Ưu điểm của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử

P.V: Thưa đồng chí, việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử có những ưu điểm gì so với chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch hiện nay?

Đại tá Lương Thế Lộc: Thẻ căn cước công dân sử dụng chíp điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Trước hết độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác như bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe… và nó phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay, so với việc sử dụng thẻ mã vạch căn cước công dân.

Thẻ căn cước công dân có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như giảm chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của Chính phủ điện tử. Đáng chú ý, khi thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

Đặc biệt, mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên căn cước công dân gắn chíp là không thể thay đổi và không thể giả mạo, việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính.

Người dân chờ làm căn cước công dân tại bộ phận một cửa (Công an tỉnh); Hướng dẫn người dân kiểm tra thông tin cá nhân và làm căn cước công dân tại bộ phận một cửa.
Người dân chờ làm căn cước công dân tại bộ phận một cửa (Công an tỉnh); Hướng dẫn người dân kiểm tra thông tin cá nhân và làm căn cước công dân tại bộ phận một cửa.

P.V: Một số người còn tỏ ra lo ngại về tính bảo mật thông tin của thẻ căn cước công dân có gắn chíp, nhất là trong trường hợp thẻ bị mất, cũng như việc gắn chíp điện tử vào thẻ căn cước công dân sẽ gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân, ý kiến của đồng chí về vấn đề này ra sao?

Đại tá Lương Thế Lộc: Về vấn đề bảo mật, người dùng có thể yên tâm vì thẻ căn cước công dân mới có tính bảo mật cao. Chíp sử dụng trên thẻ tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch. Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay, nhóm máu), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật, nhất là trong các giao dịch tài chính.

Việc gắn chíp trên thẻ căn cước công dân với mục đích là thuận tiện trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay. Chíp trên thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi, bởi vậy công dân không phải lo ngại việc lộ, lọt thông tin cá nhân.

Chụp ảnh và lấy dấu vân tay để làm thẻ căn cước công dân.
Chụp ảnh và lấy dấu vân tay để làm thẻ căn cước công dân.

P.V: Khi cấp thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp thì chứng minh nhân dân, căn cước công dân có mã vạch còn giá trị sử dụng nữa không, thưa đồng chí?

Đại tá Lương Thế Lộc: Khi thẻ căn cước công dân gắn chíp được đưa vào sử dụng thì song song với đó chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch nếu còn thời hạn sử dụng vẫn được dùng để thực hiện các giao dịch bình thường, bởi thực tế là chỉ thay đổi thiết bị lưu trữ thông tin, còn số chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũ vẫn giữ nguyên.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và pháp luật hiện hành, công dân vẫn sử dụng được chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch đến khi hết giá trị sử dụng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính tiến tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử khi dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân của Bộ Công an được triển khai.

Tra cứu thông tin để làm căn cước công dân.
Tra cứu thông tin để làm căn cước công dân.

P.V: Vậy khi nào sẽ triển khai việc cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An và trình tự thủ tục như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Lương Thế Lộc: Hiện tại, Công an tỉnh được trang bị 2 máy, Công an các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và TP. Vinh, mỗi địa phương 1 máy để phục vụ làm căn cước công dân có gắn chíp. Từ 1/1/2021, Công an tỉnh Nghệ An đã thí điểm triển khai làm thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, trên cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm thực tế. Từ 23/1, theo chỉ đạo từ Bộ Công an về việc dừng cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch và tiến hành cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Trước mắt Công an tỉnh Nghệ An sẽ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho các trường hợp: Công dân đủ 14 tuổi chưa làm chứng minh nhân dân; trường hợp đã cấp nhưng bị hỏng, hết hạn; bị mất chứng minh nhân dân; thay đổi thông tin hộ tịch trong chứng minh nhân dân.

Việc cấp thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp được tiến hành theo 4 bước: Bước 1: Kiểm tra thông tin cá nhân do cơ quan công an cung cấp; Bước 2: Xuất trình các giấy tờ cần thiết để đối chiếu thông tin; Bước 3: Chụp ảnh, lấy dấu vân tay; Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ và đến lấy thẻ căn cước công dân.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Một góc thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Đức Anh
Một góc thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Đức Anh