Pháp luật

Vấn nạn khai thác cát sỏi sạt lở bờ sông: Chuyện không riêng chỉ ở Đồng Văn…

Thành Cường, Nhật Lân 14/04/2025 14:56

Vì vấn nạn sạt lở bãi bồi sông Lam, từ năm 2023 đến nay, đã 2 lần người dân xã Đồng Văn (Thanh Chương) dựng lán, treo cờ, băng rôn, gióng trống, đưa thông tin lên mạng xã hội… để ngăn hoạt động khai thác cát.

Cát Văn-1

Dân hành động “bất đắc dĩ”

Vấn nạn sạt lở bãi bồi sông Lam, xã Đồng Văn (Thanh Chương) khiến người dân các xóm Tiên Quánh, Đình Sơn tụ tập dựng lán, giăng cờ, thúc trống… ngăn cản hoạt động khai thác cát bắt đầu diễn ra dịp cuối tháng 3/2025. Dù ngay sau đó, UBND xã Đồng Văn, UBND huyện Thanh Chương đã vào cuộc; và ngày 3/4, đoàn công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức kiểm tra thực địa, tạm dừng các hoạt động khai thác cát, đưa ra một số quyết định khá nghiêm khắc đối với đơn vị được cấp phép khai thác là Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương, tuy nhiên, người dân xã Đồng Văn vẫn chưa hết nỗi lo.

Cát Văn-8
Người dân xã Cát Văn dựng lán trại trên bãi để ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép. Ảnh: Thành Cường

Bằng chứng là sáng 9/4/2025, khi chúng tôi cùng cán bộ huyện Thanh Chương xuống điểm sạt lở ở bãi bồi xã Đồng Văn thì có tiếng trống ngũ liên thúc dồn dập. Thế rồi, chỉ dăm phút sau, đã có khoảng vài chục người dân cùng theo xuống bãi. Nhìn cảnh này, buột miệng hỏi chị cán bộ huyện cùng đi: Hình như nhân dân biết có người lạ xuống bãi nên theo xuống để giám sát? Chị trả lời: “Sau sự việc sạt lở, người dân giám sát các hoạt động trên bãi bồi. Hễ thấy cứ có người xuống bãi thì sẽ gióng trống. Tiếng trống thúc dồn dập ban nãy là để báo tin đấy…”.

Thời điểm này, sát vị trí bãi bồi bị sạt lở vẫn nguyên lán trại, cờ, băng rôn; và còn cắm thêm một loạt biển với dòng chữ cảnh báo “Khu vực nước sâu nguy hiểm”. Còn người dân xã Đồng Văn, khi biết chúng tôi được cán bộ huyện đưa về tìm hiểu việc sạt lở, thì rất “nhiệt tình” cung cấp thông tin.

Cát Văn-10
Người dân cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ảnh: Thành Cường

Như được trao đổi, dù mỏ cát của Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương không có mốc giới, nhưng người dân khẳng định họ phát hiện các tàu khai thác cát sai vị trí, và khai thác quá công suất cho phép. Vì vậy, đã bất đắc dĩ tổ chức dựng lán trại trên bãi để ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép.

Đại diện cho người dân, ông Hoàng Văn Mùi (đảng viên xóm Tiên Quánh) đã nói: “Nhân dân xã Đồng Văn luôn chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Gia đình nào cũng có công việc phải làm, phải lo, chứ không hay gì việc tụ tập đông người ở bãi sông như thế này. Nhưng dù bất đắc dĩ, chúng tôi cũng phải làm như vậy. Vì nếu không ngăn hoạt động khai thác cát, bờ bãi sẽ tiếp tục sạt lở, sẽ ảnh hưởng đến ruộng vườn, đê Tả Lam, ảnh hưởng đến nhà cửa, tính mạng của hàng trăm hộ dân…”.

Cát Văn-9

Gia đình nào cũng có công việc phải làm, phải lo, chứ không hay gì việc tụ tập đông người ở bãi sông như thế này. Nhưng dù bất đắc dĩ, chúng tôi cũng phải làm như vậy.

Ông Hoàng Văn Mùi - xóm Tiên Quánh, xã Cát Văn (Thanh Chương)

Theo ông Hoàng Văn Mùi mô tả, trên sông Lam tại xã Đồng Văn vẫn thường xuyên có hoạt động khai thác cát lòng sông. Nhưng thời gian qua, tại khu vực bãi bồi Tiên Quánh luôn có 7 – 8 thuyền cát hoạt động liên tục; mỗi tàu 1 ngày chở đi khoảng 8 chuyến cát. Bãi bồi xóm Tiên Quánh có trữ lượng cát lớn, dễ khai thác nên họ tập trung tàu cát khai thác hết công suất. Tàu thuyền hút cát có nhiều loại, có tàu rất lớn thuê từ miền Bắc vào chở đến 200m3 cát. Theo ông Mùi ước tính, những ngày qua, bình quân ở bãi Tiên Quánh bị khai thác khoảng 7.000 – 8.000 m3 cát/ngày. “Khi cấp phép khai thác mỏ khoáng sản, bằng những căn cứ khoa học, cơ quan có thẩm quyền sẽ nêu rõ trữ lượng và quy định công suất khai thác theo từng năm để tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản phải chấp hành, tránh gây ra những hệ lụy. Nếu tổ chức được cấp phép khai thác chấp hành nghiêm, sẽ không gây ra hệ lụy. Thế nhưng, ở đây người ta khai thác ồ ạt không đúng quy định nên gây ra tình trạng sạt lở. Công ty này đã từng bị xử phạt vì khai thác quá công suất cho phép…”, ông Mùi trao đổi.

Cát Văn 3
Hình ảnh tàu khai thác cát tại khu vực bãi bồi Tiên Quánh do người dân ghi lại. Ảnh: CSCC

Cùng với ông Hoàng Văn Mùi, một số người còn cho biết thêm rằng, từ nhiều năm trước vùng bãi bồi này vừa là nơi sản xuất và là bãi tắm của nhân dân xã Đồng Văn. Vì vậy, nhân dân không đồng tình với việc cấp phép khai thác cát ở khu vực này. Một người dân trao đổi: “Nhân dân xã Đồng Văn không được lấy ý kiến khi Nhà nước xem xét cấp mỏ cát. Vì vậy, từ năm 2023, chúng tôi đã có ý kiến lên xã, lên huyện đề nghị xem xét thu hẹp diện tích, hoặc thu hồi mỏ cát đã cấp. Chúng tôi cũng đã được xã thông tin trở lại là đã có văn bản đề nghị lên cấp trên, tuy nhiên, chưa được xem xét…”.

Ngày 3/4/2025, căn cứ kết quả kiểm tra của đoàn công tác liên ngành, Sở Nông nghiệp và Môi trường có Văn bản số 1003/SNNMT-KS, trong đó, xác định có 1.117m2 ngoài khu vực mỏ có tình trạng sạt lở; yêu cầu Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương thực hiện nghiêm việc tạm dừng khai thác cho đến khi hoàn tất xử lý vụ việc… Có văn bản đề nghị cắt giảm với diện tích khoảng 2 ha tại khu vực II, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương của Giấy phép khai thác khoáng sản số 2905/GP-UBND để được xử lý.

Xã lo lắng

Trò chuyện với cán bộ xã Đồng Văn được biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân trên địa bàn tập trung đông người, sử dụng trống, loa máy, mạng xã hội để phản đối hoạt động khai thác cát, sỏi của Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương.

Cát Văn-1
Bãi bồi xóm Tiên Quánh sau khi bị tàu cát tập trung khai thác. Ảnh: Thành Cường

Đó là dịp tháng 8/2023, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, ông Nguyễn Quốc Chương nhớ lại. Khi nhận được tin nhân dân tụ tập đông người, UBND xã đã tổ chức kiểm tra mốc giới của mỏ, làm việc với Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương và yêu cầu đơn vị này phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Đồng thời, UBND xã đã tổ chức đối thoại với nhân dân. Tại buổi đối thoại, người dân cho rằng, việc khai thác cát ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, cho rằng, việc hút cát khiến đáy sông bị hạ thấp, làm biến dạng dòng chảy dẫn đến hệ lụy xói lở bãi ven sông, đê Tả Lam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản, tính mạng của người dân. Vì vậy, nhân dân đề xuất cần thu hẹp diện tích của mỏ. “Xã Đồng Văn sau đó đã có Báo cáo số 447 UBND-BC ngày 15/8/2023 gửi UBND huyện...”, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn trao đổi.

Cát Văn 4
Báo cáo của UBND xã Đồng Văn về tình trạng khai thác cát, sạn trên địa bàn.

Kể về sự việc năm 2023, ông Chương đưa ra Báo cáo số 447 UBND-BC của xã và cả Văn bản số 1831/UBND-TNMT ngày 17/8/2023 của UBND huyện Thanh Chương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường. Xem các văn bản này, rõ nguồn cơn người dân phản đối khai thác cát; xác tín việc UBND xã Đồng Văn, UBND huyện Thanh Chương từng đã đối thoại, lấy ý kiến người dân để kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra xem xét lại vị trí mỏ cát Đồng Văn đã cấp cho Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương theo Giấy phép số 2905/GP-UBND ngày 10/7/2018.

Cát Văn-11

Hoạt động khai thác của Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương rất thiếu chuyên nghiệp, mạnh ai nấy làm...

Ông Nguyễn Quốc Chương - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn

Về sự việc mới xảy ra, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Chương thì ngay từ ngày 25/3/2025, xã đã phát hiện việc khai thác cát gây tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, qua kiểm tra, ở thời điểm này xác định hoạt động khai thác đang trong phạm vi mỏ, nên xã lập biên bản nhắc nhở, đề nghị tạm dừng khai thác để xác định phạm vi bị ảnh hưởng. “Hoạt động khai thác của Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương rất thiếu chuyên nghiệp, mạnh ai nấy làm. Thế nên, dù đã được xã đề nghị tạm dừng nhưng họ không chấp hành, dẫn đến ngày 28/3 đã xảy ra sự việc người dân dựng lán ngăn cản không cho khai thác. Khi chính quyền xuống bãi ổn định tình hình, tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, thì người dân còn nói xã không làm được thì để dân làm…”, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, ông Nguyễn Quốc Chương buồn bã nói.

Cát Văn 5
Biên bản làm việc và văn bản yêu cầu Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương tạm dừng khai thác của UBND huyện Thanh Chương.

Ngày 3/4/2025, sau khi đoàn công tác liên ngành kết thúc công tác kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi đến các đơn vị liên quan, trong đó, yêu cầu Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương cắt giảm khoảng 2 ha mỏ; đề nghị UBND xã Đồng Văn cho ý kiến. Hỏi Chủ tịch UBND xã Đồng Văn nội dung này, được ông cho biết, công ty đã có đơn xin trả 2,65 ha mỏ cát gửi đến xã Đồng Văn và UBND huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã hội ý, thống nhất cần thêm một thời gian mới có ý kiến chính thức gửi UBND huyện và Sở Nông nghiệp và Môi trường. “Xã Đồng Văn nhìn nhận phải rất thận trọng trong việc cho ý kiến. Nếu vấn đề này được xem xét từ năm 2023 sẽ thuận hơn, tình hình bây giờ đã khác …”, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn nhìn nhận. Rồi ông cho biết thêm, ngày 8/4 UBND huyện Thanh Chương có văn bản giao UBND xã xác minh, làm rõ nguyên nhân sạt lở diện tích 1.117 m2 nằm ngoài khu vực mỏ, vì vậy, xã phải lập tổ công tác tập trung thực hiện nhiệm vụ này…

Cát Văn 7
Khu vực 2,65 ha được Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương cắt giảm theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: CSCC

