Văn hóa tâm linh trong Lễ hội Đền Vua Mai

05/02/2012 12:06

(Baonghean.vn) Trong không khí xuân vẫn còn xen lẫn trong từng ngôi nhà, ngõ phố, chúng tôi về quê hương Nam Đàn. Có chút gì đó xao xuyến, bâng khuâng như đưa lòng mình trở về cõi tâm linh, đưa tâm hồn trở về với những ngày tháng hào hùng của lịch sử, khi được thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng của mình đối với vị Anh hùng dân tộc từng làm rạng rỡ quê hương, đất nước - Mai Hắc Đế.

Dẫu dòng đời đi ngược về xuôi, đi đâu làm gì nhưng những người con nơi mảnh đất này vẫn luôn nhớ về Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào các ngày 13,14,15 tháng Giêng để tưởng nhớ công đức Mai Hắc Đế cùng với các tướng lĩnh của ông, ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập (722-726). Lễ hội nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, của cha ông cho thế hệ trẻ. Lễ hội Đền Vua Mai từ rất lâu đã trở thành ngày hội trọng đại, thiêng liêng với nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, không biết từ bao giờ đã trở thành nét văn hóa tâm linh của người dân Nam Đàn và của nhân dân cả nước, là ngày hội chung của toàn dân, mở đầu cho hoạt động lễ hội của tỉnh nhà.



Phần lễ tế thành kính trong Lễ hội Đền Vua Mai

Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh quán tại làng Ngọc Trừng - một làng phía Tây huyện Sa Nam thuộc Châu Hoan (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Năm 713, Mai Thúc Loan có mặt trong đoàn phu đi cống vải cho Đường Huyền Tông. Dọc đường, dân phu vô cùng khổ cực, là người có sức khỏe, nhanh nhẹn, giỏi võ lại tài năng, chí lớn, Mai Thúc Loan vận động dân phu nổi dậy giết bọn quan, lính áp tải, rồi dùng trái “lệ chi” làm lễ ăn thề. Mọi người cùng nhau tuyên thề: “Dốc chí phục thù, giết hết bọn giặc để cứu nước” và tôn Mai Thúc Loan làm chủ súy.

Mai Thúc Loan lập nghĩa quân, tập hợp phường săn quanh vùng có đến mấy trăm người để thêm sức mạnh. Chọn Sa Nam làm căn cứ đã cho thấy tầm nhìn của ông rất xứng với địa vị thủ lĩnh, bởi địa thế này vừa có thế chủ động cũng có thế thủ. Rú Đụn lớn hơn rú Vệ, hiểm trở và kín đáo, hai bên có sông Lam bao bọc. Xây đắp chiến lũy thành Vạn An ở ngay Thị trấn Nam Đàn bây giờ, chứa voi trận, khí giới, vũ khí, lương thực dự bị để tính kế lâu dài. Binh hùng tướng mạnh, căn cứ vững chắc, nhân dân một lòng ủng hộ, chẳng mấy chốc Mai Thúc Loan đã thu được một vùng giang sơn rộng lớn. Đất nước được giải phóng, Mai Thúc Loan được ba quân tôn lên làm Vua. Ông kéo quân về Thành Vạn An và lấy Thành Vạn An làm Quốc đô. Vua có nước da đen, nên nhân dân thân mật gọi ông là Mai Hắc Đế.

Hơn một ngàn năm Bắc thuộc, Nam Đàn được ghi vào lịch sử dân tộc như là quê hương, nơi xuất phát của một cuộc khởi nghĩa oanh liệt chống quân quan nhà Đường từ năm 713 đến năm 722 do Mai Thúc Loan lãnh đạo.

Khu Di tích Vua Mai ở Nam Đàn gồm có đền thờ và lăng mộ. Đền thờ nay thuộc thị trấn Nam Đàn. Đền thờ được xây dựng chính nơi xưa kia từng đặt tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa, sau đó là Quốc đô, nơi Vua Mai điều hành quốc sự. Còn lăng là một am miếu nhỏ xây ngay chỗ được xem là nơi yên nghỉ của Ngài và con trai kế vị là Mai Thiếu Đế tại một thung lũng ở núi Đụn Sơn thuộc xã Vân Diên. Lăng và đền đều nằm cạnh sông Lam. Ngoài lăng và đền thờ Vua Mai, trong phạm vi quanh lăng và đền miếu thờ các thân tướng của Ngài, có nhiều di tích của một thời trận mạc. Từ năm 1996, Bộ Văn hóa cấp bằng Di tích Lịch sử và Văn hóa Quốc gia cho Di tích đền và lăng mộ Vua Mai tại huyện Nam Đàn. Cách đền và lăng không xa, trên rú Dẻ - một đồi cây thấp ở thôn Ngọc Trừng, xã Nam Thái nơi sinh quán của Vua Mai, có mộ của bà Vương Thị, thân mẫu của Ngài.

Những năm gần đây, cụm quần thể Khu Di tích Vua Mai tại huyện Nam Đàn được các ngành chức năng trùng tu, tôn tạo cảnh quan khuôn viên tươi đẹp, khang trang, bề thế, uy nghi thuận tiện về giao thông đi lại dễ dàng, thuận lợi cho khách các nơi hành hương về đây thăm viếng toàn bộ khu di tích. Khu Di tích Vua Mai vinh dự được đón các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm viếng, tưởng nhớ công đức của Ngài.

Để bộc lộ lòng thành kính thiêng liêng của mình đối với vị anh hùng dân tộc từng làm rạng rỡ quê hương đất nước, hàng năm vào Rằm tháng Giêng, huyện Nam Đàn tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Mai Hắc Đế. Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức quy mô lớn và long trọng, gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Các hoạt động sôi nổi trong Lễ hội Đền Vua Mai luôn thu hút được đông đảo người dân và du khách thập phương về tham dự với tâm nguyện hướng cội nguồn lịch sử dân tộc, thắp một nén hương tỏ lòng thành kính cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà hạnh phúc, bình an. Tâm tưởng của người về dự lễ với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc người anh hùng có công dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc với những hành động thiết thực thể hiện truyền thống, đạo lý Uống nước nhớ nguồn. Sự linh thiêng và đức tin về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông là biểu tượng làm chỗ dựa niềm tin trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Đây là giá trị độc đáo ẩn chứa trong Lễ hội Đền Vua Mai.

Lễ hội được kéo dài trong 3 ngày đêm liên tục, với nhiều hình thức sinh hoạt vừa mang tính tôn nghiêm, trang trọng của phần lễ như: Lễ yết cáo, Lễ rước, Lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, Lễ Đại tế. Đồng thời vừa có tính chất sôi nổi, vui nhộn của phần hội. Đến với Lễ hội Đền Vua Mai, du khách được đắm mình vào không khí truyền thống văn hóa hàng ngàn đời của cha ông, thưởng ngoạn các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống như đua thuyền, đấu vật, cờ, thẻ, chọi gà, đu tiên, đu quay, đẩy gậy, thi làm cỗ xôi gà, thi đấu bóng chuyền, cắm trại, ca múa hát, du thuyền, thi người đẹp Sa Nam, biểu diễn nghệ thuật trích đoạn Mai Thúc Loan ra trận… Ngoài ra, hàng năm tại đền thờ và các di tích Mai Hắc Đế có nhiều kỳ lễ trọng: Hội đền Rằm tháng Giêng, lễ giỗ Vua Mai 16/9, lễ giỗ Mai Mẫu 4/7, giỗ Mai Hoàng Hậu 15/7 (âm lịch).

Nói đến nét đặc trưng của Lễ hội Đền Vua Mai, chúng ta không thể không nhắc tới đấu vật, là trò chơi được nhiều thanh niên trai tráng trong vùng đam mê, được tổ chức tại khu vực Lăng miếu Vua Mai, bắt nguồn từ những lần tuyển quân của Mai Hắc Đế. Để “kén tướng chọn quân” hàng năm vào mùa xuân, Vua Mai cho các vùng tổ chức thi vật, chọn lấy những đô vật khỏe mạnh, bổ sung cho đội quân tiên phong của mình. Từ đó, đấu vật đã trở thành một tập quán trong các kỳ hội làng. Từ phong trào này, hàng năm, Nam Đàn đóng góp cho tỉnh nhiều vận động viên bộ môn thể thao đấu vật. Hoạt động đua thuyền được tổ chức trên sông Lam đoạn từ cầu Nam Đàn đến miếu mộ Vua Mai với chiều dài khoảng 1,2 km. Buổi tối, dành cho biểu diễn văn nghệ. Lễ hội Đền Vua Mai không còn bó hẹp trong phạm vi một huyện mà là một trong những lễ hội có quy mô lớn, thu hút hàng vạn du khách thập phương về dự nhân dịp đầu xuân năm mới. Tiếng trống vật rộn ràng, tiếng hò reo vang dậy cả một đoạn sông Lam trong ngày lễ hội để cổ vũ cho các đội thuyền đua, các đô vật, các trò chơi dân gian… thật sự để lại nhiều ấn tượng với du khách tới dự Lễ hội Đền Vua Mai.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, phát huy truyền thống quê hương trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn đã vượt khó đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2011, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 17,82%, giá trị sản xuất tăng 22% so với năm 2010, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Văn hóa - xã hội có nhiều bước chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ. Đây là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt Nam Đàn được Ban chỉ đạo Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện của cả nước làm điểm xây dựng nông thôn mới, nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, dự án được xây dựng, ban hành và thực hiện, chủ trương thu hút đầu tư được khuyến khích. Ông Thái Văn Nông - Chủ tịch huyện Nam Đàn cho biết: “Nam Đàn đã và đang tập trung khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế với các đột phá về TTCN, dịch vụ, du lịch và xây dựng kết cấu hạ tầng để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo khởi sắc mới về văn hóa - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự ATXH; phấn đấu xây dựng thành huyện nông thôn mới...”.

Đến với Lễ hội Đền Vua Mai là dịp chúng ta hiểu thêm và yêu hơn truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Mảnh đất Nam Đàn địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời với hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú và rất đa dạng. Hiện nay trên địa bàn huyện có 154 di tích, danh thắng, trong đó có gần 30 di tích đã được xếp hạng. Nổi bật là những di tích văn hoá lịch sử: Khu Di tích Vua Mai, Khu Di tích Kim Liên, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Chùa Đại Tuệ … Đó là những điểm đến đầy hứa hẹn, hấp dẫn trong du lịch sinh thái, tâm linh. Một hướng du lịch tâm linh về cội nguồn lịch sử đã mở ra từ cái nôi truyền thống lịch sử, là dòng chảy, mạch nguồn hun đúc, tạo tiền đề để Nam Đàn hướng tới xây dựng huyện điểm văn hóa, huyện nông thôn mới!


Thanh Lê

Mới nhất
x
Văn hóa tâm linh trong Lễ hội Đền Vua Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO