Về đây nhớ người khai mường lập bản

(Baonghean) Đến hẹn lại lên, người từ chín bản, mười mường, từ đất mường Quáng, mường Chừn, từ mường Miểng, mường Chón, mường Choòng... lại về cùng mường Tôn (mường chủ, mường gốc), linh thiêng và thành kính trong Lễ hội Đền Chín Gian. Mọi nẻo đường của miền Tây Bắc xứ Nghệ dịp trung tuần tháng Hai năm Nhâm Thìn này đều hội về một điểm: bản Piếng Chào, xã Châu Kim (Quế Phong) để bày tỏ niềm tôn kính, biết ơn những người đã có công khai bản, lập mường và gửi gắm, nguyện cầu những điều tốt đẹp.

 

Ngay từ chiều ngày 14/2 âm lịch (tức 6/3/2012), chúng tôi được hòa mình với khí Xuân, sắc Xuân của đất trời và cuộc sống. Trên đỉnh núi Pú Chờ Nhàng, nơi ngôi đền Chín Gian tọa lạc, rừng cây đang kỳ trổ lộc đơm hoa, dòng người nối tiếp dòng người lên với nơi đây để thắp nén hương tưởng nhớ Thẻn Phà (Trời), Náng Xỉ Đả (con gái Trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công khai bản, lập mường), đồng thời nguyện cầu bình an, phúc lộc và cả những điều thầm kín. Ở khu vực sân hội, cờ phướn tung bay, nô nức hội trại và những gian hàng trưng bày sặc sỡ sắc màu thổ cẩm. Bên cạnh là khu ẩm thực đầy quyến rũ với đa dạng món ăn mang đậm bản sắc vùng cao (cơm lam, bánh chưng Thái...).


Về đây nhớ người khai mường lập bản ảnh 1

               Lễ rước trâu về Đền Chín Gian. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Dưới sân khu lễ hội, tại các khu vực trại, náo nức hội thi các môn thể thao truyền thống (đẩy gậy, bắn nỏ, chọi gà) thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Ở khu vực sân khấu, nhiều du khách, người dân cũng tập trung cổ vũ các tiết mục thi hát đối đáp dân ca Thái, thi cồng chiêng, khắc luống. Mỗi địa phương về đây tham dự hội thi đều đem đến những tiết mục đặc sắc và mang đậm giá trị truyền thống. Ngay cạnh đền, các bà, các chị trổ tài thổi cơm lam và gói bánh chưng dâng lên tế các vị thần linh. Khi màn đêm buông xuống khắp đỉnh Pú Chờ Nhàng, đoàn nghệ thuật quần chúng của 14 xã thuộc huyện Quế Phong cùng tụ hội về sân khấu để so tài điệu nhuôn, điệu khắp. Hàng ngàn người dân các bản, mường về đây để được hòa mình trong tiếng cồng chiêng rộn rã, trong tiếng khèn, tiếng pí du dương và tiếng khắp, tiếng nhuôn lúc bổng, lúc trầm.


Ngày 15/2 âm lịch (tức 7/3/2012) là ngày lễ chính. Từ sáng sớm, người dân khắp các bản làng và du khách gần xa đã tập trung dưới chân núi để chứng kiến nghi lễ tắm trâu. Sau khi được đưa xuống suối tắm rửa sạch sẽ tại bến Tà Tạo, "ông" trâu được dắt theo đoàn rước men theo từng bậc đá lên sân đền để làm Lễ Phắn quái (chém trâu). "Ông" trâu, bạn của nhà nông, là một lễ vật tâm thành nhất được trở thành vật hiến sinh để dâng lên các vị thần linh có công khai mường, lập bản.


Trong thời gian chờ Lễ Đại tế, tại sân hội, Ban tổ chức tiến hành Lễ Khai mạc. Sau những tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng lễ hội, tiếng trống khai hội được gióng lên vang vọng khắp núi rừng. Những cánh chim bồ câu tung bay trong nghi lễ phóng sinh giữa mênh mông đất trời mường chủ như một lời tri ân của con cháu gửi đến tổ tiên.


Đúng 10h sáng, Lễ Đại tế (xớ Thẻn, xớ Đăm) chính thức bắt đầu. Đại diện của con dân chín bản, mười mường cùng dâng lên trước bàn thờ chính và của các mường mâm cỗ với những món ăn, thức uống rất mực gần gũi nhưng lại là cả tấm lòng thành kính hướng về. Các thầy mo hành lễ và thay mặt toàn thể nhân dân nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để người dân khắp các bản mường luôn no ấm, để tiếng hát, tiếng khèn luôn được vang vọng khắp nơi. Buổi chiều, tại khu vực sân hội và sân khấu, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và thể thao vẫn tiếp tục tiếp diễn.


Có thể nói, Lễ hội Đền Chín Gian là dịp lý tưởng để huyện Quế Phong đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, đồng thời, cũng là dịp để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng đối với các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, lễ hội còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa cũng như quảng bá tiềm năng du lịch của huyện nhà nói riêng và vùng núi Tây Bắc xứ Nghệ nói chung.

Và qua đây, người dân có thêm cơ hội để giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Đến từ xã Thông Thụ, cách đền Chín Gian hơn 50 km, ông Lô Văn Bình chia sẻ: "Năm nào tôi cũng về Châu Kim tham dự lễ hội, trước hết là để nguyện cầu các vị thần che chở, xin bình an, phúc lộc. Sau nữa là được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc và được gặp gỡ, chung vui với bè bạn khắp các bản làng".


Hôm qua, ngày 16/2 âm lịch (tức 8/3/2012), Lễ hội Đền Chín Gian chính thức khép lại. "Hội đã tan rồi", nhưng đã để lại dư âm tốt đẹp trong lòng tất thảy mọi người về tham dự.

Trần Hải

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.