Vẫn chưa xử lý xong vụ cán bộ xã trúng đấu giá 23 lô đất tại huyện Quỳnh Lưu
(Baonghean.vn) -Sự việc cán bộ xã ở huyện Quỳnh Lưu trúng đấu giá 23 lô đất xảy ra đã gần 4 tháng, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đã quyết định không công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 23 lô đất này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những vấn đề liên quan đến vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Chưa trả lại tiền đặt cọc
Báo Nghệ An số ra ngày 11/7/2023 đăng bài “Làm rõ thông tin một kế toán xã trúng đấu giá 23 lô đất tại huyện Quỳnh Lưu”, phản ánh vụ việc sau phiên đấu giá đất ngày 20/6/2023 tại UBND xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu), ông Nguyễn Văn Trọng - công tác tại UBND xã Quỳnh Bá, là người đã trúng đấu giá 23 lô đất tại vùng quy hoạch đấu giá Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu). Tuy nhiên, sau đó dư luận phản ứng rằng, theo Luật Đấu giá, ông Trọng là em trai của ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (ông Quý là người ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm các lô đất được đưa ra đấu giá), nên không thuộc đối tượng được tham gia đấu giá nhưng vẫn bỏ phiếu trả giá và được đấu giá viên công nhận là người trúng đấu giá. Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Quỳnh Lưu đã vào cuộc xác minh và không công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 23 lô đất mà ông Nguyễn Văn Trọng đã tham gia.
Điều khiến UBND huyện Quỳnh Lưu băn khoăn là do Điều 73, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 không quy định việc xử lý tiền đặt trước cho khách hàng trong trường hợp hủy kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Khoản 1, Điều 72 của luật. Vì vậy, UBND huyện Quỳnh Lưu đã đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tư pháp hướng dẫn UBND huyện xử lý số tiền đặt trước của ông Nguyễn Văn Trọng.
Theo thông tin từ Công ty Đấu giá hợp danh Quang Công Minh - đơn vị được giao đấu giá 56 lô đất ở tại vùng Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng, số tiền mà gia đình ông Trọng phải đặt cọc trước khi tham gia đấu giá 23 lô đất là 4 tỷ 620 triệu đồng. Theo quy định, gia đình ông Trọng đã hoàn tất việc nộp tiền cọc trước khi phiên đấu giá diễn ra. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, đã gần 4 tháng trôi qua kể từ ngày diễn ra đấu giá và hơn 3 tháng 10 ngày kể từ khi đơn vị đấu giá trả lại tiền đặt cọc đồng bộ cho tất cả những cá nhân không được công nhận trúng đấu giá thì gia đình ông Trọng vẫn chưa nhận lại được tiền đặt cọc của mình.
Qua tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, vào ngày 21/7/2023, Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 127/QĐ- UBND thành lập Tổ xác minh tiến hành xác minh nội dung phản ánh, tổ chức làm việc với Công ty Đấu giá hợp danh Quang Công Minh và các bên liên quan để làm rõ vụ việc. Kết quả xác minh cho thấy, đối với vụ việc đấu giá quyền sử dụng 56 lô đất ở tại vùng Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng, vào ngày 20/6/2023 có tổng giá khởi điểm 59.798.749.500 đồng. Trong đó, có 33 lô đất đã được công nhận trúng đấu giá, tổng giá khởi điểm 36.645.096.500 đồng, tổng giá trúng đấu giá 51.093.000.000 đồng, vượt so với giá khởi điểm 14.447.903.500 đồng (vượt 39,4%); lô đất đấu vượt cao nhất so với giá khởi điểm là 817.000.000 đồng (62,8%); lô đất đấu vượt thấp nhất so với giá khởi điểm là 244.506.000 đồng (24%).
23 lô đất ông Trọng trúng đấu giá (đã hủy kết quả đấu giá), giá khởi điểm 23.153.653.000 đồng, tổng giá trúng đấu giá là 33.382.000.000 đồng, vượt so với giá khởi điểm 10.228.347.000 đồng (vượt 44,1%).
Theo kết quả xác minh, ông Nguyễn Văn Trọng là người không đủ điều kiện đăng ký tham gia đấu giá mà tham gia đấu giá là vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 38, Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Vì thế, ngày 11/7/2023, UBND huyện Quỳnh Lưu ban hành Quyết định số 1722/QĐ-UBND về việc không công nhận kết quả trúng đấu giá 23 lô đất ở tại vùng quy hoạch Đồng Quan, xóm 5, xã Quỳnh Hưng.
Liên quan đến việc số tiền đặt cọc của gia đình ông Trọng, theo ông Bùi Thái Thọ - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Nghệ An thì theo quy định, số tiền mà gia đình ông Trọng đã đặt cọc sẽ được trả lại. Hiện tại, Sở Tư pháp cũng đã có kết quả xác minh và báo cáo trực tiếp với UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý tiếp theo.
Cần cân nhắc giải quyết hợp lý
Ngoài việc xác minh các nội dung liên quan đến buổi đấu giá, chúng tôi được biết, Tổ xác minh của Sở Tư pháp cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Đấu giá hợp danh Quang Công Minh về hành vi: Cho người không được đăng ký tham gia đấu giá tài sản tham gia đấu giá tài sản; thông báo công khai đấu giá không đúng quy định (thông báo công khai lần 2, ngày 6/6/2023, trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản không đảm bảo 15 ngày đối với tài sản là bất động sản).
Ngoài ra, đơn vị tổ chức đấu giá còn có hành vi, lập biên bản nhưng không chi tiết diễn biến của cuộc đấu giá; để người không tham dự đấu giá từng lô đất ký biên bản đấu giá. Trong khi đó, theo quy định, diễn biến của cuộc đấu giá phải được ghi vào biên bản đấu giá. Biên bản đấu giá phải được lập tại cuộc đấu giá và có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá, người ghi biên bản, người trúng đấu giá, người có tài sản đấu giá, đại diện của những người tham gia đấu giá. Trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng Đấu giá tài sản thực hiện thì biên bản đấu giá còn phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng.
Việc ông Trọng tham gia đấu giá trong trường hợp này là sai quy định và không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng vấn đề ở đây rằng, việc ông Trọng tham gia có phải là để trục lợi hay đơn thuần chỉ là vì có nhu cầu mua đất thực sự. Thực tế, mức giá mà ông Trọng đưa ra vượt so với giá khởi điểm 10.228.347.000 đồng (vượt 44,1%).
Mặc dù vậy, theo ông Thọ những hành vi vi phạm của đơn vị đấu giá cũng chỉ mới được lập biên bản, còn thực tế hiện nay vẫn chưa có quyết định xử phạt cụ thể. Thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là do UBND tỉnh ban hành.
Trở lại câu chuyện ông Nguyễn Văn Trọng tham gia đấu giá 23 lô đất nói trên, nhiều người cho rằng, cần phải làm rõ việc có hành vi cố tình vi phạm hay không, hay chỉ là do thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm? Bởi trên thực tế, ngoài ông Trọng tham gia đấu giá thì con trai của ông cũng đấu giá trúng 20 lô đất tại vùng Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng, và những lô đất này cũng đã được công nhận trúng đấu giá.
Chưa kể, việc hủy kết quả đấu giá 23 lô đất nói trên chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất là bắt buộc sẽ phải làm lại quy trình đấu giá nếu như muốn tiếp tục bán đấu giá 23 lô đất này. Khi đó, UBND huyện Quỳnh Lưu sẽ phải lựa chọn một đơn vị đấu giá khác để thực hiện và vô hình trung sẽ gây tốn kém về mọi mặt, từ thời gian, công sức, tiền của để tổ chức đấu giá. Điều quan trọng nữa là sẽ đứng trước nguy cơ bán đấu giá không được số tiền như lần đấu giá trước, thậm chí có thể không có người mua.
Rõ ràng, đấu giá quyền sử dụng đất là phương thức giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh giữa những người tham gia đấu giá, người trả giá cao nhất sẽ là người nhận được quyền sử dụng đất. Điều này đã góp phần đem lại lợi ích hài hòa cho cá nhân, tổ chức và Nhà nước.
Thiết nghĩ, trong trường hợp này, UBND tỉnh cần phải đưa ra kết luận xử lý dứt điểm, nhất là liên quan đến số tiền đã đặt cọc trước. Vì đây là tài sản cá nhân được nộp vào tham gia đấu giá đất để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng thành công. Thậm chí nhiều người cho rằng, UBND tỉnh nên thuê một đơn vị thẩm định giá để xem xét một cách khách quan về giá đất thời điểm hiện tại và những được - mất khi phải tiến hành đấu giá lại. Nếu cần có thể có văn bản gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thống nhất.
Bởi vì theo như chúng tôi được biết, do những bất cập của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 mà hiện nay, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được Chính phủ thực hiện và chờ Quốc hội thông qua. Và theo ông Bùi Thái Thọ, vấn đề về đối tượng tham gia đấu giá quy định tại Điều 38, Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng đã được góp ý sửa đổi để phù hợp với điều kiện tình hình thực tế hiện nay.