Uống nhiều rượu ngâm có chắc 'bổ'?

02/04/2017 08:46

Các gia đình thường có thói quen dùng rượu ngâm với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể. Do kiến thức hạn chế và sai lầm về ngâm rượu, dùng rượu nên nhiều người đã phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Hằng ngày, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai tiếp nhận những ca ngộ độc rượu chủ yếu ở các tỉnh thành phía Bắc. Theo các y, bác sĩ Trung tâm Chống độc ở miền Bắc, số ca ngộ độc rượu do uống rượu ngâm thuốc con vật côn trùng thường phổ biến hơn so với số ca uống rượu tự nấu thủ công. Tương ứng sẽ là tình trạng ngộ độc nguy cơ tử vong cao vì phần lớn đều do người dân tự ngâm tự pha chế trong khi đó kiến thức về rượu lại rất hạn chế, thành thử không phải loại rượu nào cũng cho hiệu quả như mong muốn.

Việc ngâm rượu sai cách cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì thiếu kiến thức về việc ngâm rượu thuốc nên nhiều người nghĩ rằng ngâm càng nhiều loại chung với nhau càng phát huy tác dụng.

Đây là điều hết sức sai lầm vì trong số những loại dùng ngâm rượu chung đó có thể có một số loại kỵ nhau nên khi ngâm chung thì chúng sẽ sản sinh ra độc tố, gây hại đến sức khỏe. Thậm chí, với những loại được kiểm chứng có lợi mà ngâm sai cách cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như khi ngâm tắc kè thì phải loại bỏ mắt, cơ quan chứa độc tố, nội tạng, sau đó làm sạch, nướng sơ qua rồi mới ngâm nhưng do không hiểu biết và không biết được sự nguy hiểm của tắc kè mà ngâm nguyên con là vô cùng nguy hiểm.

Phát biểu trên báo chí, TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cảnh báo rượu ngâm thuốc cũng là thuốc cho nên phải uống có liều lượng và có chống chỉ định đối với mỗi người.

Trên thực tế, có rất nhiều người do nghe đồn thổi nên đã tự ý ngâm các loại củ, rễ cây rừng không rõ nguồn gốc, đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ngộ độc dẫn đến chết người vì mặc dù thuốc bổ nhưng cũng phải có liều lượng nhất định mới mang lại tác dụng. Không nên có quan niệm thuốc bổ nên dùng bao nhiêu cũng được và việc bồi bổ bằng các loại rượu ngâm dược liệu còn phải phù hợp với thể trạng của từng người vì có thể với người này thì tốt nhưng với người khác có thể không tốt.

Từ việc sử dụng quá nhiều rượu bổ, hằng năm có hàng trăm trường hợp ngộ độc do rượu ngâm, nếu nhẹ thì có biểu hiện nôn mửa, rối loạn hành vi, một số khác nặng hơn thì bị hôn mê sâu, trụy mạch, mặc dù được cứu chữa khỏi ngộ độc nhưng vẫn có thể phải mang di chứng nặng nề.

Mặt khác, do trong máu của động vật thường bị nhiễm ký sinh trùng như: trứng giun sán rồi trong quá trình lấy máu của chúng lại không đảm bảo vệ sinh nên có thể bị nhiễm vi khuẩn, ấu trùng; lại thêm việc ngâm rượu sai cách nên khi uống rượu thì ký sinh trùng sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Bên cạnh đó, hầu hết đều tự ngâm rượu để uống nhằm đảm bảo an toàn hơn và tốt cho sức khỏe hơn, nhưng đây là điều chưa hoàn toàn chính xác. Chẳng hạn như: nếu dùng các loại rễ cây, các loại thảo dược hay các loại động vật để ngâm rượu mà không rõ thành phần hay công dụng thì sẽ có nguy cơ gây độc cho cơ thể và nếu uống quá nhiều rượu ngâm thì chẳng những bị ngộ độc do các loại dùng để ngâm mà còn bị nghiện rượu và bị các tác hại tương tự rượu bia thông thường.

Để ngâm được một bình rượu, người ngâm phải đảm bảo rượu và nguyên liệu rõ nguồn gốc, rượu nấu phải có độ cồn cao khoảng 45-550, nhất là khi ngâm động vật vì khi ngâm động vật với rượu có độ cồn thấp sẽ dễ bị ôi hư, phân hủy và sản sinh ra chất độc hại. Khi ngâm rượu thì phải đúng bài, đúng vị. Tuyệt đối không dựa vào tin đồn mà mua nguyên liệu lạ về ngâm và khi uống rượu thì phải đúng liều lượng vì nếu uống nhiều thì có thể có phản ứng của cơ thể, nhất là những người mắc bệnh dạ dày, gan. Tốt nhất chỉ nên dùng 1-2 ly nhỏ cách ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nên kết hợp ăn uống đầy đủ dưỡng chất và có chế độ rèn luyện phù hợp để đảm bảo sức khỏe.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu, nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây để ngâm rượu bởi dễ chọn nhầm loại cây có độc tính và không nên lạm dụng rượu, bởi vì khi cơ thể tiếp nhận một lượng lớn rượu, sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kể cả việc sử dụng dụng rượu bổ.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Uống nhiều rượu ngâm có chắc 'bổ'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO