Về Sơn Thành, nghĩ chuyện nông thôn mới
(Baonghean) ...Xưa, nơi đây chẳng giống bây giờ, nghèo và khổ lắm, để có như ngày hôm nay là cả mấy chục năm ròng cán bộ, nhân dân cùng đồng tâm, chung sức. Và, có một người đã dày công hoạch định chiến lược, vạch ra hướng đi đúng đắn trong từng thời kỳ để đổi mới Sơn Thành, đưa Sơn Thành là điểm sáng xây dựng nông thôn mới. Đó là Ông Nguyễn Trí Hóa - Bí thư Đảng bộ xã Sơn Thành.
Ông Nguyễn Trí Hóa sinh năm 1959, có 5 năm tham gia quân ngũ và từng chiến đấu trên đất Campuchia. Trở về quê hương, ông tham gia công tác Đoàn rồi làm Bí thư Đoàn. Năm 1987, ông là đại biểu HĐND và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã khi mới 27 tuổi. Liên tục 24 năm 4 tháng ông Hóa làm Chủ tịch UBND xã, từ năm 2010 đến nay ông giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành.
Đi lên từ điện…
Nhớ lại Sơn Thành những năm 1980 - 1990 của thế kỷ trước, nhiều người dân, cán bộ có tuổi kể lại rằng, đây là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt bậc nhất của Yên Thành. Với trên 60% diện tích đất nông nghiệp thường xuyên khô hạn, thế nên người dân chỉ đủ ăn trong 4 tháng và nổi tiếng là “có kinh nghiệm nhịn đói và ăn rải bữa qua ngày”. Không chỉ vậy, tập thể cán bộ đảng viên lại chưa đồng tâm nhất trí, thậm chí mất đoàn kết, chia rẽ theo từng địa bàn dân cư…
Ông Nguyễn Trí Hóa được bầu làm Chủ tịch UBND xã trong bối cảnh như vậy và vị Chủ tịch 27 tuổi đời bắt đầu cuộc hành trình tìm hướng đi cho xã mình. Tư duy “Sơn Thành đi lên từ điện”, “Sơn Thành đi lên từ nước” và “Sơn Thành đi lên từ xuất khẩu lao động” đã lần lượt được ông Nguyễn Trí Hóa vạch ra trong quá trình hơn 24 năm làm Chủ tịch UBND xã.
Tại sao Sơn Thành lại đi lên từ điện, từ nước rồi từ xuất khẩu lao động? Có điện, tức là Sơn Thành đã đưa được công nghiệp về để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp đi lên một bước; đời sống tinh thần của nhân dân từ đó cũng được mở mang… Có nước, tức là Sơn Thành đã không còn phụ thuộc vào trời, chuyển dịch được cơ cấu cây trồng trên những cánh đồng đồng khô hạn. Những cánh đồng trước đây chỉ trồng khoai, khi có nước đã trồng được lúa. Trước kia chỉ trồng một vụ lúa thì nay đã làm ba mùa đông xuân, hè thu và vụ đông… Chọn hướng đi xuất khẩu lao động là để Sơn Thành có thêm điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế.
Để có nước, có điện và xuất khẩu lao động ra nước ngoài là cả một quá trình ông Nguyễn Trí Hóa cùng tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân bền bỉ lao tâm khổ tứ, chung sức đồng lòng. Để đưa điện về trong thời điểm người dân còn rất nghèo, tập thể không được vay vốn, ông Hóa đã giao trách nhiệm cho trưởng các đoàn thể, đảng ủy viên ủy ban, các xóm trưởng… đứng ra vay vốn thực hiện. Năm 1993, Sơn Thành đã có mạng lưới điện phủ khắp vùng, là một trong những xã có điện thuộc diện sớm nhất của Yên Thành. Đến năm 1997, Sơn Thành bắt đầu đi lên từ nước.
Từ năm 1997 - 2000, xã đã xây dựng 3 trạm bơm và 12 km kênh mương bê tông. Năm 2000, Sơn Thành xác định đi lên từ xuất khẩu lao động. Đảng bộ, chính quyền đã động viên con em toàn xã tham gia xuất khẩu lao động như là nghĩa vụ với quê hương. Người ở nhà có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ cho người đi, chính quyền đứng ra làm mọi thủ tục, chứng minh nhân dân, hộ chiếu…, thậm chí bảo lãnh, vay vốn để người dân đi xuất khẩu lao động. Ông Hóa nói: “Việc đi xuất khẩu lao động nằm trong sách lược phát triển kinh tế, lấy ngắn nuôi dài. Coi xuất khẩu lao động là con đường làm giàu nhanh nhất. Cũng trong thời điểm đó, tôi xác định, xuất khẩu lao động chỉ là nhất thời, làm giàu trên chính quê hương mình mới thực sự bền vững. Vì vậy, bây giờ xã không khuyến khích đi xuất khẩu lao động mà kêu gọi 1.750 con em Sơn Thành đang ở nước ngoài đầu tư, tài trợ xây dựng quê hương…”.
Đi lên từ đường, vươn ra từ đồng
Phong trào xây dựng nông thôn ở Sơn Thành được thực hiện từ năm 2000. Ngay thời điểm đó, Nghị quyết của Đảng bộ xã đã nêu ra những việc cần làm để đổi mới Sơn Thành, quyết tâm thay đổi những cái cũ, lạc hậu bằng cái mới hiện đại, toàn diện hơn. Nghị quyết Trung ương 7 rồi Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ ra đời đã chắp thêm sức mạnh, nghị lực và là cơ sở pháp lý, chuẩn mực để Sơn Thành đề ra Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới. Sơn Thành đã tổ chức đánh giá thực trạng và xây dựng lộ trình: đến năm 2013 phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới; năm 2014 - 2015, hoàn thiện, nâng cấp ở mức cao 14 tiêu chí đã hoàn thành; năm 2015 - 2020, đánh giá lại 19 tiêu chí đã hoàn thành, chống khuynh hướng nguy cơ tụt hậu, tiếp tục nâng cấp và phát triển nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu vật chất, tinh thần của toàn xã hội.
Người dân xã Sơn Thành tham gia làm giao thông nông thôn.
Từ tháng 10/2010, Sơn Thành đã chọn giao thông là bước đột phá. Ông Hóa có câu “giao thông đi trước dẫn đầu một bước, đường vô thì tiền ra, đường thông thì việc gì cũng thông”. Và câu nói này đã được toàn thể cán bộ, nhân dân ghi nhớ, tuyệt đối đồng tình. Đến nay Sơn Thành đã thực hiện mở hoàn chỉnh 27,5 km đường; trong đó, nhân dân hiến hơn 10 ha đất, tháo dỡ 20 nhà, 4 cổng và 2.000m tường rào và đóng góp tiển của công sức tổng cộng gần 24 tỷ đồng. Với ông Hóa, cái được lớn nhất đó là, sau chiến dịch làm giao thông người dân đã thấm, đã hiểu được lợi ích của phong trào xây dựng nông thôn mới.
Với quan điểm, nông dân phải có ba tấc đất cắm dùi, dẫu thu nhập từ nông nghiệp chưa cao nhưng “nông suy bách nghệ bại”, vì vậy, sau giao thông, ông Hóa và tập thể cán bộ, đảng viên đã lựa chọn dồn điển đổi thửa làm khâu trọng tâm. Đảng bộ, chính quyền xã Sơn Thành đã xây dựng đề án, văn bản hướng dẫn thực hiện quy mô, bài bản, trong đó nêu rõ thực trạng, sự cần thiết và mục tiêu rồi quán triệt trong cán bộ, đảng viên, sau đó tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Công tác tuyên truyền được tổ chức thực hiện tốt, nên người dân đã nhận thức được sự cần thiết và cùng chính quyền thực hiện. Từ chỗ có trên 5.000 thửa ruộng, sau cuộc dồn điển đổi thửa, Sơn Thành hiện chỉ còn 760 ô ruộng. Bình quân 4,5 hộ 1 ô và mỗi hộ chỉ 1 thửa ruộng… Và qua hơn 2 năm xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm “Sơn Thành đi lên từ đường, vươn ra từ đồng”, đến nay Sơn Thành đã hoàn thành 15 tiêu chí, 2 tiêu chí sắp hoàn thành và hết năm 2013 sẽ đạt 19/19 tiêu chí như lộ trình đã định.
Hẳn sau những thành công, ông sẽ rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm? Ông Hóa tâm sự: “Thời gian được đào tạo từ trường Đảng đã giúp tôi luôn ghi nhớ một điều: cái gì có lợi cho dân thì nhất định phải làm, cái gì có hại cho dân thì nhất quyết phải tránh không được làm. Qua hơn 26 năm làm cán bộ quản lý, tôi rút ra 6 bài học kinh nghiệm, đó là: Chọn bước đi thích hợp cho từng thời kỳ; quy tụ được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, các tổ chức chính trị xã hội và mọi tầng lớp nhân dân thành một mối thống nhất; phát huy tính dân chủ trên quan điểm nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” trong mọi vấn đề; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và phải nhất quán, xuyên suốt và đồng bộ; người đứng đầu phải có cống hiến, gương mẫu, độ lượng, vị tha; biết bổ cứu, đúc rút kinh nghiệm kịp thời”.
Ông Hóa (thứ hai, trái sang) và cán bộ, nông dân trên cánh đồng đang được dồn điền đổi thửa.
Tôi đã đi thăm đồng ruộng Sơn Thành, để thấy nơi đây sau dồn điển đổi thửa, những ô, thửa ruộng như những ô bàn cờ vuông vức, có bờ bao, đường đi lối lại rộng rãi, nối dài tít tắp. Được xem những bác nông dân tay cuốc, tay cày hồ hởi tham gia cùng những người thợ máy san gạt đất cho thửa ruộng cao, ruộng thấp trở nên bằng bặn. Và được nghe họ kể về người cán bộ có tầm nhìn xa, sáng suốt và gắn bó với dân. Không chỉ vậy, tôi còn được biết, được nghe chuyện của những người con Sơn Thành dẫu xa quê vẫn ngày đêm hướng về với niềm tự hào, phấn khởi. Như bạn tôi, Nguyễn Đàm Thắng - Trưởng đài Truyền hình Thị xã Cửa Lò, thổ lộ: “Quê tôi ngày xưa nghèo và khổ lắm. Có như ngày hôm nay là cả mấy chục năm ròng cán bộ, nhân dân cùng chung sức, đồng lòng. Và bác Hóa là người đã dày công hoạch định chiến lược, vạch ra hướng đi đúng đắn để tạo nên những “cú hích” đổi mới Sơn Thành...”.
Để xây dựng nông thôn mới thành công phải dựa vào sức mạnh của toàn dân. Nhưng để huy động được sức mạnh đó, những cán bộ thực hiện phải thật sự tận tâm, tận lực. Bởi vậy, mong sao ở địa phương nào cũng có những người cán bộ như ông Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành.
Nhật Lân