Về nơi nhân dân đốt đồn điền Ký Viễn năm 1930

27/08/2017 17:08

(Baonghean) - Một ngày đầu Thu tràn ngập nắng vàng, chúng tôi tìm về Hạnh Lâm (Thanh Chương) - một trong những “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng. Cảnh vật và cuộc sống đã quá nhiều đổi thay nhưng những trang sử vàng của quê hương vẫn được người dân nơi đây lưu giữ.

Cách đây chưa lâu, độ hơn 10 năm, Hạnh Lâm vẫn còn gợi lên một sự xa ngái với núi non trùng điệp, đường sá cách trở và cuộc sống gian nan. Đặc biệt, trong tâm tưởng mỗi người, nói tới Hạnh Lâm là nói tới những cánh rừng bạt ngàn hoang vu và những lối mòn phủ đầy cành lá, là những ngôi nhà thấp bé nằm chênh vênh bên sườn đồi. Nay mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã đã mang theo bao niềm vui khởi sắc, bộ mặt làng quê đã bừng lên sắc diện mới. Giờ đây, từ thành phố Vinh, đi xe khách chưa đầy 2 giờ đồng hồ đã đặt chân đến đất Hạnh Lâm, mỗi ngày có tới hàng chục lượt xe khách chạy qua địa bàn. Chưa kể, các tuyến đường liên xã, liên thôn và nội thôn cũng đều được rải nhựa và bê tông hóa. Vùng quê nơi cuối nguồn con sông Giăng bát ngát màu xanh – màu của những cánh rừng nguyên liệu, của đồi chè, đồng lúa, bãi ngô.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Hạnh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Hạnh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên

Về Hạnh Lâm, chúng tôi chợt nhớ ông Bùi Văn Chất – người sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, thuộc lớp thế hệ học trò đầu tiên của GS - TS Nguyễn Tài Cẩn hồi Sơ học yếu lược. Làm công tác quản lý công nghiệp nhưng ông Chất rất say mê Hán Nôm và nghiên cứu lịch sử - văn hóa, từng khảo cứu, dịch thuật và biên soạn nhiều công trình có giá trị, là thành viên CLB Hán – Nôm Nghệ An. Và tất nhiên, ông dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu truyền thống của quê hương mình.

Hơn 15 năm trước, khi còn là sinh viên, ở trọ tại nhà ông, chúng tôi thường được nghe giảng giải tên gọi, quá trình hình thành và thay đổi của các địa danh ở xứ Nghệ, trong đó có Hạnh Lâm quê ông. Có lần, theo ông về thăm quê, ông đã dành thời gian dẫn chúng tôi thăm thú các di tích - danh thắng trong vùng, mỗi ngọn núi, bến sông là một trang sử, một “địa chỉ đỏ”...

Còn nhớ, ông Bùi Văn Chất nói Hạnh Lâm xưa kia gọi là Man Lâm, nghĩa là rừng rậm, là thung lũng nằm ở cuối nguồn sông Giăng được khai phá từ rất sớm. Nơi đây giáp với vùng đất Hoa Quân (nay là xã Thanh Hương) và vùng thượng du của huyện Anh Sơn, núi rừng khá hiểm trở, nằm cách đường biên giới Việt - Lào không xa.

Thế kỷ 19, trong phong trào Cần Vương, Hạnh Lâm từng là căn cứ của nghĩa quân, hiện còn dấu tích của con đường Hàm Nghi - con đường được nhân dân nơi đây khai mở để đón Vua từ thành Sơn Phòng (Hà Tĩnh) về lạp căn cứ ở Đồn Chè (Hạnh Lâm). Nhưng rồi, vua Hàm Nghi bị rơi vào tay giặc Pháp (1888), phong trào Cần Vương lắng xuống và đi đến thất bại nhưng con đường mang tên vị vua yêu nước vẫn tồn tại mãi trên miền đất Hạnh Lâm.

Một góc làng quê Hạnh Lâm ngày nay. Ảnh: Công Kiên
Một góc làng quê Hạnh Lâm ngày nay. Ảnh: Công Kiên

Và nói đến Hạnh Lâm phải nói tới không khí đấu tranh sục sôi, quyết liệt trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) với việc quần chúng cách mạng bao vây, đập phá đồn điền Ký Viễn. Sự việc bắt đầu từ khi Tri huyện Thanh Chương Nguyễn Khoa Nghi tạo điều kiện cho tên Nguyễn Trường Viễn (tức Ký Viễn) lập đồn điền và tuyển mộ phu khai thác đá ở vùng lèn Yên Lạc (tên gọi cũ của Hạnh Lâm). Từ chỗ khai thác đá, tên chủ đồn điền này phát hiện và tiến hành khai thác quặng phốt - phát và chở về nhập ở vùng Bến Thủy. Có tiền, Ký Viễn cho rải đá đoạn đường từ chân lèn đá ra bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đá và quặng.

Đây là con đường độc đạo, nối làng mạc với vùng bãi sông, nơi làm ăn và kiếm sống của người dân trong vùng. Khi hoàn thành việc rải đá, Ký Viễn cho niêm yết bảng cấm người qua lại, nghĩa là chặn luôn con đường làm ăn, sinh sống của nhân dân. Không cam chịu, bà con Hạnh Lâm đập vỡ bảng cấm để đi lại bình thường, những cuộc đụng độ giữa hai bên đã xảy ra, bước đầu buộc chúng phải nhượng bộ. Nhưng rồi, cậy thế có tiền và uy quyền, Ký Viễn đã được bọn quan lại cho mở rộng đồn điền, nạo vét sông Giăng để phục vụ việc khai thác, vận chuyển. Vậy là đường đi không còn, cả một vùng Yên Lạc rộng lớn đã rơi vào tay tên Ký Viễn, nhân dân uất ức, căm phẫn làm đơn kiện nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Nắm bắt được tâm tư và nỗi bức xúc của nhân dân, Tổng ủy Cát Ngạn triệu tập cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1/5) và phát động phong trào đấu tranh yêu cầu Ký Viễn trả lại đất sản xuất cho nông dân Hạnh Lâm. Ngày 1/5/1930, từ sáng sớm, khắp các xóm làng vang lên tiếng trống ngũ liên, cả vùng quê hạ nguồn sông Giăng rầm rập tiếng bước chân cùng một khí thế đấu tranh sục sôi chưa từng có. Ước tính khoảng 3.000 nông dân tham gia cuộc mít tinh, nghe vạch tội tên địa chủ - tư sản Nguyễn Trường Viễn và kéo đến đồn điền đốt phá khiến tên này phải bỏ trốn. Ngọn lửa đấu tranh cách mạng bùng cháy ở Hạnh Lâm rồi nhanh chóng lan sang các vùng khác, hợp sức với công nông Vinh - Bến Thủy mở đầu một cao trào đấu tranh cách mạng rộng khắp - cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Những ngày tiếp theo, nông dân Hạnh Lâm tiếp tục nổi dậy đấu tranh khiến bọn điền chủ, hào lý phải khiếp sợ. Thực dân Pháp buộc phải điều động lính khố xanh về đóng chốt ở các đình làng để ngăn đe và thị uy nhân dân trong vùng. Nhưng quần chúng lại tổ chức bao vây, hàng ngàn người khép chặt vòng vây khiến bọn lính ngày một hoang mang, khiếp sợ. Không có cách nào khác, để tháo chạy, sáng 4/5 chúng đã dùng súng bắn vào đoàn biểu tình làm 18 người chết và 17 người bị thương.

Tiếp đến là những vụ khám xét, bắt bớ và tù đày những người tham gia đấu tranh, phong trào cách mạng bị đàn áp, những người con ưu tú của đất Hạnh Lâm, của quê hương Thanh Chương bị sa vào tay giặc. Vào ngày Rằm tháng Bảy năm ấy, nhân dân khắp các vùng trong huyện làm lễ truy điệu những người bị địch bắn, giết. Ở Hạnh Lâm, bài văn tế “Hạnh Lâm xã trai đàn ngôn niệm” (Văn tế nghĩa sỹ Hạnh Lâm) của Giải nguyên Nguyễn Văn Chính được đọc lên tại buổi lễ khiến hàng vạn con tim lay động. Đến tận hôm nay, bài văn tế ấy vẫn còn được lưu truyền, và mỗi độ đến Rằm tháng Bảy nhiều gia đình còn giữ tục làm mâm cơm tưởng nhớ những người bị giặc bắn năm xưa.

Xã Hạnh Lâm hiện nay được biết đến là địa phương phát triển nghề ươm cây giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Công Kiên
Xã Hạnh Lâm hiện nay được biết đến là địa phương phát triển nghề ươm cây giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Công Kiên

Tinh thần đoàn kết trong đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương đã trở thành truyền thống của người dân Hạnh Lâm. Phong trào đấu tranh giai đoạn 1930 - 1931 thực sự là một cuộc tập dượt, để rồi 15 năm sau, trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945), Hạnh Lâm lại trở thành một trong những lá cờ đầu của Thanh Chương trong việc giành chính quyền về tay nhân dân.

Từ bấy đến nay, đã 87 năm trôi qua kể từ ngày đốt phá đồn điền Ký Viễn và 72 năm kể từ ngày giành được độc lập, miền quê Hạnh Lâm đã có rất nhiều đổi thay. Đồn điền của Ký Viễn năm xưa giờ là những đồng lúa, bãi ngô bời bời xanh tốt; là những đồi chè xanh mượt và rừng keo bạt ngàn. Lúa, ngô, khoai, sắn cho người nông dân một cuộc sống no đủ; cây keo, cây chè giúp bà con vươn lên làm giàu, nhiều nông dân Hạnh Lâm đã trở thành triệu phú. Vùng đất vốn hoang sơ và xa ngái nay đã hình thành một thị tứ khá sầm uất, là trung tâm của tổng Cát Ngạn năm xưa. Bộ mặt nông thôn hiện đại đã hiện hình, bởi chương trình xây dựng nông thôn mới cơ bản đã đạt được các tiêu chí và phấn đấu sẽ “về đích” trong năm nay.

Người Hạnh Lâm hôm nay đã và đang viết tiếp những trang sử vàng, xứng đáng là những người con của vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, với hào khí của người xưa. Đất trời đã vào Thu, cảnh vật và lòng người như đang xao xuyến nhớ về một thời đau thương mà anh dũng, quật cường./.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Về nơi nhân dân đốt đồn điền Ký Viễn năm 1930
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO