Văn hoá làng trong Lễ hội Làng Sen
Năm 1957, lần đầu về thăm lại Làng Sen, Bác đã bước đi trên con đường làng thuở trước. Đến một vùng đất rộng, nơi đó cây cối đã mọc cao nhưng còn sót lại những tảng đá và vài cồn gạch vụn, Bác đưa tay chỉ và nói: "Xưa, vùng này có miếu Không Tử, có đền Nhà Bà và điếm canh, nay không còn nữa!". Năm 1958, ông Bí thưĐảng uỷ xã Nam Liên được cử ra Hà Nội gặp Bác. Công việc xong, Bác hỏi: "Đền làng Sài nay còn không?".
Ngẫm lại, ta bắt gặp tâm hồn Bác trong những vần thơ của các bậc tiền nhân. Nguyễn Du mãi bồi hồi về một chiếc cổng làng: "Giấc hương quan luống ngẩn ngơ canh dài" (Kiều). Đặng Trần Côn và Đoàn ThịĐiểm cùng chia sẻ: "Làng thôn mấy xóm chông chênh/ Một đàn cò đậu cuối ghềnh chiều hôm" (Chinh phụ ngâm).Và Hàn Mặc Tử: "Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng": Cứ như thếđể rồi hun đúc nên một tâm hồn lớn qua câu thơ của Chế Lan Viên: "Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương".
Làng Sen quê hương của Bác Hồ, cũng như bao làng quê đất Việt khác, đã trải một thời gian người dân phải quanh năm "xoay vần: sớm khoai, chiều cháo" và phần nhiều "đàn ông đóng khố thay quần". Nhưng, từ Làng Sen, Làng Chùa, đôi bên phụ mẫu đã sinh ra Bác. Và có Bác, sen của làng càng thắm, càng ngát hương hơn.
Tìm hiểu về quê hương Bác để có những cảm nhận về Làng Sen, Làng Chùa, điều đó giới nghiên cứu và giới văn học nghệ thuật đã có ý thức từ rất sớm, ngay khi Người vừa nổi tiếng với tên gọi Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Dần dần, Kim Liên đã trở thành "Làng quen như thể quê chung vậy". Người dân khắp cả nước và bạn bè quốc tế, ai cũng ao ước một lần trong đời mình được đến với Làng Sen. Gần đây, chúng ta có những hoạt động liên hoan văn nghệ về chủđề Làng Sen ngay trên quê hương Bác.
Phong trào bắt đầu từ lễ kỷ niệm lần thứ 91 sinh nhật của Người 19/5/1981 với tiêu đề "Tiếng hát từ Làng Sen". Hàng năm, đến dịp ấy, ngày hội Hát từ Làng Sen lại được diễn ra hoành tráng và âm vang, thu hút đông đảo các đoàn nghệ thuật từ nhiều tỉnh về tụ hội trên quê Bác, cùng dự liên hoan. Một thời gian sau, Hát từ Làng Sen được đổi thành Tiếng hát Làng Sen.
Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên (Thành viên Ban giám khảo cuộc thi Tiếng hát Làng Sen lúc đó) đã nhận xét: "Chủđề về Bác Hồ xét cho cùng là một chủđề rất rộng. Ởđó có thể có biết bao cách thể hiện về nội dung và hình thức khi ta đặt nó trong tình cảm quê hương, đất nước của mọi miền quê. Thật hạnh phúc cho Nghệ An đã có một chủđề liên hoan hấp dẫn mà không phải miền quê nào cũng có được".
Cũng năm đó, Bộ Văn hoá -Thông tin cho chủ trương chuyển từ Tiếng hát Làng Sen thành Lễ hội Làng Sen và đến năm 2005, dịp kỷ niệm 115 năm sinh nhật Bác, Lễ hội Làng Sen được tổ chức ở quy mô quốc gia, như Lễ hội Làng Gióng, Lễ hội Mê Linh.
Đến dịp này, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911-2011), UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức kỷ niệm 30 năm Lễ hội Làng Sen.
Khi nâng lên tầm lễ hội thì lấy tên "Lễ hội Làng Sen" là rất ý nghĩa. Bác ra đi từ làng, lễ hội được tổ chức ở làng (theo nghĩa rộng). Làng của Việt Nam là một đơn vị văn hóa cơ sở, tồn tại từ xưa đến nay, cuộc sống của làng là một phạm trù lịch sử, trải nhiều thời đại, từ cổ sơ, đến hôm nay.
Trong truyền thống và thói quen của mỗi làng, chúng ta phải biết kế thừa và tiếp thu một cách có chọn lọc, phải tổ chức lễ hội sao cho vui tươi, bổ ích mà không tốn kém tiền bạc và thời gian, giữ sạch môi trường, tránh những gì phù phiếm, duy tâm. Tóm lại, chúng ta phải đem đến Lễ hội Làng Sen những sản phẩm tinh thần đẹp và tinh. Như thế, qua lễ hội cũng nhưđến với Bác, chúng ta tự thấy mình lớn thêm, trong sáng thêm.
Bác Hồ là hiện thân của non sông và dân tộc, là thành quả kết tụ từ hơn bốn ngàn năm lịch sử lao động dựng xây và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân mọi miền trong toàn cộng đồng xã hội Việt Nam. Làng Chùa, Làng Sen vinh dự là nơi Người đã được sinh thành và lớn lên rồi từđó Người ra đi tìm đường cứu nước.
Làng Sen được coi như là một trong những điểm hội tụ của non sông và đại diện cho nhiều vùng miền của đất nước chứ không phải hiểu theo cách suy nghĩ duy tâm, cho rằng, vì đó là nơi "địa linh" nên sinh ra "nhân kiệt". Thuyết "địa linh nhân kiệt" mang trong nó tư tưởng duy địa lý, phản khoa học, không nhìn nhận một cách thoảđáng sự tu dưỡng, rèn luyện của từng con người. Ở từng địa phương, thế núi, hình sông cũng như phong tục, tập quán có góp phần tạo nên truyền thống của vùng đất. Mà truyền thống là kinh nghiệm chứ không phải là đường đi của mỗi con người.
Để tỏ lòng biết ơn Bác, nhằm xứng đáng với sự mong đợi của Bác lúc sinh thời, chúng ta hưởng ứng Lễ hội Làng Sen bằng cách kế thừa, tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị văn hoá trong mỗi làng quê để tổ chức lễ hội thật hồ hởi, vui tươi với những hoạt động văn nghệ bổ ích theo đúng tinh thần của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mà Trung ương Đảng và Chính phủđang phát động.
Chu Trọng Huyến