Về bài báo “Trường Tiểu học 2, Thạch Ngàn (Con Cuông): Mong sớm có giếng nước”
(Baonghean) - Báo Nghệ An số ra ngày 5/2/2013 đăng bài: “Trường Tiểu học 2, xã Thạch Ngàn (Con Cuông): Mong sớm có giếng nước” của tác giả Phùng Văn Mùi.
Ngày 9/4/2013, Huyện ủy huyện Con Cuông có Công văn số 119-BC/HU gửi báo Nghệ An với nội dung sau:
Thực hiện Công văn số 1760-CV/TU, ngày 18/2/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về việc kiểm tra và xử lý vấn đề bài báo: “Trường Tiểu học 2, xã Thạch Ngàn (Con Cuông): Mong sớm có giếng nước” phản ánh. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành QĐ số 376 – QĐ/HU thành lập đoàn kiểm tra để thẩm tra, xác minh các nội dung trong bài viết. Thường trực Huyện ủy đã có phiên làm việc với UBND huyện, các phòng ban liên quan, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thạch Ngàn, Ban Giám hiệu và Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học 2 Thạch Ngàn và tác giả bài báo để nghe kết quả kiểm tra, xác minh; đồng thời tiến hành đối thoại với tác giả bài báo.
Sau buổi làm việc, Thường trực Huyện ủy thống nhất như sau:
Hạn hán, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt là tình trạng chung đang diễn ra trên địa bàn huyện, trong đó có các trường học (nhất là vùng tả ngạn). Tuy nhiên, mức độ quá khó khăn như nội dung bài báo nêu là chưa chính xác, thậm chí thổi phồng thêm. Riêng Trường Tiểu học 2 xã Thạch Ngàn chỉ có điểm trường chính (Kẻ Gia) là khó khăn nhất, còn các điểm khác không đến nỗi quá khó khăn.
Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền huyện đã nỗ lực quan tâm chăm lo, đã có nhiều chương trình, dự án phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều xã, điểm trường còn khó khăn về nước do không có nguồn nước. Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn và chăm lo nâng cao chất lượng dạy và học. Vì vậy, nhìn chung chất lượng giáo dục của huyện Con Cuông đạt kết quả khá.
Việc một số giáo viên (có gia đình ở thị trấn) hàng ngày đi dạy đưa “nước sạch” từ nhà đi để nấu ăn và uống (dụng cụ đưa nước đi là chai nước khoáng) là có. Những ngày không về được thì sử dụng nước khe (hiện nay do hạn hán nên nước khe cũng cạn và không đảm bảo vệ sinh; hai công trình nước tự chảy Kẻ Gia và Thạch Sơn đã bị hư sau đợt mưa lũ).
- Một số nội dung bài báo nêu không đúng:
Bài báo nêu, ở đây chỉ có 1 loài hoa sống được là “xương rồng” là không chính xác. Các giáo viên vẫn trồng được vườn hoa cây cảnh.
“Đa số giáo viên khi được phân công làm nhiệm vụ ở đây đều tìm mọi cách từ chối hoặc xin nghỉ không lương, bởi vào đây vất vả vì đường sá, lại phải chịu khát vì thiếu nước sinh hoạt”. Bài báo nêu như vậy là không chính xác, mặc dù đường đi xa nhưng tại thời điểm báo nêu đường vào đến Bá Hạ là đường nhựa, đi lại có khó khăn vào mùa mưa, nước thiếu vào mùa khô hạn. Phòng GD&ĐT, Ban Giám hiệu nhà trường và một số giáo viên đều khẳng định: Tư tưởng của cán bộ, giáo viên ổn định, không có giáo viên nào từ chối nhận nhiệm vụ hoặc xin nghỉ không lương.
Năm 2007, nhà trường đã lập tờ trình và được Công đoàn ngành hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng đào giếng, các giếng đào đều phát huy tác dụng, nhưng đến năm 2012 nước cạn, nhà trường đã tổ chức đào thêm nhưng vẫn không có nước (điểm Kẻ Gia). Sau năm 2007 đến nay trường chưa làm tờ trình nào để đề nghị huyện, xã cho kinh phí đào giếng… Vì vậy bài báo nêu: “BGH và Hội đồng nhà trường đã lập tờ trình xin xã, huyện hỗ trợ kinh phí để khoan giếng công nghiệp, nhưng kinh phí tốn hơn 40-50 triệu đồng nên huyện, xã chưa thể hỗ trợ” là không đúng.
Việc thiếu nước sinh hoạt ở điểm trường chính là có, nhưng thông tin “Kinh phí của trường chưa đủ trang trải tiền văn phòng phẩm và công tác phí, nên đành để giáo viên và học sinh chịu khát” là không đúng. Vì giáo viên được cấp tiền nước sạch theo NĐ 61 của Chính phủ và được tính vào trong lương hàng tháng; giáo viên và học sinh không phải chịu khát.
Số liệu “trên 20 giáo viên với trên 300 học sinh” là không chính xác. Thực tế trường có 30 giáo viên, 24 lớp, 171 học sinh, trong đó tại điểm chính có 16 cán bộ giáo viên, 5 lớp, 42 học sinh.
Quan điểm của nhà trường và xã đối với nội dung trong bài báo: “Thực tế việc thiếu nước ở nhà trường là có thật, nhưng một số nội dung tác giả đề cập hoàn toàn không chính xác”.
- Thường trực Huyện ủy yêu cầu Ban Tuyên giáo Huyện ủy kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Đối với tác giả bài báo khi lấy thông tin, viết bài phải chính xác, tránh để người đọc hiểu sai lệch thực tế.
UBND huyện, Phòng Giáo dục quan tâm hơn nữa trong điều kiện có thể, để có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước hiện nay.
Trước tiên Báo Nghệ An chân thành cảm ơn Huyện ủy Con Cuông đã thẩm tra, xác minh và gửi công văn phản hồi về nội dung bài báo: “Trường Tiểu học 2 Thạch Ngàn (Con Cuông): Mong sớm có giếng nước” của tác giả Phùng Văn Mùi.
Báo Nghệ An xin trao đổi thêm như sau: Mục đích Báo Nghệ An và tác giả đăng tải bài báo trên với mong muốn phản ánh về thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của trường học ở xã Thạch Ngàn và điều đó là có thật. Rất mừng là sau khi bài báo đăng, UBND huyện Con Cuông đã có chủ trương khắc phục và tiến hành khảo sát xây dựng đề án để tìm cách khai thác nguồn nước sạch cho giáo viên, học sinh và nhân dân trong vùng. Hiện nay, hiện tượng thiếu nước đã và đang được khắc phục.
Báo Nghệ An xin nhận những sai sót trên và đã tổ chức trao đổi rút kinh nghiệm đối với tác giả cũng như đội ngũ biên tập, thẩm định tin bài. Báo Nghệ An mong muốn tiếp tục nhận được những phản ánh kịp thời từ phía độc giả cũng như Huyện ủy huyện Con Cuông.
Huyện ủy Con Cuông - Báo Nghệ An