Vận hội chờ khai mở

02/11/2013 20:57

 Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc bệnh nhi. Ảnh: THANH HÀ

Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc bệnh nhi.

Ảnh: THANH HÀ

Ngày 1-11 đánh một dấu mốc lịch sử quan trọng, nhiều ý nghĩa đối với ngành dân số nói riêng và lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam nói chung: Dân số Việt Nam tròn 90 triệu người. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, bức tranh hiện tại và những định hướng tương lai.

Thấp hơn chỉ tiêu quy mô dân số năm 2015

Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 1989 cho thấy dân số nước ta lúc đó là 64,4 triệu người. Khi đó, các nhà khoa học đã dự báo vào năm 2010 dân số Việt Nam sẽ đạt 105 triệu người. Dựa vào dự báo đó, nước ta lẽ ra đạt 90 triệu người vào năm 2002. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong công tác dân số -kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đến nay, ngày 1-11, quy mô dân số nước ta mới đạt 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm.

Những dự báo khi đó là hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta có một thực tế so sánh đáng chú ý là: Năm 1989, dân số Phi-li-pin ít hơn nước ta sáu triệu người nhưng đến nay, dân số Phi-li-pin nhiều hơn nước ta 15 triệu người. Nếu như Việt Nam không nỗ lực làm công tác DS-KHHGĐ thì dân số nước ta hiện nay sẽ là 110,8 triệu người. Như vậy, trong vòng hơn 20 năm qua, nước ta đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Đây là một thắng lợi hết sức to lớn của chương trình DS-KHHGĐ, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển.

Giai đoạn 1989-1999, bình quân mỗi năm dân số nước ta tăng 1,2 triệu người, đến giai đoạn 1999-2009 chỉ tăng 952 nghìn người/năm và đặc biệt từ năm 2009 đến nay, chỉ tăng khoảng 900 nghìn người/năm. Năm 1989, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Việt Nam có 3,8 con nhưng đến năm 2006 con số này giảm xuống còn 2,09 con, đạt mức sinh thay thế (trung bình 2,1 con/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ). Từ đó đến nay, mức sinh của Việt Nam luôn dưới mức sinh thay thế. Dự kiến dân số trung bình của Việt Nam năm 2015 khoảng 92 triệu người, chắc chắn đạt được chỉ tiêu quy mô dân số dưới 93 triệu người vào năm 2015 như Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 đã đề ra.

Thời cơ vàng cất cánh

Thành công trong giảm sinh là một trong những yếu tố quan trọng làm cho tỷ suất chết trẻ em và tỷ số tử vong bà mẹ của Việt Nam giảm xuống một cách đáng kể. Tuổi thọ người Việt Nam đã tăng lên 33 tuổi trong 50 năm qua (từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2010), trong khi thế giới chỉ tăng 21 tuổi (từ 48 lên 69 tuổi vào các năm tương ứng). Nhất là triển vọng sống của nhóm dân số 60 tuổi của nước ta đã ngang với các nước phát triển trên thế giới.

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" (cứ hai người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) mới có một hoặc ít hơn một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc từ 65+). Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Các "con hổ", "con rồng" châu Á đều "cất cánh bay lên" cũng từ thời kỳ này. Với hơn 62 triệu người đang ở độ tuổi lao động là nguồn nhân lực khổng lồ cho công cuộc CNH, HĐH, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho sự chấn hưng và phát triển của dân tộc Việt Nam. Với dân số 90 triệu người, chúng ta có 90 triệu người tiêu dùng - một thị trường rất lớn, rất tiềm năng và rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Chúng ta đang có nhiều cơ hội lớn để liên kết quốc gia, khu vực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một quy mô dân số đứng hàng thứ 14 trên thế giới và thứ ba trong khu vực Đông -Nam Á, với bản chất người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, sáng tạo, nền kinh tế của Việt Nam nhất định sẽ cất cánh bay lên và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực, thế giới; vị thế Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Biến thách thức thành cơ hội

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" với những "cơ hội vàng" của "kỷ nguyên vàng" nhưng làm thế nào để tận dụng được lợi thế này cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là thách thức không nhỏ đối với chúng ta. Bên cạnh đó cũng cần duy trì cho được mức sinh thấp hợp lý như hiện nay để có thể kéo dài "cơ hội vàng" cho đất nước phát triển và làm chậm quá trình "già hóa dân số", khống chế tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.

Mặc dù chúng ta có số người trong độ tuổi lao động lớn nhưng chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật, sức bền, kỹ năng... Việt Nam hiện cũng đã bước vào giai đoạn "già hóa dân số" và dự báo thời gian chuyển sang giai đoạn "dân số già" của nước ta thuộc hàng ngắn nhất thế giới trong khi cả xã hội chưa hẳn đã kịp thích ứng với sự biến đổi nhân khẩu học nhanh chóng, lớn lao này. Mặc dù còn có những khó khăn, thách thức và những vấn đề mới đặt ra nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn ngành dân số cùng với nhân dân cả nước đã sẵn sàng, chủ động đón nhận những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Bởi dân số có tác động đến tất cả các ngành, các lĩnh vực và những tác động này là lâu dài hàng thập kỷ đối với sự phát triển thịnh vượng của quốc gia, dân tộc.

Theo Nhân Dân

Mới nhất
x
Vận hội chờ khai mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO