Vận dụng thông tin trong kinh tế thị trường
Còn nhớ câu chuyện cách đây chưa lâu, đó là có thông tin trong áo ngực Trung Quốc có độn chất lỏng và hạt nhựa không rõ chất gì, có khả năng gây ung thư. Trong dép Trung Quốc cũng vậy, có hạt nhựa dưới đế màu trắng. Người tiêu dùng thì hoang mang, các cơ quan quản lý thị trường vào cuộc. Thế rồi hàng ngàn tiểu thương ở các chợ đã mất vốn bởi áo ngực, dép bị rạch ra hết. Đã rạch ra thì phải vứt đi
(Baonghean)- 1. Còn nhớ câu chuyện cách đây chưa lâu, đó là có thông tin trong áo ngực Trung Quốc có độn chất lỏng và hạt nhựa không rõ chất gì, có khả năng gây ung thư. Trong dép Trung Quốc cũng vậy, có hạt nhựa dưới đế màu trắng. Người tiêu dùng thì hoang mang, các cơ quan quản lý thị trường vào cuộc. Thế rồi hàng ngàn tiểu thương ở các chợ đã mất vốn bởi áo ngực, dép bị rạch ra hết. Đã rạch ra thì phải vứt đi.
Ông Tô Thanh Nhân - Trưởng ban Quản lý Chợ Vinh cho biết: Từ thông tin đó mà hàng trăm tiểu thương Chợ Vinh kinh doanh áo ngực, dép Trung Quốc mất hết vốn. Có chất độc hay không có chất độc, vì sao doanh nghiệp Trung Quốc lại làm thế.. vẫn là những dấu hỏi, nhưng trước hết đó là một cách để làm mất… vốn tiểu thương Việt Nam. Người ta còn nói thông tin cũng do họ đưa ra, cách làm cũng chỉ họ mới làm như vậy. Điều này cũng không có gì là lạ đối với nhiều mặt hàng khác như: khoai lang, lạc, chè, đường, tôm, cá... cả với đỉa… Có khi phía bên ấy mua rất nhiều khoai, chè, lạc… khiến dân ta hám lợi dồn vốn đầu tư trồng, thu gom, nhưng đột ngột lại dừng mua khiến cho tiểu thương và người sản xuất Việt Nam phải điêu đứng vì dồn hàng, đọng vốn. Thiếu thông tin và cảnh giác với thông tin là bài học đắt giá đối với không chỉ nhà nông mà đối với các tiểu thương ở các chợ ở Việt Nam.
2. Mới đây, Mỹ kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá tôm khi nhập khẩu vào nước này. Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ, cho vay ưu đãi trong nhiều khâu để sản xuất, tiêu thụ tôm nên đã điều tra để kiện. Một trong những lý do khiến cho Mỹ kiện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam chính là từ “hỗ trợ” xuất hiện trên báo chí, trong các văn bản nhà nước . Đã không ít nhà báo, bài báo viết một cách vô tư về từ “hỗ trợ” khi đề cập đến các khó khăn của doanh nghiệp, chính sách của Nhà nước mà không biết đã tạo ra cái “cớ” cho nước nhập khẩu cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ nhiều từ Nhà nước.
Ông Vũ Đình Đức - Giám đốc Công ty CP xuất khẩu thủy sản Nghệ An 2 cho rằng: Ngay cả vốn để mua tôm cũng rất khó khăn, doanh nghiệp có thời điểm muốn vay lãi suất cao mà cũng không được. Còn đất đai, thuế, lao động… đều bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác và chẳng được ưu đãi gì. Nhưng chính sự vô tình của người viết, soạn văn bản đã làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam phải gánh chịu mức thuế chống trợ cấp từ 5,08% (đối với Tập đoàn Minh Phú) và 7,05% (đối với Công ty Nha Trang Seafoods), trong khi đó Thái Lan chỉ phải chịu mức thuế 2,5%; Ecuaador và Indonexia được hưởng thuế suất 0%.
Mức thuế đối với doanh nghiệp Việt Nam như trên khá nặng ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn nông dân và hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trên thực tế để bảo hộ sản xuất trong nước, hầu hết các quốc gia đều có chính sách cho các lĩnh vực, các ngành sản xuất của nước mình. Nhưng tại sao họ không bị kiện mà Việt Nam lại bị kiện, là điều cần phải nghiên cứu và suy nghĩ.
3. Vụ Mỹ kiện bán phá giá cá basa của Việt Nam vào năm 2003 mặc dù trở thành một bài học đắt giá đối với người sản xuất, người xuất khẩu cũng như nhà quản lý nhưng cũng từ những thông tin rùm beng về vụ kiện này trên thế giới mà con cá basa của Việt Nam như “cô bé lọ lem” bỗng nhiên nổi tiếng.
Bên cạnh việc theo đuổi vụ kiện, người nuôi cá vẫn đẩy mạnh nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thêm được nhiều thị trường từ Châu Âu thay thế cho thị trường Mỹ, đồng thời con cá basa đã tìm đến được với người tiêu dùng nội địa thông qua hàng loạt các sản phẩm chế biến trong các siêu thị, nhà hàng như cá phi lê, dạ dày cá basa, đầu cá basa, cá basa kho tộ hay cả cá basa tươi sống … Nhiều người cho rằng: Nhờ vụ kiện của Mỹ đối với con cá basa mà cá basa của Việt Nam càng có cơ hội xuất khẩu; bởi vào được thị trường Mỹ không đơn giản mà phải là các sản phẩm có chất lượng cao. Trước đây cá basa không vào được thị trường Châu Âu, nhưng sau vụ kiện từ Mỹ, cá basa đã vào được thị trường này. Không ít các doanh nghiệp Việt Nam đã “ vượt khó” từ vụ kiện này và đã thành công. Điều đó cho thấy: vận dụng thông tin là việc rất quan trọng trong cơ chế thị trường và trong khó khăn luôn có cơ hội.
Trân Châu