngao ngán.

Bản Minh Tiến của Moong Thị Nhung là một trong những bản chưa có điện. “Do về nhà không có điện nên ảnh hưởng nhiều đến việc học tập. Chính vì thấy cuộc sống quá khó khăn nên ngay từ đầu năm học, khi nhà trường gợi ý về cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, bọn em đã nghĩ đến đề tài này. Rồi cả hai cùng mày mò trên mạng, hỏi các thầy, các cô. Cuối cùng cũng thành công”, Nhung kể về nguyên nhân nảy ra ý tưởng làm ra máy phát điện.

Ý tưởng làm máy phát điện nảy ra sau khi chứng kiến cuộc sống khó khăn do thiếu điện. Ảnh: Tiến Hùng
Ý tưởng làm máy phát điện nảy ra sau khi chứng kiến cuộc sống khó khăn do thiếu điện. Ảnh: Tiến Hùng

Theo 2 học sinh này, ở huyện Tương Dương thời tiết thường xuyên thay đổi. Nhưng nhìn chung, khi nào ít nắng thì sẽ có gió và ngược lại. Do vậy, kết hợp 2 nguồn điện gió và mặt trời với nhau là một giải pháp tăng tính ổn định của nguồn phát cũng như tiết kiệm chi phí đầu tư. Chính vì thế, máy phát điện này khắc phục được nhược điểm khi không có gió thì đã có năng lượng mặt trời, khi không có năng lượng mặt trời thì đã có gió để phát điện. Đây chính là tính mới và sáng tạo của sản phẩm.

Máy phát điện của 2 em khá đơn giản, với chi phí chưa đến 1 triệu đồng. Chủ yếu chi phí dùng để mua ống sắt để làm cánh quạt hứng gió và tấm pin mặt trời. Nguyên lý hoạt động của nó là khi gió làm quay cánh quạt, tua-bin sẽ phát ra nguồn điện xoay chiều, qua bộ chỉnh lưu và lọc sẽ cho điện áp 1 chiều đến modul so sánh. Lúc này, modul so sánh điện áp 1 chiều này với điện áp 1 chiều so với pin mặt trời cung cấp, bên nào có điện áp lớn hơn sẽ đóng rơ le về bên đó để ưu tiên cung cấp điện áp cho nguồn điện sử dụng… “Tuy nhiên, nhược điểm của máy phát điện đó là công suất vẫn còn nhỏ, mới chỉ đủ để thắp sáng, sạc điện thoại”, Nhung nói.

Gia cảnh éo le

Nhung và Cường đều là những đứa trẻ mồ côi. Hơn 3 năm trước, bố Nhung – người đàn ông dân tộc Khơ mú tự vẫn bằng súng, để lại 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Đến bây giờ, Nhung nói rằng em vẫn không biết nguyên nhân vì sao bố lại như vậy. Cũng có thể do cuộc sống quá khó khăn, túng quẫn. Không lâu sau đám tang của chồng, mẹ Nhung quyết định “đi thêm bước nữa”. Bà mang theo đứa con nhỏ nhất, theo chồng mới lên huyện Kỳ Sơn sinh sống. Căn nhà xiêu vẹo được thưng sơ sài bằng những tấm ván của gia đình Nhung từ đó cũng bỏ hoang. Bố mất, mẹ đi tìm cuộc sống, ông bà cũng chẳng còn, Nhung và người chị gái đành phải đến tá túc ở nhà một người cậu họ.

Bố mất, mẹ
Bố mất, mẹ "đi thêm bước nữa" chị em Nhung phải đến tá túc người cậu họ nhưng em nhiều năm liền vẫn giữ thành tích học sinh giỏi. Ảnh: Tiến Hùng

Nhưng so với người bạn thân La Phú Cường, Nhung vẫn còn khá may mắn. Cường thậm chí còn không biết mặt bố và cũng chẳng có ký ức nào về mẹ. Cường sinh ra ở bản Xốp Mạt, đúng thời điểm cơn lốc ma túy đang tràn qua vùng đất này. Bản Xốp Mạt của Cường còn được biết đến với cái tên chẳng mấy hay ho là “bản không chồng”. Bởi nhiều thời điểm, trong bản ngoài người già và trẻ nhỏ, phần lớn là phụ nữ. Đàn ông trong bản, nếu không bị bắt liên quan đến ma túy thì chết vì HIV. Bố mẹ Cường cũng không tránh khỏi cái cám dỗ đó.

La Phú Cường thậm chí còn không được một lần gặp bố. Ảnh: Tiến Hùng
La Phú Cường thậm chí còn không được một lần gặp bố. Ảnh: Tiến Hùng

Cường kể rằng, khi em vẫn đang còn trong bụng mẹ thì bố bị bắt đi tù vì liên quan ma túy. Rồi không lâu sau ông cũng mất trong tù. Sinh con được vài tháng, mẹ cũng bỏ Cường lại cho bà nội chăm sóc rồi bỏ đi biệt tăm. Kể từ đó, 2 bà cháu đành phải rau cháo nuôi nhau…!

Mặc dù gia cảnh éo le, nhưng theo giáo viên chủ nhiệm, cô Nông Thị Chung thì cả hai em đều có ý thức học tập rất cao. “Hai em rất ngoan, biết nghe lời, thành tích học tập thường dẫn đầu lớp. Nhung là lớp trưởng, từ lớp 6 đến giờ đều là học sinh giỏi. Còn Cường là "cờ đỏ" của lớp”, cô Chung nói.

Mới nhất

x
Ước mơ thắp sáng bản làng của hai học sinh mồ côi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO