Văn hóa đi lễ

07/02/2014 20:38

(Baonghean) - Đi lễ đền, chùa đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp, một sinh hoạt tâm linh hướng con người đến những giá trị thiêng liêng của cuộc sống. Du xuân, thắp một nén hương tỏ lòng thành kính, cùng tâm niệm những ước vọng tốt đẹp trước chốn thanh tịnh âu cũng là phải phép. Tuy nhiên, cùng với những đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội, việc đi lễ đền, chùa đầu năm bởi thế cũng không còn nguyên vẹn cái ý nghĩa chân, thiện, mỹ vốn có của nó.

Sự khác biệt dễ nhận thấy này có lẽ bắt đầu từ động cơ cũng như mục đích của người đi lễ. Bây giờ người ta đi lễ là để xin, để vay, thậm chí để mua cái “lộc” với một sự cuồng tín ngày càng mãnh liệt. Đối tượng đi lễ bây giờ cũng khác, không chỉ là những cụ già “tay lần tràng hạt miệng nam mô” nữa mà sự xuất hiện nườm nượp của nam thanh, nữ tú đã làm thay đổi căn bản sắc màu của chốn không gian “hương khói” này. Thành phần chắp tay quỳ gối trước cửa đền, cửa chùa cũng đã và đang được “đa dạng hóa” một cách trông thấy. Già, trẻ, gái, trai đủ cả! Từ chủ doanh nghiệp đến chị buôn rau, từ bác xe ôm đến anh cán bộ, từ cậu học sinh đến chú công nhân, từ người ăn nên làm ra đến kẻ nghèo khó... Họ cũng “xin” đủ thứ trên đời, kẻ cầu tự, người cầu danh. Học sinh thì xin đề thi trúng “tủ”, người đi buôn thì cầu cho mua may bán đắt, thậm chí cầu cho trốn được thuế, đúng là muôn hình vạn trạng…

Sự lộn xộn ở chốn linh thiêng chắc chả còn xa lạ gì. Kẻ sau chen chúc chấp tay vái... lưng kẻ trước, cứ thế hết người này đến người khác, hết ngày này đến ngày khác, hết đền này đến chùa khác. Các dịch vụ “theo đóm ăn tàn” rầm rộ xuất hiện, tạo nên một thị trường mà đã có lần ai đó bạo miệng gọi là tạp nham. Nào là bán hương lễ, tiền vàng, nào là giữ xe kiêm nhà trọ, nào là viết sớ chữ nho, nào là gọi hồn, lên đồng, áp vong giải hạn, rồi thì là dịch xăm, khấn thuê, xem vận hạn… Một ngôi đền nổi tiếng ở huyện nọ nghe nói phía bên ngoài còn có cả dịch vụ bán cá khô và nước mắm!

Dán tiền lên tượng Phật - một hình ảnh phản cảm khi đi lễ.Ảnh: vnn
Dán tiền lên tượng Phật - một hình ảnh phản cảm khi đi lễ. Ảnh: vnn

Người ta đi đền, đi chùa nhiều là vậy nhưng rất tiếc không phải ai cũng biết được chùa và đền khác nhau chỗ nào. Cứ thấy hương khói là khấn, là vái là xin và cúng lễ cho dù mù tịt về chuyện nơi ấy thờ ai. Tình trạng vào đền Bà Chúa Kho (người có công giúp triều đình nhà Lý trông coi kho lương thực) để cầu sinh được con trai, rồi cả chuyện người hành nghề bán nước mía cũng chen chúc xin ấn đền Trần không phải là chuyện hiếm. Hội chứng đám đông, khấn vái xin xỏ kiểu phong trào, thậm chí nài nỉ thánh thần càng ngày càng khá phổ biến. Cái kiến thức tối thiểu về văn hóa tâm linh cũng dường như vắng mặt trong các dịp này.

Thật buồn khi có người đến chùa nhưng lại đốt vàng mã, lại mang theo cả xôi gà, lợn quay… Thảm họa hơn họ còn nhét tiền vào tay tượng Phật. Câu chuyện “hối lộ Phật”, làm ô uế cửa chùa được nhắc đến như là điều tối kỵ và sai giáo lý nhà Phật không chỉ một lần, nhưng hình như đâu vẫn hoàn đấy. Vung vãi tiền lẻ ở khắp nơi trong đền, chùa không chỉ xúc phạm đồng tiền quốc gia mà còn tạo ra một hình ảnh phản tín ngưỡng và tất nhiên là không có văn hóa. Chính sự ấu trĩ, coi tiền có thể “chứng” được tất cả đã biến người ta thành kẻ xúc phạm Phật, xúc phạm Thánh, xúc phạm thần linh. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo Hội phật giáo Việt Nam đã có lần khuyến cáo: khi đi chùa người dân chỉ nên mua hương hoa, cái quan trọng nhất là sự thành tâm của người đi lễ.

Tín ngưỡng là quyền của mỗi con người được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Nhưng ranh giới giữa nó với mê tín dị đoan cộng với sự thiếu hiểu biết đang làm lệch lạc không ít những giá trị tâm linh truyền thống. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có hành động cụ thể, góp phần làm cho mọi thứ khác đi và tốt lên, để người đi lễ cũng như nơi hành lễ sẽ gặp nhau trong một không gian đẹp hơn, văn hóa hơn chăng?

Nguyễn Khắc An

Mới nhất
x
Văn hóa đi lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO