Vẹn nguyên lời hẹn 'đợi anh về'

24/07/2016 08:00

(Baonghean) - Mẹ đợi con, vợ đợi chồng, hai người đàn bà ấy bao nhiêu năm qua cứ thế nương tựa vào nhau, nương tựa vào nỗi nhớ, kỷ niệm để tiếp tục sống, tiếp tục chờ đợi những người lính đi mãi không về.

"Tui nói với các con “nước mất thì nhà cũng mất”, giặc nó đánh đến đây, thì cửa nhà tan nát, xóm làng ni cũng không còn. Rứa nên đứa nào xin đi bộ đội tui cũng cho. Chúng nó ra chiến trường là để đánh giặc, ngăn không cho giặc về phá quê hương...”. Đôi mắt mờ đục, tóc bạc trắng mái đầu, năm nay đã 105 tuổi, nhưng mẹ Đặng Thị Hài xã Hưng Đông, TP.Vinh vẫn minh mẫn, giọng nói vẫn rõ ràng khi nhắc về những đứa con.

Mẹ Việt Nam Anh hùng  Đặng Thị Hài, xóm Yên Bình, Hưng Đông, TP.Vinh (105 tuổi)
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Hài, xóm Yên Bình, Hưng Đông, TP.Vinh (105 tuổi)

Chồng mất sớm, mẹ Đặng Thị Hài tần tảo làm đủ thứ việc: trồng rau, chạy chợ... nuôi 9 người con khôn lớn. Ngày ấy, chiến tranh ác liệt, mẹ lần lượt tiễn những đứa con ra chiến trường. Năm 1965, khi đang là học sinh lớp 10, người con thứ Hoàng Văn Hiến tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1968, theo lệnh tổng động viên “toàn dân là lính” khi Mỹ đánh phá ra miền Bắc, anh cả Hoàng Văn Vinh xung phong tái ngũ. Rồi đó, cậu trai út Hoàng Văn Công cũng “ba lô con cóc” tham gia chiến trường Campuchia.

“Ngày nớ, ông Vinh chồng tui xung phong tái ngũ khi con gái út mới được 3 tháng tuổi. Tui bồng con chạy theo, ông quay lại chỉ dặn “cố gắng ở nhà nuôi con, đợi anh về”. Tui đứng không biết nói chi, chỉ khóc, còn mẹ động viên thôi để thằng Vinh đi, đừng cản nó...” - bà Trần Thị Trinh, con dâu mẹ Hài nhớ lại.

Vậy là các con trai mẹ lần lượt xông pha vào nơi đạn bom chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ở nhà, 2 cô con gái Hoàng Thị Xuân, Hoàng Thị Chiến, con dâu Trần Thị Trinh (vợ anh Hoàng Văn Vinh) tham gia thanh niên xung phong, phục vụ các điểm pháo cao xạ bảo vệ thành phố Vinh, cầu Bến Thủy...

Nhà mẹ trở thành nơi cất trữ lương thực, súng đạn cho bộ đội, các con mẹ tham gia tải thương, tải đạn, chăm sóc thương binh. Nuôi bộ đội như con cái trong nhà, mẹ mong các anh mạnh khỏe để đánh giặc, mẹ mong hơn hết là chiến tranh kết thúc, chờ đến ngày hòa bình, để các con mẹ trở về... Những đứa con mẹ chăm bẵm, yêu thương, mẹ nén nước mắt, giấu lo âu tiễn ra chiến trường...

Mẹ Hài và con dâu Trần Thị Trinh (81 tuổi) vợ liệt sỹ Trần Văn Vinh.Ảnh: Sách Nguyễn
Mẹ Hài và con dâu Trần Thị Trinh (81 tuổi) vợ liệt sỹ Trần Văn Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Rồi người con út Hoàng Văn Công cũng trở về với thương tật 81%. Còn anh con cả Hoàng Văn Vinh, hy sinh năm 1969 tại mặt trận phía Nam và con trai thứ Hoàng Văn Hiến hy sinh ngay trên đường hành quân vào Nam chỉ sau hơn nửa năm nhập ngũ. Các anh nằm lại nơi chiến trường nhưng mẹ đều không hay biết, chiến tranh tàn khốc nên mãi đến khi hòa bình lập lại, giấy báo tử mới gửi về...

Phần mộ các anh vẫn chưa tìm được. Nơi quê nhà, mẹ, vợ ngày ngày tựa cửa đợi các anh về... Mẹ đợi con, vợ đợi chồng, 2 người đàn bà ấy bao nhiêu năm qua cứ thế nương tựa vào nhau, nương tựa vào nỗi nhớ, kỷ niệm để tiếp tục sống, tiếp tục mong tin người lính đang nằm đâu đó nơi chiến trường.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Tóc mẹ bạc trắng, người con dâu lưng cũng đã còng, nhưng phần mộ của anh Nguyễn Văn Vinh và Nguyễn Văn Hiến vẫn bặt tin. Anh Vinh vào bộ đội còn kịp viết mấy lá thư ngắn gọn gửi về, còn anh Hiến chỉ kịp nhắn đồng đội về “nói với mẹ mua cho em cái đèn pin và tấm vải dù để đi rừng ban đêm”.

“Mẹ thương nhất là chú Hiến, ngày đi, chú ấy còn trẻ lắm. Tính tình lại vui vẻ, tốt bụng. Có o người yêu tên Dần, ngày nhập ngũ, chú Hiến nhất quyết không cho hứa hẹn chi, chỉ nói chiến tranh không thể nào biết trước được, nếu anh có chuyện chi thì em cũng đừng đợi anh mà khổ.

Trước ngày đi, có bộ quần áo mô chú Hiến đem cho bạn bè hết, cả cái thắt lưng cũng tháo ra cho bạn, nói là: “Vô bộ đội rồi thì không cần nữa, cho đi chứ giữ làm chi”. Rứa rồi chú đi mãi mãi”, bà Trinh nhớ lại, trong ký ức vẫn lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất về cậu em trai chồng trẻ trung, tinh nghịch.

Ngôi nhà gỗ ba gian, nơi từng là nơi sum họp của cả gia đình.
Ngôi nhà gỗ ba gian, từng là nơi sum họp của cả gia đình.

Cho đến tháng 10/2013, Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ - Marin đã phát hiện nhóm 25 phần mộ liệt sĩ thuộc Trung đoàn 29 tại Nghĩa trang liệt sĩ đường 9, tỉnh Quảng Trị. Dựa trên những thông tin có được tại phần mộ cũng như khớp nối thông tin của Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Trung tâm Marin đã dựa vào những thông tin có được tại phần mộ, liên lạc với Bộ Tư lệnh Quân khu IV để tìm ra tên tuổi, quê quán của 25 liệt sĩ này, trong đó có anh Hoàng Văn Hiến, con trai của mẹ Đặng Thị Hài.

Sau bao nhiêu năm đằng đẵng đợi chờ, cuối cùng mẹ cũng được biết tin về một trong 2 người con hy sinh. Nhưng lúc này đây mẹ đã già yếu lắm rồi! Nghe tin mà nước mắt cạn khô không còn để khóc, vừa mừng, vừa tủi, vừa thương. “Ngày xưa, nó đòi đi bộ đội, nói với mẹ chờ con, bao giờ con về con nấu cơm cho mẹ ăn. Rứa mà dừ tìm được nó, thì mẹ không đi đón nó được”, mẹ Hài nghẹn ngào.

“Nhận được thông tin chính thức, cùng với sự trợ giúp của Trung tâm Marin, mấy anh em trong nhà họp bàn nhau lại, xin xác nhận giấy tờ rồi vào nghĩa trang đường 9, Quảng Trị. Sau khi tiến hành các xét nghiệm ADN, đã chứng minh phần mộ được tìm thấy đúng là mộ anh Hoàng Văn Hiến. Vậy là sau gần 50 năm gia đình chúng tôi đã tìm được phần mộ của một người anh, còn anh Vinh vẫn bặt vô âm tín. Sắp đến ngày 27/7, gia đình tôi lại vào Quảng Trị thắp hương cho anh. Chỉ thương mẹ, giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời mà cứ đau đáu còn 1 anh ở chiến trường”, ông Hoàng Văn Công - con trai út mẹ Hài cho biết.

Năm 2015, mẹ Đặng Thị Hài được Nhà nước công nhận là “Mẹ Việt Nam anh hùng” khi đã ở tuổi 104. Tuổi cao sức yếu, mẹ không thể ở một mình mà về ở với con trai út. Ngôi nhà gỗ cũ kỹ ngày xưa nơi mẹ ở, mẹ nuôi các con, nuôi bộ đội... giờ đây đóng cửa. Thỉnh thoảng mẹ lại nhờ các con, cháu chở về. Cạnh đó là nhà bà Trần Thị Trinh năm nay cũng đã hơn 80 tuổi. Hai mẹ con ngồi chia nhau miếng trầu giã dập, mỗi người nhớ về những ký ức xưa cũ.

Trong nhà, vẫn còn đó bức ảnh đen trắng với nét mặt trẻ trung, tươi tắn của các anh chẳng hề thay đổi. Nhưng ngoài bậu cửa, dấu thời gian đã in hằn trên gương mặt, dáng hình người mẹ, người vợ. Sau bao nhiêu năm, yêu thương, nỗi nhớ vẫn còn đau đáu, và khi các anh còn ai đó chưa về, thì nơi hiên nhà vẫn còn bóng người ngồi đợi, vẹn nguyên lời hứa hẹn trước lúc ra đi...

Quỳnh Lương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Vẹn nguyên lời hẹn 'đợi anh về'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO