Văn Hậu và chuyện ‘làm lại’ của tuyển Việt Nam
(Baonghean.vn) -Sau trận đấu đáng quên của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Indonesia (0-1) ở lượt trận thứ 2 bảng D, Asian Cup 2023, có người hâm mộ hỏi Văn Hậu trên trang cá nhân “Nếu có anh thì không có penalty nhỉ?”, liền được Văn Hậu trả lời rằng “Làm lại, Anh ạ!”.
Đối thoại ngắn này hóa ra lại ẩn chứa nhiều điều đáng nói về hai “kỳ phùng địch thủ” ở khu vực mà cuộc đua giữa họ chắc chắn còn kéo dài, còn tốn nhiều giấy mực và trí lực nhiều người trong thời gian tới.
Không riêng giới chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam mà cả ở Indonesia lâu nay đều rất nhớ đến, thậm chí “cay cú” với Văn Hậu. Đó là màn trình diễn tại SEA Games 31 với sự chói sáng của Văn Hậu và những hiềm khích sau đó khi một trụ cột của U23 Indonesia bị chấn thương, về những va chạm nảy lửa ở đường biên khi vũ khí tối thượng của Indonesia là tấn công biên gặp phải bức màn sắt do Văn Hậu chiếm giữ bên cánh phải của U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam. Để rồi suốt 5 năm qua, Indonesia chỉ có nổi một trận hòa trước Việt Nam. Để rồi khi Văn Hậu bị chấn thương không thể tham dự Asian Cup 2023, khi gặp lại đội tuyển Indonesia, đội hình không có Văn Hậu bị phạt một quả penalty và thất bại chung cuộc vô cùng bất ngờ.
Thực ra, trong lần gặp lại này tại Asian Cup 2023, đội tuyển Việt Nam không chỉ vắng Văn Hậu mà cả Ngọc Hải, Duy Mạnh, Hoàng Đức, Văn Lâm, Văn Đức… vì cả chấn thương lẫn phong độ. Đó là chưa kể ông thầy mới Troussier với lối chơi mới, nhân sự mới và toan tính mới khi kiên quyết không đưa các cầu thủ chưa lành chấn thương vào sân mà dành chỗ rèn dũa cho hàng loạt nhân tố trẻ. Thua 1 trận đấu trước Indonesia, thầy trò ông Troussier thất bại ngay lập tức ở một giải đấu là Asian Cup. Nhưng vẫn còn 2 giải đấu phía trước là Vòng chung kết U23 châu Á 2024 và Vòng loại thứ 2 World cup 2026, nên mọi việc vẫn chưa khép lại, vẫn có thể “làm lại” như cách Văn Hậu truyền đi một thông điệp đầy ý nghĩa nói trên.
Sau thất bại trước Indonesia, dù muốn dù không, ông Troussier cũng phải nhận rõ việc không thể chiến đấu và chiến thắng đối thủ nếu quá tin vào dàn cầu thủ trẻ như vừa qua. Tất yếu ông thầy người Pháp cần sử dụng hợp lý các cầu thủ kinh nghiệm như Ngọc Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh hay Hoàng Đức bên cạnh các đàn em ngày càng tiến bộ như Minh Trọng, Tuấn Tài, Thái Sơn hay Đình Bắc.
Chẳng hạn, nếu Văn Hậu thực sự trở lại, sự yên tâm ở mặt trận phòng ngự và tấn công bên cánh trái sẽ được thiết lập và chính đối thủ sẽ mất nhiều công sức, trí lực để hóa giải mối đe dọa này? Nếu Ngọc Hải lành lặn sẽ giúp ổn định hàng thủ, sẽ không để xảy ra kiểu lỗi như của Thanh Bình vừa qua. Quan trọng nhất, đội tuyển Việt Nam sẽ không để bị “ngợp”, đánh mất mình trước đối thủ chơi quyết liệt, thể lực, đa dạng, trái lại chúng ta sẽ buộc đối thủ phải co cụm và mắc sai lầm…
Câu chuyện “làm lại” rõ ràng không của riêng Văn Hậu mà của cả đội tuyển Việt Nam để lấy lại những gì đã mất, để tránh một cuộc tuột dốc không đáng có so với Indonesia hay Thái Lan sau một kỳ Asian Cup và quan trọng nhất là lấy lại niềm tin về một chiến lược dài hơi, đi xa dưới triều đại Philippe Troussier.
Bởi vậy, ngay lúc này, khẩu hiệu hành động chung ngắn gọn là “làm lại” với 2 nhiệm vụ trước mắt bởi tháng 3 tới đội tuyển Việt Nam có 2 lần đối đầu Indonesia ở Vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Một là, kiên trì định hướng chung đã vạch ra về các giải pháp nâng tầm bóng đá Việt Nam, không dao động, nao núng sau một trận thua vừa qua để tiếp tục tìm kiếm, tuyển chọn các nhân tố mới, nhân tố trẻ cho cuộc đua đường dài. Hai là, khai thác và tận dụng trụ cột cũ để dẫn dắt thế hệ mới, không để đứt đoạn thế hệ, tạo được sự kết nối, kế tiếp vững vàng cho chặng đường mới. Ông Troussier có thể đầy cá tính, kiên trì cách làm riêng không giống ai, nhưng ông không thể bỏ qua một bộ phận quan trọng là khán giả Việt Nam, nguồn lực vô tận từ trên khán đài và trong cuộc sống thường ngày, lắng nghe phản biện chính đáng của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như truyền thông để từ đó điều chỉnh có căn cứ mọi việc cần thiết, giúp cho đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đi đúng hướng.
Tất nhiên, trong quá trình này, cả nền bóng đá Việt phải tiến hành 3 việc lớn là nâng chất lượng mặt bằng V-League như một điều kiện lâu dài và bền vững, cho các cầu thủ giỏi ra nước ngoài thi đấu và tăng cường nhập tịch cầu thủ Việt kiều. “Kiềng 3 chân” này sẽ thực sự giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm, sẽ khiến đối thủ bất ngờ, bị động, thua cuộc dù điều này vốn không xa lạ với bất kỳ ai. Không nói đâu xa, tình huống phạm lỗi của Thanh Bình khi kéo áo đối phương, vốn là sản phẩm xấu xí của V-League, cần phải được coi là bài học đắt giá, phải bị lên án và phế bỏ.
Nếu V-League cứ còn nương tay với những tiểu xảo kiểu đó, thì khi ra thi đấu quốc tế, thất bại là điều luôn được báo trước. Công việc nâng tầm bóng đá, nếu cứ chờ ở ông Troussier rồi đổ lỗi cho ông này, xem ra là không công bằng, là theo nghĩa đó. Cũng để thấy, khi Nguyễn Filip vào sân, anh đã thi đấu tốt với đẳng cấp vốn có, đã tạo được sự yên tâm về “một nửa đội bóng” như nhiều người đã thấy. Rõ ràng, nếu đội tuyển Việt Nam có thêm được một vài vị trí (trong khi Indonesia có 7 vị trí nhập tịch) thì câu chuyện sẽ đáng nói hơn rất nhiều?
Mong rằng, từ Văn Hậu và không chỉ Văn Hậu, các trụ cột của bóng đá Việt Nam đều sẵn sàng vào cuộc để “làm lại” một cách thiết thực, hiệu quả. Càng mong rằng, ông Troussier nắm bắt tinh nhạy được không chỉ “phòng thay đồ” của đội tuyển Việt Nam, mà cả niềm tin, ý chí, sự góp ý chân tình, cần thiết của giới chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam để tạo ra một đội tuyển Việt Nam thi đấu ổn định, sắc bén như cách họ đã làm được phần nào trong trận gặp đối thủ lớn Nhật Bản vừa qua và nhiều hơn, hay hơn trong nhiều trận đấu cam go sắp tới./.