V- League và chuyện hợp đồng mùa cuối

Bùi Hoa 16/10/2022 16:48

(Baonghean.vn) - Chuỗi 7 trận liên tiếp không thắng gần đây của Hoàng Anh Gia Lai được các chuyên gia nhìn nhận là do thiếu chiều sâu đội hình, nghĩa là có sự chênh lệch đáng kể giữa các trụ cột thường xuyên đá chính và số dự bị, nghĩa là thiếu biện pháp để sử dụng các nhân tố trẻ thường xuyên, hợp lý. Thoạt nghe, điều này có lý khi V-League là cuộc đấu đường dài, khốc liệt, không có chỗ cho mọi sự nông cạn, hời hợt. Nhưng xem kỹ tình hình ở đội bóng phố Núi, phải chăng câu chuyện đúng thế nhưng không chỉ có thế?

Ai cũng biết đội hình hiện tại của Hoàng Anh Gia Lai, cho đến mùa V-League 2022 thi đấu với nòng cốt là lứa U19 nổi danh ngày nào, lứa cùng U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở Thường Châu 2018 và các thành công khác của bóng đá Việt, cộng với các ngôi sao phòng ngự từ các đội bóng khác (Hữu Tuấn, Tuấn Linh…) và các ngoại binh, dưới sự dẫn dắt tài tình của Kiatisuk. Đó là lứa cầu thủ tài năng, đi từ bóng đá trẻ U19 lên thẳng chuyên nghiệp, với tham vọng “đá cho vui” của bầu Đức nên thực tế đã “dành cả tuổi thanh xuân để trụ hạng”.

Trẻ SLNA. Ảnh tư liệu của Hải Hoàng

Khi đưa Kiatisuk về phố Núi, bầu Đức dĩ nhiên có tham vọng mới, có cơ hội mới để làm cho mọi người thấy được đội bóng của ông chính là “ứng viên” tiềm tàng cho ngôi vô địch và họ đã chứng minh thực tế ở mùa giải nhiều dịch dã 2021. Họ tiếp tục chứng minh tiềm năng ở giải giao hữu trước khi V-League 2022 khởi tranh. Nhưng khi vào giải thực sự thì mọi chuyện lại không đơn giản, bất ngờ thăng hoa, bất ngờ chững lại một cách khó hiểu? Đó là quãng đầu với 5 trận không thắng, rồi 5 trận thắng liên tiếp và bây giờ là 7 trận liên tiếp không thắng (gồm 5 trận thắng, 7 hòa, 5 thua, ghi 18 bàn, lọt lưới 17 bàn).

Nếu nhìn về thế trận, Hoàng Anh Gia Lai luôn giữ được mạch tấn công phóng khoáng, rực lửa. Nhưng hiệu quả lại là điều các tiền đạo không làm tốt, dù Văn Toàn gần đây đã thực sự trở lại là chính mình (đội bóng ghi được nhiều bàn nhất đến hiện nay là 27 bàn như Hải Phòng hay Bình Định). Đã vậy, dàn nội ngoại binh được giao nhiệm vụ phòng ngự, nhằm bù đắp cho thế yếu trước đây, tạo sự cân bằng cho hôm nay lại thường xuyên đuối sức, lỏng lẻo về cuối trận, cộng với đà ham dâng cao của tuyến tiền vệ nên mất luôn cả yếu tố quan trọng là phòng ngự từ xa.

Đương nhiên Kiatisuk không muốn đội bóng do mình dẫn dắt thi đấu theo đồ thị hình sin đi xuống đó. Bầu Đức càng không và người hâm mộ phố Núi cũng như cả nước lại càng không bao giờ muốn thấy chuyện đó xảy ra sau mỗi ngày cuối tuần háo hức.

Thực ra, câu chuyện đã có từ lâu, vấn đề là người ta không muốn nhìn nhận một cách chủ động mà thôi. Đó là lò đào tạo trứ danh của bầu Đức thực tế đã sản sinh ra lứa cầu thủ giỏi với Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh…nhưng nếu thi đấu đối kháng thực sự thì đội hình này, lối chơi này rất dễ bị bắt bài, bị phá sản khi đối đầu với những đội bóng chơi cân bằng, có sức mạnh, toan tính. Việc họ được đưa thẳng lên V-League không hẳn đã tốt bởi quá trình dài thất bại, liên tục chống xuống hạng, khiến họ “nản” không chỉ trong một vài mùa bóng. Đã vậy, quá trình được gọi lên các đội tuyển quốc gia cũng vừa khiến họ thi đấu thăng hoa, vừa khiến họ lại “ngán” bóng như quá trình đá vòng loại World Cup vừa qua.

Và hiện tại, mùa giải 2022 là mùa cuối cùng lứa cầu thủ ngôi sao này cống hiến cho đội bóng phố Núi. Đây là câu chuyện không của riêng ai với mọi suy tư, nhìn nhận của từng người. Những lò đào tạo trẻ nổi danh như Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp…từng nhận được vô số bài học bổ ích khi cầu thủ thi đấu mùa cuối cùng theo hợp đồng. Nếu cầu thủ được bàn thảo và ký tiếp hợp đồng đã là câu chuyện khác. Tiếc thay, số đông vẫn trong tình trạng chưa biết mùa sau sẽ ở lại hay về đâu? Chuyện tình cảm, ơn nghĩa là có thật và vẫn được đặt lên hàng đầu trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Vậy thì kết quả thi đấu không như mong muốn, cầu thủ ra sân thiếu động lực, giữ chân…thì đâu phải là chuyện lạ, khó hiểu? Khó hiểu là mọi việc sờ sờ ra đó mà người ta cứ lần lữa, cứ im thin thít thì mọi việc vẫn chỉ đến mức độ đó mà thôi.

Nói cho cùng, tham vọng của ông bầu, của đội bóng chỉ giữ ở mức…trụ hạng thì dù có tung hô đến mấy kết quả cuối cùng cũng sẽ dẫn về vị trí xứng đáng cuối mùa như từng thấy. Tất nhiên, có tham vọng như Topenland Bình Định thì mọi việc cũng không đồng nghĩa với việc mua thầy giỏi, trò giỏi là “thu hoạch” ngay thứ hạng cao, mà phải trải qua quá trình dài, đầy mồ hôi, tiền của. Cũng có chuyện một đội bóng “ngựa ô” nào đó nhưng sự bền bỉ, đứng vững không bao giờ là điều dễ dàng, nếu không nói mùa sau là địa chỉ để đội khác khai thác điểm số, bị “đánh hội đồng”.

Để thấy câu chuyện đường dài của Hoàng Anh Gia Lai nói chung không phải là chuyện lạ. Đội bóng này không thực sự có nền tảng đào tạo trẻ tốt, không tạo ra được lớp kế tục xứng đáng, phụng sự lối chơi đẹp nhưng thiếu hiệu quả thực tế nên rất khó để đủ độ chai sạn khi đứng trước bất cứ đối thủ rắn mặt nào. Đó là điều họ không làm được so với đối thủ như Sông Lam Nghệ An khi cần thiết, dù thực ra đội bóng chủ sân Vinh cũng có vô số điều chưa/thiếu chuyên nghiệp hôm qua và hôm nay./.

Mới nhất

x
V- League và chuyện hợp đồng mùa cuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO