Về những tấm gương mờ...

03/03/2016 12:10

LTS:Sau khi Báo Nghệ An mở chuyên mục “Cán bộ nào, phong trào ấy” trên nhật báo (từ ngày 24/2/2016), đã nhận được những ý kiến phản hồi tích cực từ bạn đọc, bày tỏ mong muốn chuyên mục sẽ trở thành một diễn đàn thông tin, tuyên truyền chất lượng trên tờ báo đảng tỉnh nhà. Bắt đầu từ hôm nay (3/3), Tòa soạn sẽ lựa chọn, đăng tải ý kiến trao đổi của bạn đọc.

Sau đây là bài viết của bạn đọc An Khánh (ở thành phố Vinh):

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Từ lời dạy của Người, chúng ta nhận ra, đạo đức là “nguồn”, là “gốc” của người cán bộ. Không có đạo đức thì không lãnh đạo được nhân dân mà không còn lãnh đạo được nhân dân thì đương nhiên trở thành thứ cán bộ vô tích sự nếu không muốn nói là phản giá trị. Thực tiễn luôn luôn chứng minh rằng, dù ở đâu, dù là cấp nào, giai đoạn nào, thì cán bộ cũng là những tấm gương để quần chúng nhân dân soi vào. Tấm gương càng trong sáng thì giá trị lan tỏa càng mạnh mẽ và ngược lại. Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ký ban hành Quy định số 101-QÐ/TW quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tại thị xã Cửa Lò
Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tại thị xã Cửa Lò

Tuy nhiên, thật tiếc, thật buồn và đáng bận lòng khi mỗi ngày mở báo đọc thông tin chúng ta lại quá dễ dàng bắt gặp đâu đó những vụ việc tiêu cực được phản ánh, những cán bộ bị xử lý kỷ luật, nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật. Họ là cán bộ, là công bộc của nhân dân, họ đương nhiên là những tấm gương, chỉ tiếc và thật đáng trách, bởi đó lại là những tấm gương mờ. Quả thực, chúng tôi không muốn làm bạn đọc “giật mình” nếu dẫn lại con số hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên trên cả nước bị kỷ luật chỉ trong một nhiệm kỳ qua. Hình như những con số mang theo ngôn ngữ buồn ấy đang làm dày thêm sự thất vọng, và lấy đi một phần không nhỏ lòng tin của quần chúng vào bộ máy công quyền; niềm tin bị tổn thương, giá trị đạo đức bị rẻ rúng và hoen ố. Ngay trước thềm đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bộ Chính trị đã phải “lên danh sách” cho 8 vụ trọng án cần được “xử”. Điều không còn làm ai ngạc nhiên là vụ nào cũng dính dáng đến những “tấm gương” mà quần chúng đã từng gửi gắm niềm tin. Thật đáng báo động khi người dân đã không chỉ dần quen mà là dần coi việc cán bộ vi phạm là sự bình thường.

Còn nhớ, khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đã từng có những băn khoăn, đặt ra câu hỏi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” đang nằm ở đâu? Và “bộ phận không nhỏ” ấy là bao nhiêu? Câu trả lời tất nhiên là không dễ. Nhưng, hơn 50.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 - ngần ấy đã đủ để chúng ta nhận diện ra ít nhất 50.000 tấm gương không còn giá trị soi rọi theo nghĩa tích cực. Một con số chắc không nằm trong sự hình dung của nhiều người.

Dù không muốn, nhưng xin phép được nhắc lại câu chuyện đã lùi khá xa vào lịch sử. Đấy là câu chuyện Bác Hồ thức trắng suốt đêm để xem xét án tử hình một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội - Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu. Những năm 50 thế kỷ trước đầy gian khổ ấy, trong lúc từ Chủ tịch nước đến người dân đều phải mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi ngày dành một vốc gạo vào hũ gạo tiết kiệm kháng chiến, thì vị này lại bớt xén công quỹ tiêu xài phè phỡn, xa hoa… Thật khó quên về lời Bác nói với vị sỹ quan quân đội thoái hóa ấy trước giờ nhận án tử hình rằng: “Mất tiền mất của còn tìm lại được, đánh mất lòng tin thì không thể lấy lại được nữa…Bác không đòi chú trả lại tiền bạc đã lấy cắp. Chú hãy trả lại cho Đảng, cho Bác, cho nhân dân và Tổ quốc lòng tin”.

Hơn 6 thập niên đã đi qua bài học về tấm gương mờ ngày ấy vẫn còn đó. Đất nước hòa bình, hội nhập và đổi mới, kinh tế thị trường bỗng chốc trở thành môi trường thử thách khốc liệt cho bản lĩnh của người cán bộ. Thật tiếc, một bộ phận đã gục ngã trước cám dỗ của vật chất. Hàng loạt cán bộ đã phải ra trước vành móng ngựa, và những gì phía sau cái vỏ bọc hào nhoáng được phanh phui. Tham nhũng, đưa hối lộ, sống buông thả, ăn chơi trác táng, chạy chức, chạy quyền, thậm chí cả chạy án đều không có gì là xa lạ với họ. Trước khi tra tay vào còng, hàng năm họ vẫn là đảng viên xuất sắc, họ vẫn là “chiến sỹ thi đua”, họ vẫn nhận bằng khen cấp này cấp nọ và tất nhiên họ vẫn là những tấm gương không tì vết trong mỗi bản lý lịch. Và từ ngân hàng cho đến dầu khí, đường sắt, hay giao thông… đâu cũng có thể “dính”.

Dư luận trong nước từng “nóng” thông tin một chủ tịch tỉnh bị cách chức vì quan hệ bất chính, một phó ban tổ chức quận ủy dính dáng đến án giết người, một cựu bí thư tỉnh ủy bị tước danh hiệu anh hùng vì khai man thành tích…; dĩ nhiên, đấy là những tấm gương không đủ sáng, không thể sáng và không còn sáng để “soi” được nữa. Nhân dân đã đặt họ ra ngoài mọi sự kỳ vọng. Và, tất cả họ sẽ là bài học chung cho chúng ta và mỗi họ lại là một bài học riêng cho mỗi chúng ta. Bài học mang vị đắng từ những sự vấp ngã tạo ra những tấm gương mờ, rất mờ!.

An Khánh

TIN LIÊN QUAN

Về những tấm gương mờ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO