Về thăm làng cổ Nho Lâm
“Nho Lâm than quánh nặng nề/ em có đang được thì về Nho Lâm”. Câu ca dao quen thuộc của người Nho Lâm không chỉ ghi lại nghề khai thác quặng sắt và lò rèn nổi tiếng một thời của địa phương mà còn lột tả được cuộc sống vất vả, cực nhọc của người dân Nho Lâm xưa…
(Baonghean)- “Nho Lâm than quánh nặng nề/ em có đang được thì về Nho Lâm”. Câu ca dao quen thuộc của người Nho Lâm không chỉ ghi lại nghề khai thác quặng sắt và lò rèn nổi tiếng một thời của địa phương mà còn lột tả được cuộc sống vất vả, cực nhọc của người dân Nho Lâm xưa…
Dấu tích làng cổ…
Cách thành phố Vinh gần 40km hướng bắc, làng Nho Lâm thuộc xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) là một làng cổ tiêu biểu cho làng cổ Nghệ An. Cho đến nay, qua nhiều tài liệu lịch sử và nhiều công trình nghiên cứu về Nho Lâm, người ta đã phát hiện được ở đây nhiều dấu tích hội tụ đầy đủ các thời kỳ thuộc các mốc tiến hóa của con người.
Ông Đặng Quang Liễn - một người đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nho Lâm dẫn chúng tôi đi thăm khu di chỉ Rú Ta - Đồng Mỏm trên ngàn Đại Vạc. Tại đây, còn nhiều dấu vết của thời kỳ đá mới cách đây khoảng 6 ngàn năm. Ông Liễn cho biết thêm: Tại Nho Lâm còn phát hiện được một cỗ quan tài được ghép gốm xung quanh với niên đại cách đây khoảng 2.400 năm và hàng loạt các lò đúc đồng, đúc sắt cách đây khoảng 2 ngàn năm. Dấu vết về những thửa ruộng bậc thang tại đây còn cho thấy Nho Lâm từng là địa bàn cư trú của tổ tiên người dân tộc Thanh khoảng 3 trăm năm trước. Đặc biệt, Nho Lâm còn nhiều dấu vết về bãi chiến trường của cuộc khởi nghĩa nông dân Nguyễn Hữu Cầu và cuộc chiến tranh Lê – Trịnh…
Đình làng Nho Lâm xuống cấp và trở thành nơi họp chợ.
Nho Lâm có nghề khai thác quặng sắt truyền thống nên nơi đây cũng là cái nôi của phường lò đúc ngày xưa. Vào thời cao điểm, Nho Lâm có tới 400 lò hông sát đỏ lửa suốt ngày đêm. Đến trước cách mạng Tháng Tám, người ta vẫn thấy bờ bao quanh làng Nho Lâm đều được xây bằng xỉ sắt. Hiện tại, dưới lòng đất của làng Nho Lâm vẫn còn rất nhiều xỉ sắt, dấu tích nghề khai thác quặng sắt ngày xưa để lại…
Nhiều dấu tích về khảo cổ trên đã chứng minh sự tồn tại lâu đời của làng cổ Nho Lâm. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, có những thời điểm, người dân Nho Lâm phải bỏ làng đi nơi khác. Truyền thuyết làng Nho Lâm kể rằng: Ngày xưa, có lần nhà vua cưỡi voi đi tuần thú, nhưng voi bị sổng, chạy đến làng Nho Lâm quậy phá. Người dân Nho Lâm đập chết voi của Vua nên phải mang trọng tội. Cả làng Nho Lâm phải đan một con voi bằng tre to bằng con voi thật và đổ đầy tiền đồng vào, nếu không cả làng sẽ bị giết. Người dân Nho Lâm quanh năm lam lũ với đồng ruộng, với lò hông mà cái nghèo vẫn đeo đẳng. Không có tiền đổ đầy voi tre nên cả làng kéo nhau vào xã Nộn Liễu (Nam Đàn) để lánh nạn. Sau nay, khi án voi được xóa, họ lại cùng nhau về Nho Lâm sinh sống. Về sau, làng Nho Lâm còn thêm một lần bị Thực dân Pháp đốt cháy vì có người tham gia đi lính cho cụ Nguyễn Xuân Ôn nhưng người dân Nho Lâm vẫn kiên cường bảo vệ làng. Sức sống mãnh liệt ấy truyền mãi cho các thế hệ mai sau…
Văn hóa Nho Lâm
Trong dòng chảy văn hóa in sâu vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của người dân xứ Nghệ, chúng ta ghi nhận một nét văn hóa độc đáo của người dân làng Nho Lâm.
Trước hết, Nho Lâm là nơi phát tích nhiều dòng họ nổi tiếng và có truyền thống khổ học. Nho Lâm là một làng nghèo, nhưng xét về khoa bảng trên đất Nghệ, chỉ đứng sau làng Quỳnh với 318 người đỗ đạt, trong đó có một người đậu Đình nguyên, 19 cử nhân hán học, 4 phó bảng và Xuân thí Tam trường. Truyền thống khổ học của người Nho Lâm xưa đã góp phần hình thành nên tích cách, văn hóa của tầng lớp nhà nho xứ Nghệ.
Đến nay, trong đời sống của người Nho Lâm vẫn còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện truyền thuyết, sự tích, giai thoại về tên người, tên đất, tên làng gắn với nghề nghiệp, cuộc sống và tích cách của người Nho Lâm hiền lành, trung thực, thật thà. Những phương ngữ mang dấu ấn đậm nét của một làng cổ vẫn được người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt là những làn điệu dân ca, vè dặm, phường ví, hát reo, hát đối đáp giao duyên đã đi sâu vào tiềm thức của người dân, góp phần hình thành tích cách, tâm hồn của người Nho Lâm…
Là một làng cổ hình thành từ rất lâu đời với sự tồn tại của nhiều truyền thuyết, sự tích, giai thoại gắn với hệ thống đền thờ, chùa, miếu nơi đây, đã phản ánh đời sống tâm linh của người Nho Lâm… Tuy nhiên, về Nho Lâm hôm nay, nhiều nét văn hóa đang dần bị mai một.
Trò chuyện về văn hóa Nho Lâm, ông Cao Thành – Chủ tịch UBND xã Diễn Thọ tỏ ra nuối tiếc: “Nho Lâm là một làng cổ có nhiều nét văn hóa độc đáo, nó đã từng trở thành nét đẹp trong đời sống của người dân ngày xưa. Nhưng hiện tại, quá trình CNH – HĐH diễn ra nhanh chóng đang đặt không gian văn hóa làng Nho Lâm trước nguy cơ bị phá vỡ. Các di vật cổ hiện nay không còn giữ được. Chúng tôi đang có đề án xây dựng nhà văn hóa để bảo tồn các di vật cũng như những nét văn hóa độc đáo của Người Nho Lâm, đồng thời giữ nguyên hiện trạng khu di chỉ và khôi phục lại nghề rèn truyền thống…”.
Còn ông Đặng Quang Liễn tỏ rõ sự lo ngại: “Tốc độ đô thị hóa quá nhanh lại không song hành với việc bảo tồn di chỉ văn hóa khiến làng cổ bị “biến dạng” là điều khó tránh khỏi. Nho Lâm rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa…”.
Biện Luân