Vé AFF Cup 2018, cuộc đua giữa VFF và “cò”

Catcosan Vinh 12/11/2018 10:34

(Baonghean.vn) - "Chúng tôi hiểu sự vất vả của người hâm mộ và VFF cũng sẽ... vất vả cùng” - ông Nguyễn Minh Châu - Phó Tổng thư ký VFF khẳng định VFF đã nỗ lực hết sức để công tác phát hành vé AFF Cup 2018 diễn ra thuận lợi. Dường như nỗi khổ mua vé xem đội tuyển Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ qua của người hâm mộ vẫn không hề được cải tiến.

Trước hết, bất cứ ai cũng thắc mắc khi VFF chỉ bán 24.000 vé sân Mỹ Đình, còn lại những 16.000 vé để làm công tác đối ngoại. Nếu trận đấu trên sân Mỹ Đình tới đây chỉ vài ngàn cổ động viên Malaysia có mặt thì nỗi bực tức chắc chắn sẽ còn tăng lên rất nhiều.

Công nghệ bán vé 4.0

Như mọi lần VFF vẫn kiên định kết hợp “truyền thống và hiện đại” khi sử dụng 3 kênh phân phối: công văn, bán online và xếp hàng thủ công. Trong đó, mặc dù dự kiến bán 60% (khoảng 15.000 vé) bằng con đường công văn nhưng ngay ngày đầu đã có 800 đơn vị xin mua với tổng số vé đăng ký là 60.000 vé.

Xếp hàng mua vé bằng công văn tại VFF. Ảnh: AT
Xếp hàng mua vé bằng công văn tại VFF. Ảnh: AT

VFF buộc phải cân đối số lượng và cố gắng bán tối thiểu cho mỗi đơn vị khoảng 8-10 vé, nhưng kiểm soát việc phân phối như thế nào và làm sao 15.000 vé kia đến thẳng tay người xem chứ không vòng qua đội ngũ hàng trăm "cò vé" trước sân Mỹ Đình thì vẫn chưa làm được.

Trong ngày 29/10, thời điểm bắt đầu nhận công văn, trụ sở VFF nằm trên đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có đến 2 vòng rào gác. Các nhà báo thể thao ngày thường "nhẵn mặt" nơi đây trong vòng 1 giờ đồng hồ cũng không tài nào tiếp cận cái ô cửa văn thư của VFF, huống hồ gì người ngoài.

Để kiếm được một trong khoảng 4.000 tấm vé bán online qua 2 địa chỉ https://ticketonline.vff.org.vn và https://vebongda.vff.org.vn là điều không hề dễ. Trước thời điểm mở bán vé online 09h00 ngày 01/11/2018 các "đầu nậu" đã thuê sẵn hàng chục sinh viên khoa CNTT của Bách khoa với đường truyền tốc độ cao.

Điều khá ngạc nhiên là kể cả đăng ký online thì người xem vẫn phải đến các đại lý của VFF để tiếp tục xếp hàng nhận vé. Các sinh viên được trả từ 50 - 100 nghìn đồng, tùy vé đẹp hay không để săn vé online khu khán đài C, D đã bán hết, trả vé sau ngày 8, 9, 10/11 đến nay cơ bản đã hoàn tất.

Nếu không có được 2 cơ hội trên, không còn cách nào khác là phải hành xác đến sân vận động quốc gia Mỹ Đình để mua vé trực tiếp. Mặc dù BTC thông báo bắt đầu bán vé rộng rãi từ 08h00 đến 17h00 (hoặc đến khi hết vé trước thời gian dừng bán) ngày 11/11/2018, nhưng từ nửa đêm hôm trước đã có người đội mưa xếp hàng.

Giá vé trận gặp Malaysia không hề rẻ, với 4 mệnh giá gốc là 150, 200, 300, 400 nghìn đồng/chiếc nhưng VFF vẫn phải khống chế mỗi CĐV sở hữu 1 phiếu mua vé được mua tối đa 2 cặp vé.

Nếu đúng là VFF đã bán 7.000 vé qua kiểu “xếp hàng truyền thống” thì cũng phải non 2.000 người đã phải đội nắng, đội mưa để có được tấm vé xem đội tuyển Việt Nam thi đấu. Dù đến sớm và khá kiên trì nhẫn nại nhưng nhiều cổ động viên không thể lấn át phe vé đang xếp hàng, giữ chỗ mua vé Việt Nam - Malaysia tại Mỹ Đình.

Có khoảng gần 100 "cò vé" thường xuyên có mặt, thuê người xếp hàng để mua vé. Các "cò vé" Mỹ Đình còn biết “gom” thẻ thương binh tận dụng ưu đãi để có được những tấm vé đẹp vào sân xem trận đá với Malaysia.

"Cò vé" ngày càng chuyên nghiệp

Trong khi VFF vẫn đang lúng túng với việc tìm ra phương thức bán vé tận tay người hâm mộ thì đội ngũ "cò vé" đã hiện đại hơn trong cách tiếp cận khách hàng có nhu cầu. Vé mời, vé bán qua đường công văn đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội cũng như các trang buôn bán trực tuyến theo kiểu “muốn gì cũng chiều”, tất nhiên là với cái giá đắng chát.

Xếp hàng mua vé bằng công văn tại VFF. Ảnh: AT
Người hâm mộ rồng rắn xếp hàng mua vé trực tiếp sáng 11/11 tại sân Mỹ Đình. Ảnh: AT

Những ông trùm phe vé đang sử dụng các chiêu tạo nên sự khan hiếm vé giả tạo để đẩy giá vé lên cao. Sau ngày đầu bán vé trực tiếp, lượng vé xuất hiện trên thị trường chợ đen vẫn khá nhiều và được phe vé "hét" gấp 4 - 5 lần mệnh giá gốc.

Một cặp vé có vị trí đẹp ở khán đài A - B, loại mệnh giá 400.000 đồng/vé được phe vé hét lên tới 2,4 triệu đồng, giấy mời cũng được rao bán 3 triệu đồng/cặp. Nhiều cò vé vui vẻ giao vé tận tay khách hàng có nhu cầu, miễn phí giao nhận.

Với những người am hiểu thị trường chợ đen thì đều có chung nhận định, với trận đấu truyền hình trực tiếp, giá vé khó có thể cao như người ta đang rao bán. Nếu thời tiết không thuận lợi, có khi sẽ trở về nguyên giá.

Nhưng câu chuyện làm thế nào để đa số vé trên sân đến tay người hâm mộ vẫn là câu hỏi mà nhiều nhiệm kỳ VFF không đưa ra lời giải thỏa mãn cho công chúng???

Mới nhất
x
Vé AFF Cup 2018, cuộc đua giữa VFF và “cò”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO