Văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam trong trường học: Có nên quá tốn kém?

Lê Thanh Nga 18/11/2023 20:42

(Baonghean.vn) -Người Việt Nam có một câu mà tôi cho là càng ngày càng “đi vào cuộc sống”: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Xưa đúng, nay vẫn đúng. Có chăng ngày nay chỉ thay đổi một tý cho nó hợp thời: “phú quý sinh lễ lạt”.

Thực sự thì không biết từ bao giờ, có lẽ là từ khi tiềm lực đất nước và đời sống người dân đã có phần tươm tất hơn, các lễ hội phi truyền thống (hiểu là không xuất phát từ lịch sử và quy định thường niên của Nhà nước) xuất hiện ngày một nhiều. Mà đã lễ hội thì không thể thiếu cái gọi là văn nghệ chào mừng. Nhu cầu làm đẹp lòng quan khách, quảng bá hình ảnh và thể hiện niềm hãnh diện cá nhân, đã khiến những người tổ chức, những người chủ trương lễ hội tất bật để mọi thứ diễn ra được suôn sẻ, chu đáo và “hoành tráng” nhất có thể.

Dĩ nhiên, văn nghệ thường là chương trình mở đầu, nên càng hoành tráng càng tốt. Nói có tội, nhiều người đi dự các chương trình kỷ niệm, hội thảo, tri ân… về chỉ có ấn tượng với mỗi màn văn nghệ chào mừng. Nhưng cần nhớ rằng, mỗi chương trình văn nghệ như thế, có khi tiêu ngốn tiền tỷ, thậm chí là nhiều tỷ - một khoản tiền có thể sử dụng đầu tư và những việc khác thiết thực và nhân văn hơn. Điều đó thật hài hước và chua xót.

thiepng-2529-4272-968.jpg
Rất nhiều hội thi, phong trào được phát động, tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh minh họa: toquoc.vn

Đáng nói hơn, vừa rồi, dư luận bàn tán khá sôi nổi về câu chuyện chi hội trưởng chi hội phụ huynh thuộc một trường THCS huy động một số tiền khá lớn để tổ chức luyện tập, trình diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam với con số lên đến nhiều chục triệu đồng. Nhìn vào mức độ tài chính được (dự kiến) huy động, thì quả là khiến ta giật mình.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cái logic xã hội, điều đó bình thường, thậm chí, nhìn vào logic phong trào trường học, trừ số tiền quá khủng ra, cũng chẳng có gì lạ. Bởi, lâu nay trong các trường học, câu chuyện thuê mượn trang phục, đạo diễn để giành tý giải con con mà lấy điểm thi đua giữa các đơn vị lớp, chi đội với nhau không phải chưa từng xảy ra, nếu không muốn nói là khá phổ biến, cũng như việc mua bán các đề tài dự thi nghiên cứu khoa học ở cấp THPT, hay mua bán các công trình khoa học để tính điểm hồ sơ phong học hàm mà lâu nay các phương tiện thông tin truyền thông nói đến khá nhiều.

Tôi không hiểu tâm trạng của các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô đang công tác ở ngôi trường được nhắc đến lâu nay sẽ như thế nào khi biết được thông tin trên. Bản thân tôi, dù chẳng liên quan gì đến ngôi trường kia nhưng vẫn thật sự buồn. Việc thể hiện lòng tri ân đối với các thầy, cô giáo vào dịp lễ dành cho thầy cô thực sự là một điều nên làm, và thậm chí nên khuyến khích, nhất là trong thời đại mà niềm tin với ngành Giáo dục, sự kính trọng xã hội dành cho người giáo viên và chính lòng yêu nghề của các thầy cô đang suy giảm một cách đáng kể.

ngay-nha-giao-vn-truong-thpt-hung-vuong-q-5-anh-dnt-3-8851-3287.jpg
Những tấm thiệp đơn sơ, chân thành của học sinh đủ giúp thầy, cô giáo hạnh phúc với nghề. Nguồn thanhnien.vn

Tuy nhiên, tri ân thế nào lại là một chuyện. Tôi tin rằng đa số các thầy, cô giáo sẽ yêu nghề hơn, tâm huyết hơn nếu trong dịp này, nhận một bông hoa, chỉ một bông thôi, hoặc một tấm thiệp mừng trị giá năm ngàn đồng, để nhận được lòng yêu kính chân thành của người học và sự tôn vinh thực sự của xã hội, còn hơn là nhận những món quà lớn để sau đó phải day dứt, phải tủi buồn vì thái độ thiếu tôn trọng của chính một vài người học, một vài phụ huynh nào đó.

Việc tổ chức các hoạt động văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo, dĩ nhiên cũng nên được khuyến khích, nhưng nên làm thế nào cho phải, để hai bên không ai bị tổn thương. Trong khi không phải tất cả mọi phụ huynh của một lớp đều khá giả, thậm chí nếu tất cả đều khá giả cũng không hẳn thảy đều muốn góp một khoản tiền lớn cho cái hoạt động mà họ cảm thấy sự chi tiêu cho nó đã trở nên quá trớn. Không hiểu từ lúc nào, những ngày giỗ tết, người ta ít khi tự làm mâm cơm để cúng cha mẹ tổ tiên như Lang Liêu đã từng ngày đêm giã gạo đồ xôi gói nấu bánh chưng dâng lên tiên tổ?

Không biết từ bao giờ người ta đã quên rằng, các thầy cô chỉ thực sự ấm lòng khi các màn biểu diễn văn nghệ chúc mừng họ là sản phẩm nghệ thuật thực sự của chính học trò của họ, dù giản dị, dù vụng về, còn hơn những màn biểu diễn diêm dúa đẹp mắt nhưng là thứ sản phẩm của một quá trình thuê mượn từ đạo diễn đến trang phục, đạo cụ? Việc “chuyên nghiệp hóa” các màn biểu diễn ấy vốn đã không nên, và sẽ trở thành phản cảm khi người ta đầu tư cho nó một cách quá tốn kém.

Tôi cho rằng, cách làm này chẳng tôn vinh được ai, mà bằng những ì xèo, những cãi cọ, chỉ làm tổn thương cả hai phía. Hãy để các nhà giáo được vui trọn niềm vui ngắn ngủi trong ngày lễ trôi nhanh của họ./.

Mới nhất
x
Văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam trong trường học: Có nên quá tốn kém?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO