Vén màn bí ẩn hạt nhân Triều Tiên

(Baonghean) - Chương trình hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã và đang trở thành điểm nóng chính trị-an ninh của thế giới. Để nhìn nhận khách quan vấn đề trên, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

Một cuộc duyệt binh tại quảng trường Kim Nhật Thành, thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: KCNA.
Một cuộc duyệt binh tại quảng trường Kim Nhật Thành, thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

PV: Thiếu tướng có thể khái quát một số nét chính xung quanh vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên để độc giả có cái nhìn toàn cảnh hơn?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những vấn đề nóng nhất hành tinh hiện nay, nằm ngoài khả năng tiên lượng của mọi người. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt bởi vĩ tuyến 38 (phía Bắc hình thành CHDCND Triều Tiên, phía Nam là Hàn Quốc). Xét khía cạnh chính trị - đối ngoại, Triều Tiên là đồng minh của Trung Quốc, Liên Xô,… (các nước khối xã hội chủ nghĩa), trong khi Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ và Nhật Bản.

Giai đoạn 1950-1953 chứng kiến cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc chủ trương “kháng Mỹ, viện Triều”. Xét cho cùng, đây thực chất là cuộc chiến Trung- Mỹ, và khi 2 bên đều không giành thắng lợi trên chiến trường thì họ buộc ngồi lại thỏa thuận đình chiến. Kể từ đó, trên Bán đảo Triều Tiên thường trực 2 nhà nước đối đầu nhau.

Giai đoạn 1953-1987, Hàn Quốc về đối ngoại chủ trương không đối thoại với Triều Tiên. Khi ông Park Chung-hee thôi giữ chức Tổng thống, lần đầu tiên Hàn Quốc hiện hữu chế độ dân chủ, 2 miền bắt đầu đối thoại từ năm 1990. Tuy nhiên, phải đến năm 1991 mới thực sự là điểm sáng nhất trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên, khi cuộc gặp cấp cao song phương đã đi đến thỏa thuận hợp tác xây dựng Bán đảo không có vũ khí hạt nhân.

Năm 1992, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế phát hiện Triều Tiên đang làm giàu urani. Sau đó, Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đến năm 1994, Mỹ-Triều Tiên đạt thỏa thuận, đánh dấu mốc son trong lịch sử Triều Tiên khi nước này chịu từ bỏ chương trình làm giàu urani để đổi lấy sự hỗ trợ về năng lượng, các phương tiện khác,… từ Mỹ.

Hòa giải được vài năm thì đến năm 1997 Triều Tiên lại thử tên lửa chiến tầm trung, châm ngòi khủng hoảng. Trong diễn văn nhậm chức năm 2001, Tổng thống Mỹ Bush đưa Triều Tiên vào “trục ma quỷ”, dẫn đến phản ứng kịch liệt từ phía Bình Nhưỡng. Tháng 10/2002, trong một cuộc tiếp xúc với Washington, Triều Tiên hé lộ rằng họ đang làm giàu urani và tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong các năm 2006, 2009, 2013 và đầu năm 2016, Triều Tiên lần lượt tiến hành thử bom nguyên tử và vấp phải sự phản đối của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các nghị quyết trừng phạt (Nghị quyết 1784, 2087,  2094  và 2270). Suốt 1/4 thế kỷ qua, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã trải qua không ít thăng trầm.

PV: Nhiều người vẫn thắc mắc tại sao một nước nghèo như Triều Tiên lại theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Thiếu tướng có lý giải gì về điều này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đến giờ phút này, chưa học giả nào trên thế giới đưa ra giải thích thuyết phục về vấn đề trên. Theo tôi, có thể lý giải rằng trong cuộc đua tranh Nam-Bắc Triều từ năm 1953, về mặt kinh tế Hàn Quốc đã bỏ xa Triều Tiên, dù lãnh thổ Hàn Quốc chỉ vỏn vẹn 120.000 km2. Công nghệ thông tin, đóng tàu, ô tô, thiết bị động lực,… phát triển, đưa hàng hóa Hàn Quốc đi khắp nơi và đưa nền kinh tế của họ vươn lên tốp đầu thế giới. Trong khi đó, kinh tế Triều Tiên lại hết sức èo uột.

Về chính trị - đối ngoại, Seoul cũng có mối quan hệ rộng mở, hợp tác chặt chẽ với cả Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu,… trội hơn hẳn so với Bình Nhưỡng. Còn về quốc phòng, nếu xét vũ khí thông thường, chắc chắn Hàn Quốc được trang bị hiện đại hơn, bởi vậy Triều Tiên lựa chọn con đường phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để giành giật chút lợi thế trong cuộc đua.

Cần để ý tâm lý của người Triều Tiên và bộ máy lãnh đạo của họ không bao giờ chịu thua kém ai, không muốn để người khác xem thường. Sở hữu vũ khí hạt nhân là cách Bình Nhưỡng buộc các cường quốc như Nga, Mỹ,… phải ngồi xuống đối thoại và thỏa thuận. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa lý giải lựa chọn của Triều Tiên. Còn nguyên nhân bên ngoài, rõ ràng không thể quên vai trò của Trung Quốc.

PV: Có luồng dư luận cho rằng Trung Quốc hiện đang tài trợ, giúp đỡ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Thực hư vấn đề này như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là dư luận thế giới đang có suy nghĩ như vậy, họ không có bằng chứng xác thực song vẫn đang nghi ngờ Bắc Kinh hậu thuẫn Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Cá nhân tôi cũng nghiêng về luồng dư luận này bởi chỉ mình Triều Tiên không thể tự phát triển thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong điều kiện kinh tế yếu kém, chắc hẳn phải có sự hỗ trợ ở mức độ nào đó từ phía Trung Quốc.

Nên nhớ từ năm 1953, 80-90% năng lượng của Triều Tiên lấy từ Trung Quốc, chưa kể các mặt hàng lương thực, hàng tiêu dùng. Bởi thế, nếu Trung Quốc có ý định ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, họ có đầy đủ điều kiện, công cụ, sức ép buộc Triều Tiên phải dừng lại.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters.

PV: Ngày 6/1, Triều Tiên thử bom nguyên tử lần thứ 4 và ngày 7/2 nước này thử tên lửa đạn đạo. Những hành động như vậy để lại hậu quả như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Bán đảo Triều Tiên đầu năm nay trong không khí cận kề miệng hố chiến tranh. Triều Tiên thông báo họ thử bom H (bom nhiệt hạch) song dư luận cho rằng đây chỉ là quả bom nguyên tử thông thường. Hơn 1 tháng sau, họ phóng vệ tinh, nhưng Mỹ và cộng đồng quốc tế cho rằng họ thử tên lửa đạn đạo bởi muốn đưa vệ tinh vào quỹ đạo cách mặt đất 400-500 km thì tên lửa phải đạt tốc độ vũ trụ cấp 2 trở lên (11 km/s). Sau đó, ông Kim Jong Un 3 lần tuyên bố nếu Mỹ-Hàn tập trận, Triều Tiên sẽ đặt toàn bộ vũ khí hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, khiến không khí Đông Bắc Á trở nên căng thẳng, cả thế giới thấp thỏm dõi theo. Đây là điều gây bất lợi không chỉ cho riêng ai, kể cả Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc,…, đi ngược xu thế hòa bình phát triển của nhân loại.

Một hậu quả khác đối với Trung Quốc cũng vô cùng nghiêm trọng. Những việc làm của Triều Tiên nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc, vượt qua “giới hạn đỏ” khi ông Kim Jong Un tuyên bố hủy diệt Mỹ và Hàn Quốc. Phản ứng lại, Washington điều vũ khí hiện đại (máy bay ném bom chiến lược, tàu khu trục, tàu sân bay, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo,…) tới khu vực và bàn bạc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc, thực chất cũng là để đối phó với Trung Quốc. Như vậy, vô hình trung Triều Tiên đã cấp “giấy phép” cho Mỹ tăng cường triển khai vũ khí ở cửa ngõ Đông Bắc nước này, khiến cấu trúc quyền lực Đông Bắc Á nghiêng theo hướng bất lợi cho Trung Quốc. Đó là chưa kể tới hòn đá tảng liên minh Mỹ-Nhật-Hàn càng được thắt chặt trong bối cảnh như hiện nay cũng là mối đe dọa không hề nhỏ đối với Trung Quốc.

Tất nhiên, phía Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cũng phải gánh một phần hậu quả khi phải tăng chi tiêu quân sự, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu,… dù muốn hay không cũng tác động đến sự phát triển kinh tế của họ. Rõ ràng, xét trên góc độ khu vực và toàn cầu động thái của Triều Tiên đều có những ảnh hưởng đáng kể.

PV: Trước khó khăn như vậy, Triều Tiên vẫn đe dọa dùng bom hạt nhân hủy diệt liên minh Mỹ-Hàn. Thiếu tướng có dự báo gì về điều này? Liệu có khả năng xảy ra cuộc chiến tranh mới trên Bán đảo này không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng ông Kim Jong Un có thể đe dọa hủy diệt Mỹ và Hàn Quốc, nhưng việc phát động cuộc chiến tranh quy mô lớn lại rất khó. Riêng Trung Quốc sẽ không bao giờ để tình huống trên xảy ra, bởi một khi kịch bản cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ 2 trở thành hiện thực, liên minh Mỹ-Nhật-Hàn nhiều khả năng thắng thế, đó sẽ là thảm họa đối với Trung Quốc. Nước này sẽ không làm chuyện “kháng Mỹ, viện Triều” lần 2.

Vấn đề Triều Tiên quả thực khó dự báo, bởi đây có thể ví là quốc gia bí ẩn nhất thế giới. Theo tôi, trong vòng 3-5 năm tới trên Bán đảo Triều Tiên không xảy ra chiến tranh tổng lực, nhưng cũng không có hòa hợp Nam - Bắc Triều như chính sách Ánh dương năm 1987. Có nghĩa là, 2 bên sẽ thường xuyên trong trạng thái bên miệng hố chiến tranh, nhưng không xảy ra chiến tranh.

PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.

Phú Bình

(Thực hiện)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.