V-League và chuyện thay đổi thể thức thi đấu
(Baonghean.vn) - V-League2-2022 đã kết thúc và V-League1 đang đi về những vòng đấu cuối cùng và hiện tại dự kiến kế hoạch thi đấu mùa bóng mới 2023 đã được ban hành. Theo đó, từ năm 2023 bóng đá Việt Nam bắt đầu thực hiện lộ trình thay đổi thời gian tổ chức đối với tất cả các giải trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC); hệ thống các giải quốc gia sẽ diễn ra trong 2 năm (từ mùa thu năm trước đến mùa hè năm sau).
Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ban hành dự kiến kế hoạch thi đấu mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2023. Đáng chú ý là giải vô địch quốc gia, tức V-League1 khai mạc vào ngày 03/02/2023, giải hạng nhất tức V-League2 khai mạc vào ngày 04/02/2023 và đều thi đấu vòng tròn một lượt, tách nhóm thi đấu giai đoạn 2 với nhóm tranh vô địch và nhóm chống xuống hạng. Cup quốc gia bắt đầu từ 18/03 và kết thúc vào 27/08/2023 với thể thức thi đấu trực tiếp 1 lần thua.
Mùa bóng mới 2023 sẽ có những nét mới đáng kể. Ảnh tư liệu |
Như vậy, mùa bóng mới 2023 sẽ có những nét mới đáng kể khi bóng đá Việt Nam thực sự “hội nhập” với thể thức thi đấu kéo dài trong 2 năm như thế giới đang tiến hành, vừa phù hợp với lịch thi đấu của cả thế giới, châu lục và khu vực, vừa tránh cho cầu thủ phải thi đấu trong mùa hè nắng nóng, khán giả phải đội nắng cổ vũ như nhiều năm nay. Nhưng cũng có điểm khác là với 2 giai đoạn, nếu đội bóng thi đấu vòng tròn 1 lượt đạt thứ hạng cao, họ sẽ có chân trong nhóm đua tranh ngôi vô địch ở giai đoạn 2. Ngược lại, nếu không giành kết quả tốt, các đội nhóm sau sẽ cùng nhau đua, tránh một hoặc hai suất xuống hạng.
Thực ra, trong mùa giải đại dịch 2020, bóng đá Việt cũng đã tiến hành 2 bước này để rồi sau đó tranh luận nảy ra với nhiều ý kiến trái chiều, rốt cuộc mùa 2021 (bỏ dở) và mùa 2022 lại quay về thông lệ cũ thi đấu vòng tròn 2 lượt như truyền thống. Cho đến nay, lý do vì sao giai đoạn 2 tiến hành tách nhóm được đưa ra, trong khi khách quan không có vấn đề gì vướng mắc như trước đó.
Trước đây, việc thi đấu vòng tròn 2 lượt được cho là có nhiều lợi thế bởi số trận đấu của mùa giải sẽ nhiều hơn, có lợi cho nhiều đối tượng liên quan, từ cầu thủ, ban huấn luyện, đội bóng và người xem. Có ý kiến cho rằng, nếu tách nhóm từ giai đoạn 2 sẽ khiến nhiều đội bóng hết mục tiêu, thi đấu không nhiệt tình, trở thành kho điểm cho các đội khác. Nhưng ý kiến này lập tức được phản biện rằng, kể cả khi không tách nhóm từ giai đoạn 2 thì nhóm đội top giữa khi thi đấu lượt về thuộc vòng tròn 2 lượt cũng sẵn sàng thi đấu cầm chừng khi ngôi vô địch thì không tới mà xuống hạng cũng chưa tới lượt? Tình trạng “đá cho vui” luôn là điều có thật của bóng đá Việt lâu nay, nhất là với các đội bóng thường thường bậc trung.
Thực tế từ mùa giải 2020 khi thực hiện tách top từ giai đoạn 2 cho thấy khả năng “buông súng” đã diễn ra với các đội bóng như Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai…Trái lại, Viettel, Hà Nội FC là những đội thi đấu tốt ở giai đoạn tách top này và đạt thứ hạng cao nhất mùa giải.
Để thấy, những đội bóng có tham vọng thực sự sẽ chiến đấu tới cùng bất cứ trước mắt họ là thể thức thi đấu nào. Hơn nữa, nếu muốn tăng tính hấp dẫn của mùa bóng cho đến những vòng đấu cuối, các đội mạnh phải trực tiếp thi đấu một mất một còn với nhau để tranh ngôi vô địch, còn nhóm yếu cũng phải lấy điểm của nhau, không phải gặp đội quá mạnh, đội ứng viên vô địch dễ làm họ nản chí phấn đấu. Hơn nữa, với bóng đá Việt hiện nay, câu chuyện một ông chủ mấy đội bóng vẫn chưa được làm rốt ráo, liên minh nọ kia cũng chưa hẳn đã là quá khứ, nên tách ra là tách bớt đi chuyện nhường điểm, tình nghĩa râm ran.
Tất nhiên, không có thể thức nào là hoàn hảo và dự kiến nêu trên của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng chưa hẳn đã nhận được sự đồng tình và thực hiện tới đây, bởi còn chờ “hạ hồi phân giải”. Nhưng chắc chắn phải có lý do chính đáng và cấp thiết, dự kiến trên mới được đưa ra sớm để bàn thảo và quyết định?