Về nguồn gốc Dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh

Trần Thị Thu Hằng (Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An) 20/05/2023 09:30

(Baonghean.vn) - Nói đến dân ca xứ Nghệ là người ta nghĩ ngay đến Ví, Giặm vì đây là “đặc sản” của xứ này. Có người đã từng nhận xét: “Dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh là hai “thổ sản” độc đáo.

Thứ “thổ sản” độc đáo ấy thể hiện sự kết tụ tuyệt vời của Tiếng Việt với khẩu ngữ địa phương, của làn điệu dân ca Việt Nam với nhịp sống, điệu thức của vùng quê nắng gió, nhọc nhằn, quả cảm. Từ thưở nằm nôi, tâm hồn người xứ Nghệ đã được tắm chất thi ca trong những lời ru của bà, của mẹ. Lớn lên cùng những bài hát đồng dao rồi những điệu ví, câu giặm cứ gắn với cuộc sống mưu sinh và tình yêu quê hương, lứa đôi. Mộc mạc mà ý nhị, dung dị mà mượt mà, lạc quan mà da diết, sôi nổi mà sâu lắng”.

Biểu diễn dân ca ví, giặm tại Lễ hội đường phố 'Quê hương mùa sen nở' trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen năm 2023..jpg
Biểu diễn Dân ca Ví - Giặm trong Lễ hội Làng sen. Ảnh tư liệu

Có thể nói dân ca ví, giặm là loại hình nghệ thuật được khơi nguồn từ cuộc sống. Điệu ví, giặm được sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động và sản xuất, sinh hoạt gắn với những không gian quen thuộc như ruộng đồng, sông núi, giếng nước, cây đa, sân đình…Những ca từ mộc mạc nhưng lắng sâu, đầy thổ ngữ nhưng không kém phần tinh diệu, súc tích và ý nhị, âm điệu thì thiết tha lắng đọng đã phản ánh toàn diện cuộc sống, phong tục tập quán, những cung bậc cảm xúc cũng như cốt cách của người dân Nghệ Tĩnh.

Dân ca Ví, Giặm có thể được hình thành từ lâu đời trong lịch sử nhưng phải đến thế kỷ XVII-XVIII mới đủ độ chín muồi với những cuộc hát có thủ tục, lề lối chặt chẽ như nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Dân ca xứ Nghệ từ đó như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn và cốt cách của bao người dân xứ Nghệ.

Cuối thế kỷ XIX, sau khi nhà Nguyễn ký hiệp định nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp cũng là lúc xã hội Việt Nam có nhiều biến động, trước hết là phong trào Văn Thân, tiếp đến là phong trào Cần Vương. Trong giai đoạn này, ở Nghệ Tĩnh xuất hiện những bài dân ca Ví, Giặm cách mạng phản ánh lại hai cuộc khởi nghĩa này. Bên cạnh đó, các nhà chí sỹ yêu nước trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã có những cái nhìn mới và có hướng đấu tranh mới, đó là dùng dân ca Ví, Giặm làm ngọn cờ chiến đấu, khơi dậy lòng tự trọng dân tộc, lòng yêu nước và kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh. Trong đó có các bậc anh hùng dân tộc, danh hiền, chí sĩ, văn sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…

Đến cuối thế kỷ XX Sân khấu ca kịch Ví, Giặm ra đời. Đây là loại hình nghệ thuật có tính chuyên nghiệp cao, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, tổ chức sân khấu hiện đại. Đến hôm nay, trong nền văn học, âm nhạc, sân khấu nghệ thuật đương đại thì dân ca Ví, Giặm vẫn là nguồn sống, là mạch nguồn cảm xúc bất tận để nhà văn, nhà thơ và người nghệ sỹ sáng tác những tác phẩm mới...

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội thảo khoa học quốc tế: “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh)” Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, 2014.
  2. Ngữ Văn địa phương Thành phố Vinh , Tác giả Dương Xuân Hồng (biên soạn), NXB đại học Vinh.
  3. Về văn học dân gian Nghệ Tĩnh , PGS Ninh Viết Giao, Nxb Nghệ Tĩnh, 1982.
  4. Bài viết: “Giá trị sức sống của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” , Từ Thị Loan, tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 29/05/2015.

Mới nhất

x
Về nguồn gốc Dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO