Vaccine Covid-19 cho trẻ em khác gì người lớn

Thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi tiêm liều vaccine Pfizer giống với người trưởng thành là 30 microgam, trong khi trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tiêm liều bằng một phần ba.

Từ tháng 5, Mỹ và nhiều nước trên thế giới bắt đầu tiêm chủng cho thiếu niên (từ 12 đến 17 tuổi) bằng vaccine Pfizer, theo chương trình phê duyệt khẩn cấp. Ngày 7/10, hãng Pfizer nộp đơn lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép vaccine cho nhóm nhỏ hơn, từ 5 đến 11 tuổi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhóm từ 12 đến 17 tuổi, liệu trình tiêm vaccine Pfizer tương đương với người lớn: hai liều 30 microgam cách nhau ba tuần, theo FDA. Hầu hết vaccine áp dụng liều tiêm trẻ con như người lớn, trừ viêm gan B (người lớn tiêm liều cao hơn) hoặc uốn ván, bạch hầu, ho gà (trẻ em tiêm liều cao hơn).

Khác với thuốc, các loại vaccine thường không có chỉ định liều cao hơn dành cho người già hoặc bệnh nặng, vì nó được dùng ở người khỏe mạnh.

"Vaccine hoạt động theo cách riêng. Nó không tồn tại ở một nồng độ nhất định trong máu (như thuốc) mà có vai trò kích thích hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch ở người sẽ phản ứng với bất cứ yếu tố bên ngoài xâm nhập nào, dù chỉ là lượng rất nhỏ", tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao về An ninh Y tế của Trung tâm Johns Hopkins, giải thích. "Vì vậy liều lượng vaccine và phản ứng của cơ thể thường không tương quan với nhau. Vấn đề là phải tìm ra liều phù hợp để kích thích được hệ miễn dịch. Với hầu hết loại vaccine, một liều lượng phù hợp với phần đông người dùng", ông nói thêm.

Nói cách khác, bản thân vaccine không được vận chuyển qua cơ thể như thuốc. Cơ chế của nó là hướng dẫn các tế bào miễn dịch nhận biết mầm bệnh và phản ứng lại sau này. Vì vậy, liều lượng vaccine hầu hết là như nhau ở nhiều nhóm cân nặng. Các nhà khoa học thường cố gắng tìm ra liều vaccine thấp nhất nhưng vẫn an toàn và đủ sức bảo vệ cơ thể. Đây cũng là lý do chuyên gia khuyến nghị cộng đồng không nên để trẻ em trì hoãn hoặc trốn tiêm chủng, dù trẻ thấp còi hay béo phì. nCoV kích thước rất bé, 60-140 nanomet, song chỉ lượng virus siêu nhỏ cũng khiến một người bị bệnh. "Vaccine có cơ chế y hệt như vậy", tiến sĩ Adalja nói. "Bởi hệ miễn dịch đã phát triển đủ để đáp ứng với số lượng nhỏ virus lạ, đối với hầu hết vaccine, người dùng có trọng lượng khác nhau được dùng cùng liều".

Pfizer hồi tháng 3 công bố vaccine giúp giảm 100% nguy cơ nhiễm nCoV ở trẻ 12 đến 15 tuổi, tỷ lệ này ở người từ 16 đến 25 tuổi là 95%.

Một bé gái 12 tuổi được tiêm vaccine tại Bucharest, Romania, ngày 2/6. Ảnh: AP

Đối với nhóm 5 đến 11 tuổi, liều lượng có sự khác biệt. Dù một liều vaccine được dùng với hầu hết nhóm dân số, song các nhà khoa học khẳng định "trẻ em không phải người lớn thu nhỏ". Vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em với liều lượng thấp hơn, chỉ 10 microgram, tác dụng phụ ở mức tối thiểu và tiêm chung được với vaccine cúm.

Trẻ em có hệ miễn dịch khác với người trưởng thành. Vì vậy Pfizer thử nghiệm liều dùng thấp hơn (10 microgram) với trẻ 5-11 tuổi, thay vì 30 microgram như ở người lớn. Các nhà khoa học nhận ra trẻ em vẫn có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ dù liêm vaccine liều thấp.

Trên thực tế, liều lượng này thậm chí phù hợp với cả người lớn, theo tiến sĩ Robert Frenck, chỉ đạo thử nghiệm vaccine tại Bệnh viện Nhi Cincinnati. Điều này tương đồng với nhận định trước đó, rằng lượng vaccine nhỏ cũng có thể tác dụng cao ở người nặng cân hơn.

"Chúng tôi đã thử nghiệm liều 10 microgam, 20 microgam và 30 microgam với người trưởng thành và nhận thấy ở nhóm 18-55 tuổi, 10 microgam thôi cũng đem lại phản ứng miễn dịch rất tốt", ông nói. "Nhưng người từ 65 tuổi trở lên không đáp ứng miễn dịch với liều thấp. Đó là lý do chúng tôi chọn tiêm 30 microgram ở tuổi trưởng thành nói chung".

Liều lượng hiệu quả với người già và được dung nạp tốt ở người trẻ. Trong bối cảnh eo hẹp về thời gian, các nhà khoa học cho rằng đây là lựa chọn tối ưu.

Tiến sĩ Frenck cho biết vaccine liều 10 microgram cũng hiệu quả ở cả trẻ em từ 12-18 tuổi. Đối với nhóm nhỏ nhất, trẻ dưới 5 tuổi, các nhà khoa học đang thử nghiệm liều 3 microgram.

Tiêm liều thấp hơn cũng giúp giảm tác dụng phụ của vaccine xuống mức tối thiểu.

"Tác dụng phụ ở trẻ em cũng giống hệt người lớn", ông Frenck nói. "Phổ biến nhất là đau tại vùng tiêm, ngoài ra còn có đau đầu và mệt mỏi. Sốt và ớn lạnh có tỷ lệ thấp hơn, khoảng 10-11% trẻ gặp tình trạng này. Giống với người lớn, tác dụng phụ ở trẻ kéo dài một hoặc hai ngày, sau đó các em trở lại bình thường".

Nhiều phụ huynh lo lắng về chứng viêm cơ tim, từng được báo cáo ở người tiêm vaccine Moderna và Pfizer. Tiến sĩ Frenck cho biết đây là tác dụng phụ hiếm gặp, tỷ lệ là một vài trường hợp trên 100.000 người tiêm. "Tức là 99,999% sẽ không gặp triệu chứng này. Hầu hết chúng được phát hiện ở nam thanh thiếu niên, biểu hiện nhẹ, có thể điều trị bằng motrin (ibuprofen) và tất cả đều hồi phục", ông giải thích thêm.

Tiến sĩ Frenck lưu ý trẻ em tiêm vaccine Pfizer không gặp tác dụng phụ đông máu, giảm tiểu cầu từng thấy ở vaccine Johnson & Johnson hoặc AstraZeneca.

"Ngoài các thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi đã tiêm hàng trăm triệu liều vaccine cho người lớn và thanh thiếu niên. Nếu không có vấn đề gì xảy ra sau hàng trăm triệu liều đó, sẽ không có vấn đề với trẻ em. Các bậc phụ huynh không cần lo lắng bởi vaccine đã được tiêm rất rộng, và hàng trăm triệu người vẫn an toàn", ông nói.

Các chuyên gia nhận định tiêm phòng cho trẻ em là mục tiêu giúp kiểm soát đại dịch trong giai đoạn mới. Dù trẻ em và thanh thiếu niên chỉ có triệu chứng nhẹ, ít phải nhập viện hơn người lớn, chúng vẫn có thể chuyển nặng nhanh chóng.     

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.