Về cơn lốc suýt hủy diệt phi đội 'Ngày tận thế' của Mỹ

Tử Quỳnh 13/03/2018 09:40

Việc thiếu nhà chứa máy bay làm hai chiếc E-4B bị hỏng nặng trong một cơn lốc, khiến Mỹ chỉ còn một máy bay "Ngày tận thế" trực chiến.

Phi đội 4 chiếc E-4B Nightwatch của không quân Mỹ. Ảnh: USAF

Ngày 16/6/2017, một trận lốc xoáy có sức gió 135-175 km/h quét qua căn cứ không quân Offutt, miền trung nước Mỹ và gây hư hại nặng cho hai phi cơ E-4B Nightwatch, còn được gọi là "máy bay ngày tận thế". Vụ việc khiến Mỹ chỉ có một chiếc E-4B đủ khả năng hoạt động trong ba tháng liền, cho thấy sự dễ tổn thương của phi đội quan trọng hàng đầu trong kế hoạch phòng thủ hạt nhân của Washington, theo Drive.

Cơn lốc cũng khiến 8 máy bay do thám RC-135 tại căn cứ Offutt bị hư hại nặng. Tổng thiệt hại sau trận lốc vào khoảng 20 triệu USD, trong đó chi phí sửa chữa hai chiếc E-4B chiếm tới 8 triệu USD. Không quân Mỹ chỉ có 4 máy bay Nighwatch, ngoài hai chiếc bị hỏng do lốc, phi cơ thứ ba đang trong quá trình bảo dưỡng tại nhà máy của Boeing. Trên thực tế, 75% lực lượng chỉ huy chiến tranh di động của Washington đã bị vô hiệu hóa khi chưa tham gia chiến đấu.

"Cơn bão đi theo con đường tồi tệ nhất, thật may mắn khi không ai bị thương", đại tá Dave Norton, chỉ huy lực lượng hậu cần thuộc Không đoàn số 55 đóng tại căn cứ Offutt, nhớ lại. Đây là đơn vị vận hành phi đội E-4B, RC-135 và nhiều loại máy bay do thám khác của không quân Mỹ.

E-4B là trung tâm chỉ huy chiến tranh di động, mang theo hàng chục chuyên gia phân tích quân sự, chiến lược gia và trợ lý liên lạc để trợ giúp tổng thống Mỹ. Chúng được trang bị nhiều linh kiện đặc biệt, như ăng ten dây dài tới 8km để duy trì liên lạc với lực lượng tàu ngầm hạt nhân, ngay cả khi các trạm liên lạc mặt đất bị phá hủy.

Khi cất cánh, chúng sẽ được gọi là Trung tâm Tác chiến trên không Quốc gia (NAOC). Hoạt động từ thập niên 1970, E-4B luôn là lựa chọn tốt nhất giúp tổng thống Mỹ sống sót trong một vụ tấn công hạt nhân.

Trước trận lốc ngày 16/6/2017, chỉ huy Không đoàn số 55 quyết định chuyển hai chiếc E-4B vào nhà chứa do lo ngại mưa đá. Những nhà chứa này không đủ sức bao trùm toàn bộ chiếc E-4B với kích thước khổng lồ. Tuy nhiên, chúng vẫn che chắn được phần buồng lái, cánh, động cơ, cùng nhiều khoang chứa ăng ten và thiết bị điện tử dọc thân máy bay.

Nhà chứa chỉ bảo vệ được một phần thân và cánh máy bay. Ảnh: OAFB.

Dù là nơi vận hành phi đội E-4B, căn cứ Offutt không có nhà chứa nào đủ lớn để bảo vệ chúng trước bão. Vị trí căn cứ nằm sâu trong "thung lũng lốc xoáy" của Mỹ càng làm tăng nguy cơ hư hại tới những chiếc phi cơ tại đây. Thông thường, phi đội E-4B và RC-135 sẽ phải sơ tán tới khu vực khác khi xuất hiện bão lốc. Quy trình này cần lên kế hoạch trước và mất rất nhiều thời gian, khiến nó không khả thi trong phần lớn trường hợp xảy ra lốc xoáy.

Khi cơn lốc đổ bộ vào Offutt, gió lớn quật vào phần cánh đuôi khổng lồ của những chiếc E-4B, vốn nằm lộ bên ngoài nhà chứa. Sức gió mạnh tới mức phi cơ nặng 190 tấn như E-4B cũng dễ dàng bị xô đẩy, va đập vào các vật thể bên trong nhà chứa. Tường và nóc nhà cũng bị phá hủy, khiến mọi thứ bên trong phải đối mặt với điều kiện khủng khiếp của cơn lốc.

"Tiếng động thật khủng khiếp, tới mức điếc tai", thượng sĩ Ken Parker, người giám sát an ninh khu nhà chứa máy bay khi đó, cho biết. Cơn lốc khiến động cơ của một chiếc E-4B đập mạnh vào khu vực bảo dưỡng, đục thủng một lỗ lớn ở phía trước động cơ. Chiếc còn lại bị rách thùng dầu, nhưng lực lượng cứu hỏa tại căn cứ đã kịp kiểm soát trước khi lượng nhiên liệu rò rỉ bị bắt lửa.

Chi tiết về thiệt hại của hai chiếc E-4B vẫn không được công bố, nhưng nó có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Thượng sĩ Parker, trung sĩ kỹ thuật Olivia Fernandez và Walter Scott đều được tặng huy chương vì phản ứng nhanh nhạy trước lúc cơn lốc đổ bộ. Họ đã mạo hiểm tính mạng khi chạy từ nơi trú ẩn tới nhà chứa máy bay, sau đó tháo những chốt khóa càng trước của hai chiếc E-4B.

Một chiếc E-4B cất cánh từ căn cứ Offutt. Ảnh: OAFB

"Nếu càng trước không được tháo khóa để di chuyển tự do, chúng có thể bị gãy và làm mũi máy bay đập xuống đất. Chúng tôi có gắng cứu các phi cơ hết sức có thể", Parker giải thích.

Không quân Mỹ mất ba tháng để đưa hai chiếc Nightwatch trở lại tình trạng sẵn sàng hoạt động, nhưng vụ việc đã cho thấy điểm yếu và khó khăn trong việc duy trì phi đội E-4B cũ kỹ. Các máy bay này được phát triển từ khung thân phi cơ dân dụng Boeing 747-200, vốn đã ra đời từ thập niên 1970 và không còn được sản xuất, khiến chi phí vận hành và bảo dưỡng tăng vọt trong những năm gần đây.

Hiện các tập đoàn quốc phòng Mỹ chưa có đề xuất thay thế phi đội E-4B, trong khi Washington cũng không đặt yêu cầu thiết kế dòng máy bay chỉ huy chiến tranh mới. Điều này khiến phi đội E-4B vẫn phải phục vụ trong ít nhất 20 năm tới và đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa an toàn, trong đó có những cơn lốc mạnh ở khu vực căn cứ Offutt.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Về cơn lốc suýt hủy diệt phi đội 'Ngày tận thế' của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO