Vất vả nghề đào giếng khơi mùa nắng nóng

An Nam 12/06/2023 20:27

(Baonghean.vn) - Những ngày nắng nóng này, những người làm nghề đào giếng khơi trong tỉnh làm không hết việc. Vất vả, khó nhọc, tiềm ẩn không ít rủi ro, nhưng nghề mưu sinh trong lòng đất cũng có thêm thu nhập.

Hiện nay, mặc dù đã có nước máy, nước giếng khoan, nhưng giếng khơi vẫn là nguồn nước sạch quan trọng, do đó, nghề đào giếng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, người làm nghề không đông như trước đây, mỗi xã thường có vài tổ thợ hoạt động quanh năm hoặc thời vụ. Ảnh: Huy Thư

Thợ đào giếng ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn... thường đi làm theo tổ, mỗi tổ có 3 -4 người, gồm 2 thợ chính và 1 -2 phụ việc. Đợt nắng nóng này, thợ đào giếng trong tỉnh hoạt động nhộn nhịp, hết đào giếng mới lại vét giếng cũ. Ảnh: Huy Thư

Trước khi đào giếng, nhóm thợ phải tìm hiểu kỹ địa hình, địa chất để chọn phương pháp đào phù hợp. Dụng cụ của nghề đào giếng ngày trước chủ yếu là cuốc, xẻng, xà beng, xô, ròng rọc… Nay thợ đào giếng đỡ vất vả hơn phần nào, nhờ có thêm máy khoan đất, máy tời, quạt điện thông gió… Ảnh: Huy Thư

Anh Nguyễn Văn Đại (45 tuổi), quê ở xã Thanh Khê (Thanh Chương) chia sẻ: Mùa Hè năm nay nắng nóng kịch liệt, người dân nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt, nhu cầu đào giếng tăng, đào chưa xong giếng này đã có người gọi đào giếng khác. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, tổ đào giếng của anh gồm 4 người đã đào được 16 cái giếng cả cũ lẫn mới, công việc liên tục. Ảnh: Huy Thư

Thợ đào giếng làm việc dưới đáy giếng có nhiều nguy cơ rình rập như lở đất, sập giếng, rơi dụng cụ... Đào giếng vùng đồi núi tuy khó khăn nhưng khá an toàn, không sợ lở đất, còn đào giếng ở vùng đồng bằng, ven sông đất mềm dễ đào, nhưng khá nguy hiểm. Ảnh: Huy Thư
Theo những người trong nghề, tùy vào diện tích, chất đất, độ lớn, độ sâu của giếng mà tổ thợ đào nhanh hay chậm. Đất càng cứng, diện tích giếng càng nhỏ thì càng khó đào. Vùng đồng bằng đất mềm, tổ 4 người có thể đào sâu được 4- 5m/ngày. Ngược lại, vùng núi đất cứng, nhiều sỏi, đá, khó đào, mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ được 1- 2m, thậm chí có giếng chỉ đào được hơn nửa mét. Ảnh: Huy Thư
Mùa Hè năm nay, thường xuyên mất điện cũng gây khó khăn cho thợ đào giếng. Hôm nào mất điện thì họ phải nghỉ làm vì máy khoan, máy tời... không hoạt động được. Nếu đi làm, đang ngồi dưới giếng mà mất điện đột xuất thì rất bức xúc. Ảnh: Huy Thư
Nếu đào giếng gặp mưa hay gặp mạch nước phun mạnh, nhiều lúc người thợ phải vật lộn với bùn đất nhão nhoẹt, có khi vừa đào, vừa múc nước, tốn khá nhiều công sức. Ảnh: Huy Thư
Đối với những giếng cũ cần đào thêm, sau khi hút nước, người thợ phải xem xét độ an toàn của giếng, kiểm tra dưới giếng có khí độc hay không. Nhằm tránh hiện tượng ngạt khí độc hay sụt lún xung quanh giếng, gây sập giếng như một số nơi từng xảy ra. Ảnh: Huy Thư

Tiền công của nghề đào giếng tùy thuộc vào diện tích, độ sâu, độ khó của giếng. Những giếng có đường kính 1,2m đào ở vùng đồng bằng hiện tiền công là 600.000 - 800.000 đồng/mét sâu. Vùng đồi núi, khó đào, tiền công trên dưới 1 triệu đồng/mét sâu. Với những giếng cũ đào thêm có giá từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/mét. Nắng nóng, công việc liên tục, thợ đào giếng cũng có thêm thu nhập. Ảnh: Huy Thư

Clip: Huy Thư

Mới nhất

x
Vất vả nghề đào giếng khơi mùa nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO