Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dụ thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) là một trong các nhiệm vụ nằm trong Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đã được Bộ Chính trị thông qua tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021.
Dự án Luật này dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 10 vào chiều 18/4 trước khi trình Quốc hội.
Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 10 vào chiều nay (18/4). |
Luật Thanh tra là đạo luật quan trọng không chỉ về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thanh tra Nhà nước, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà còn liên quan tới nhiều cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước và có đối tượng áp dụng rất rộng. Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ (ngày 23/11/1945) đến nay đã gần 80 năm.
Qua thời gian, tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra nước ta ngày càng phát triển và hoàn thiện theo các tư tưởng đề cao vai trò của thanh tra trong quản lý Nhà nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.
Tiếp đó, Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội khóa XI (năm 2010) thông qua là cột mốc đánh dấu sự hoàn thiện về phương diện pháp lý tổ chức và hoạt động của thanh tra ở nước ta. Đến nay, sau hơn 12 năm thi hành, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Luật hiện hành còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, qua quá trình thực hiện, Luật đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra thời gian qua; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
Là một đạo luật quan trọng, có đối tượng áp dụng rất rộng, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra Nhà nước. Quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật Thanh tra là quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của bộ máy Nhà nước và cả hệ thống chính trị; làm rõ và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong lãnh đạo công tác thanh tra, xử lý các vấn đề phát sinh được phát hiện qua hoạt động thanh tra…
Theo Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 đã được Quốc hội quyết định và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 10 vào chiều 18/4 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới (tháng 5/2022).
Trước đó, để chuẩn bị các nội dung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 31/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ đối với các nội dung của sự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).