Vấn đề nắng nóng, hạn hán và cháy rừng làm 'nóng' nghị trường kỳ họp HĐND tỉnh
(Baonghean.vn) - Trong phiên thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu nêu lên những khó khăn do thời tiết nắng nóng, hạn hán khốc liệt, tình trạng trạm bơm nước hoàn thành 5 năm nhưng không thể sử dụng...
Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận sôi nổi tại hội trường
(Baonghean.vn) - Trên tinh thần tập trung, dân chủ, thẳng thắn, nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu được nêu ra tại kỳ họp HĐND tỉnh. Một số ý kiến của các đại biểu đã được UBND tỉnh và các ngành giải trình, làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Trạm bơm 5 năm chưa hoạt động
Sáng 21/7, kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tại hội trường. Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (TX. Thái Hòa) cho rằng, Trạm bơm Vực Giồng trên địa bàn TX. Thái Hòa, thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư, được thi công năm 2012 và đến năm 2015 hoàn thành, với mục tiêu phục vụ công tác tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.
Nhưng đến nay, trạm bơm vẫn chưa đi vào hoạt động, các hạng mục bị bồi lấp, hư hỏng, cây cối mọc 2 bên, một số thiết bị cơ khí hư hỏng và bị mất.
Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (TX. Thái Hòa) đề nghị Sở NN&PTNT có giải pháp sớm đưa Trạm bơm Vực Giồng vào hoạt động. Ảnh: Thành Cường |
Đại biểu Thủy cho biết, UBND tỉnh có văn bản giao công ty thủy lợi phụ trách quản lý nhưng họ chưa nhận bàn giao vì những lý do trên. Sở NN&PTNT cũng đã có báo cáo trả lời nhưng cử tri chưa đồng tình. Đại biểu đề nghị Sở NN&PTNT có giải pháp cụ thể để dự án đi vào hoạt động có hiệu quả.
Còn đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) cho rằng, tình trạng hạn hán đang xảy ra lớn, ở Nghi Lộc có hơn 3.000 ha lúa bị hạn, 900 ha bị hạn nặng, một số xã thiếu nước sinh hoạt. Cử tri đề nghị tỉnh có giải pháp đồng bộ đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt cho người dân.
Một đoạn kênh thuộc công trình Trạm bơm Vực Giồng (TX .Thái Hòa) bị hư hỏng khi công trình chưa đưa vào sử dụng. Ảnh tư liệu IT |
Đại biểu Đinh Thi Hòa (Thanh Chương) đề nghị tỉnh nghiên cứu cải tạo nước biển trở thành nước ngọt, hoặc khoan giếng để lấy thêm nước trong lòng đất để phuc vụ sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống cho người dân.
Có tình trạng cháy rừng do người dân cố ý đốt
Trả lời ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, do thời tiết nắng nóng nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có 16 vụ cháy gây thiệt hại về rừng, tổng diện tích bị cháy là 116,18 ha, diện tích rừng bị thiệt hại, không có khả năng phục hồi là 39,48 ha, trong đó, rừng tự nhiên 1,59 ha, rừng trồng 35,99 ha.
Đến nay, đã có 4 vụ xác định được đối tượng gây cháy, cơ quan công an đã điều tra và khởi tố 4 vụ về hành vi phá rừng. Có 3 nguyên nhân cháy rừng: Do người dân chủ quan trong thời tiết nắng nóng; do mâu thuẫn cá nhân hoặc tranh chấp đất đai nên cố ý đốt rừng và một nguyên nhân nữa là do đường băng cản lửa nhỏ nên không cản nổi lửa cháy lan từ khu vực này sang khu vực khác.
Ông Nguyễn Văn Đệ đề nghị đầu tư kinh phí để mở rộng đường băng cản lửa để hạn chế cháy rừng; làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, tăng thêm quyền lợi cho các chủ rừng và bảo vệ rừng. Đồng thời, lực lượng công an cần điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gây ra cháy rừng để làm gương.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời ý kiến đại biểu. Ảnh: Thành Cường |
Liên quan đến Trạm bơm Vực Giồng, thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trạm bơm đã xây dựng xong năm 2015. Trong đề án đưa vào vận hành sẽ bàn giao cho xã quản lý, nhưng do trạm bơm có thiết bị hiện đại nên xã không quản lý vận hành được. Sau đó, UBND tỉnh chuyển giao sang Công ty TNHH MTV Phủ Quỳ quản lý.
"Trong quá trình chuyển giao, do nguồn vốn thiếu, dự án giãn tiến độ, vướng mắc mặt bằng nên một số thiết bị đã hư hỏng. Sở đã có văn bản giao cho Ban Quản lý dự án cũng như công ty nghiên cứu và hoàn thiện nhằm khắc phục để trạm bơm hoạt động trong năm 2020", ông Đệ khẳng định.
Nhiều khu vực của tỉnh Nghệ An đang phải đối mặt với hạn hán khốc liệt. Ảnh: Quang An |
Về ý kiến của đại biểu Đinh Thị An Phong, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, ở Nghi Lộc có 900 bị hạn trong đó 250 ha có nguy cơ hạn nặng. Diện tích này lấy nước từ hệ thống Thủy lợi Nam quản lý, qua cống Nam Đàn. Tuy nhiên, hiện nay, nước sông Lam xuống thấp nên khó lấy nước.
Về giải pháp trước mắt, giao cho Công ty TNHH Thủy lợi Nam sử dụng nguồn nước còn lại bơm cứu lúa. Về giải pháp tổng thể thì sở sẽ tham mưu UBND tỉnh, trình Trung ương xin dự án chống hạn.
Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, nếu có mưa sớm thì chuẩn bị một số giống lúa ngắn ngày. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài thì sẽ chuyển đổi một số diện tích sang trồng các loại cây màu. Tuy nhiên, có một số diện tích không chuyển đổi được, vẫn phải chấp nhận trồng lúa.
Sắp tới, Sở NN&PTNT sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân trong việc khoan giếng nước ngầm tưới cây và phục vụ sinh hoạt.