Ngày 8/4/2025, UBND huyện Thanh Chương có Văn bản số 820/UBND-NNMT về việc “Tiếp tục xác minh, làm rõ hoạt động khai thác cát, sỏi tại xã Đồng Văn”. Tại đây, UBND huyện Thanh Chương yêu cầu Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương cung cấp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ kê khai và nộp thuế quý I/2025; Báo cáo quá trình khai thác khoáng sản tại mỏ cát Đồng Văn từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/3/2025 và các tài liệu khác có liên quan…; tiếp tục tạm dừng khai thác theo yêu cầu của UBND huyện tại Công văn số 765/UBND-TNMT ngày 1/4/2025 cho đến khi hoàn tất xử lý vụ việc.

Chuyện không riêng ở Đồng Văn

Dõi theo hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã nhiều năm, chúng tôi biết người dân tại nhiều địa phương của tỉnh bất an, lo lắng trước hoạt động này. Như ở vùng bãi Do Nha, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên năm 2021, vì tình trạng cát tặc trên sông Lam gây sạt lở bờ bãi, người dân đã phải viết đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh. Hay ở đoạn sông Lam qua xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, trước tình trạng khai thác cát dẫn đến sạt lở bãi bồi, vùng sản xuất khiến người dân rất bức xúc. Vì vậy, UBND xã Vĩnh Sơn đành phải trích ngân sách, hợp đồng với 1 tổ 3 người dân thường trực giám sát hoạt động khai thác cát…

Cát Văn 2
Tàu khai thác cát trên bãi bồi ven sông Lam. Ảnh: CSCC

Ở huyện Thanh Chương, không chỉ riêng xã Đồng Văn mới có tình trạng khai thác cát gây nên tình trạng sạt lở. Mà tại các xã Thanh Tiên, Đại Đồng… cũng đã từng có nhiều vụ việc khai thác trái phép cát, sỏi trên sông Lam gây hệ lụy, dẫn đến việc người dân bức xúc, nhiều năm liền có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Về nguồn khoáng sản cát, sỏi lòng sông của tỉnh, rõ ràng cần phải được khai thác để phục vụ nhu cầu xã hội, tạo việc làm có thu nhập cho một một bộ phận người dân, và tham gia đóng góp cho ngân sách. Nhưng việc quy hoạch, cấp phép khai thác cần đảm bảo đúng pháp luật; đối với các tổ chức được cấp phép khai thác, phải chấp hành nghiêm quy định, trong đó, phải tuân thủ quy hoạch, và khai thác đúng công suất được cấp phép.

Cát Văn-5
Cọc sắt trên bờ cát được cho là mốc giới mỏ cát tại xã Đồng Văn. Ảnh: Thành Cường

Đến mỏ cát xã Đồng Văn, P.V Báo Nghệ An đã quan sát kỹ, nhận thấy không hề có mốc giới. Chỉ với chi tiết này đã cho thấy Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương không chấp hành quy định của pháp luật, là một trong những căn nguyên dẫn đến hoạt động khai thác không đúng phạm vi được cấp phép, gây hệ lụy sạt lở, dẫn đến bức xúc của người dân.

Trao đổi những gì được nghe, được thấy với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Quang Huy, theo ông thì hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đã và đang có những hệ lụy ở một số địa phương, cần phải kiểm tra chấn chỉnh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Quang Huy trao đổi: Từ đầu năm 2025, Sở đã có kế hoạch kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Sau khi xảy ra vụ việc ở mỏ cát xã Đồng Văn, Sở đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp, thành lập một số đoàn liên ngành để kiểm tra trên diện rộng…”.

Ngày 16/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 215/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương vì lỗi khai thác cát, sỏi lòng sông vượt công suất được phép khai thác (năm 2020 vượt công suất 211,2%; năm 2021 vượt công suất 208,6%). Hình thức xử phạt bằng tiền là 900 triệu đồng; đồng thời, đình chỉ hoạt động khai thác trong thời gian 5,5 tháng.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Vấn nạn khai thác cát sỏi sạt lở bờ sông: Chuyện không riêng chỉ ở Đồng Văn…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO