Sức khỏe

Uống nước dừa như thế nào để không gây hại?

Hà An 15/08/2024 09:34

Nước dừa giúp cân bằng điện giải, cải thiện hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ miễn dịch... Tuy nhiên, bạn không nên uống quá nhiều, không nên uống thay nước lọc.

Nước dừa vừa giúp giải nhiệt vừa tốt cho sức khỏe

Bổ sung đủ nước trong mùa hè luôn quan trọng và càng quan trọng hơn khi nhiệt độ tăng lên mức cao kỷ lục. Theo Cleveland Clinic, để giữ chất điện giải ở mức bình thường, có 7 thành phần cần có trong thực phẩm và đồ uống mà bạn tiêu thụ, ở mức vừa phải gồm magiê, natri, canxi, kali, phốt phát, clorua và bicarbonate.

Uống nước là cách tốt nhất để chúng ta bù nước, tuy nhiên quá trình lọc nước có thể khiến nước mất đi một số khoáng chất có lợi.

Bạn có thể bổ sung thêm các giọt khoáng chất vi lượng bao gồm các khoáng chất như natri, kali và magiê để tăng thêm lợi ích mà bạn nhận được từ việc uống nước. Bạn cũng có thể mua nước khoáng để có được những lợi ích tương tự.

Uống nước dừa như thế nào để không gây hại? - 1

Nước dừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe Ảnh: Getty Creative

Ngoài ra, nước dừa cũng là loại đồ uống bù nước cực kỳ tốt trong những ngày nắng nóng. Nước dừa tươi có hàm lượng kali tự nhiên cao.

Theo TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước dừa non chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, gồm 95% nước, còn lại là đường và một số vi chất như kali, sắt, canxi, phốt pho... Đây là thức uống bổ dưỡng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng bệnh sỏi thận, điều hòa huyết áp và tốt cho tiêu hóa.

Một quả dừa non trung bình chứa 240ml cung cấp 57 kcal năng lượng cho cơ thể. Nước dừa cung cấp vitamin nhóm B, vitamin C, magiê, mangan, kali, natri, canxi là những vitamin, chất xơ, chất khoáng rất cần thiết cho cơ thể.

Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam, cũng cho biết thêm, theo y học cổ truyền, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, chỉ huyết. Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu.

Nước dừa trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc, suy nhược...

Với lượng nước và hàm lượng kali dồi dào, nước dừa giúp cân bằng điện giải, cải thiện hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ miễn dịch và cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể.

Vì vậy, nước dừa thường được dùng nhằm bổ sung nước và điện giải cho cơ thể trong trường hợp bài tiết mồ hôi quá nhiều, mất nước do sốt, tiêu chảy…

Nước dừa được coi là thức uống điện giải thể thao bởi vai trò cung cấp các chất khoáng (natri, kali, magiê…). Nước dừa còn ngọt hơn đáng kể, ít gây buồn nôn, no và không đau bụng. Nó cũng dễ tiêu thụ với số lượng lớn hơn so với tiêu hóa nước điện giải chuyên dụng và nước thường.

Một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Ấn Độ cho thấy nước dừa giúp giảm đáng kể cả huyết áp tâm thu và tâm trương ở người bệnh tăng huyết áp. Đây là tác dụng đáng mong đợi của nước dừa đang được nhiều tác giả trên thế giới tiến hành nghiên cứu.

Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K (Hà Nội), nước dừa có tác dụng tích cực trong quá trình chuyển hóa cholesterol. Nhiều nghiên cứu tiến hành trên chuột cho thấy nước dừa non và nước dừa chín đều có lợi đối với các thông số lipid huyết thanh và mô.

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy nước dừa có tác dụng làm giảm đáng kể tình trạng tăng đường máu và cải thiện rõ rệt mức độ nặng của bệnh đục thủy tinh thể do bệnh đái tháo đường gây ra.

Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu hơn và trên người cần được tiến hành để chỉ ra cơ chế và hiệu quả của nước dừa với bệnh đái tháo đường.

Uống nước dừa như thế nào để không gây hại?

Theo TS Giang, nước dừa tốt nhưng cũng không nên uống quá nhiều. Một người có thể uống khoảng 300-500ml mỗi ngày (1-2 quả).

Uống nhiều nước dừa có thể gây đầy bụng hoặc khó chịu ở một số người. Nếu quá lạm dụng có thể khiến nồng độ kali trong máu trở nên quá cao. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về thận và tim mạch. Hầu hết các bác sĩ tiết niệu khuyên bạn nên uống nước dừa xen kẽ mỗi ngày.

Tốc độ sản sinh vi khuẩn của nước dừa tương đối nhanh, khoảng chừng 20 phút. Do đó, chúng ta không nên uống khi nước dừa đã để bên ngoài quá 20 phút để tránh việc nước dừa thay đổi mùi vị, có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa đặc biệt ở trẻ.

Theo Webmd, nước dừa thực sự không có bất kỳ tác dụng phụ nào khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Nếu bạn uống nhiều nước dừa và bạn bị bệnh thận mãn tính, có thể có vấn đề.

Bệnh thận mãn tính khiến thận khó loại bỏ kali hơn và nước dừa có nhiều kali. Quá nhiều kali trong thận có thể dẫn đến tình trạng gọi là tăng kali máu, mức kali trong máu cao nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

Hàm lượng kali cao trong nước dừa cũng có nghĩa là nó có thể giúp hạ huyết áp bằng cách khiến bạn bài tiết nhiều natri hơn qua nước tiểu. Nếu bạn đang dùng thuốc hạ huyết áp, hãy trao đổi với bác sĩ về lượng nước dừa bạn có thể uống một cách an toàn./.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/uong-nuoc-dua-nhu-the-nao-de-khong-gay-hai-20240812160339864.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/suc-khoe/uong-nuoc-dua-nhu-the-nao-de-khong-gay-hai-20240812160339864.htm
Mới nhất
x
Uống nước dừa như thế nào để không gây hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO