Vị Đại sứ và lời dặn của chú Sáu Khải: “Mày phải dịch hết cả ý và cảm xúc của tao”

Ngô Kiên 17/03/2018 08:55

(Baonghean.vn) - Trân trọng giới thiệu chia sẻ của Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu với Báo Nghệ An về Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Phạm Sanh Châu là một nhà ngoại giao tên tuổi, từng là người phiên dịch gần gũi từ khi đồng chí Phan Văn Khải là Phó Thủ tướng cho đến khi làm Thủ tướng.

Phóng viên:Thưa ông Phạm Sanh Châu, là người gắn bó mật thiết với Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông có thể chia sẻ những cảm nhận của riêng mình về nhà lãnh đạo mà ông có nhiều cơ hội tháp tùng, phục vụ, gắn bó và có tác động lớn đến sự nghiệp hoạt động ngoại giao của ông?

Ông Phạm Sanh Châu: Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất cẩn thận trong công tác đối ngoại. Mỗi lần đi công tác nước ngoài hay tiếp khách quốc tế ông chuẩn bị nội dung phát biểu rất kỹ.

Thủ tướng Phan Văn Khải được biết đến là nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên tiếp xúc và thực hiện gặp gỡ với Tổng thống Mỹ. Trong ảnh, đại sứ Phạm Sanh Châu đứng sau Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh do đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp.
Thủ tướng Phan Văn Khải được biết đến là nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên tiếp xúc và gặp gỡ với Tổng thống Mỹ. Trong ảnh, đại sứ Phạm Sanh Châu đứng thứ 4 từ trái sang, sau Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh do đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp.

Ngay trước giờ gặp khách ông cũng ngồi lại vào bàn làm việc “ôn bài” lần cuối. Là phiên dịch của ông, tôi cũng chuẩn bị bài kỹ như ông đến mức tôi biết chắc chắn ông sẽ nói gì và ý của ông sẽ đi theo hướng nào nếu bị hỏi đột xuất. Tuy nhiên cách diễn đạt sẽ tùy thuộc nội dung, bối cảnh và đối tác nói chuyện.

Phóng viên:Ông có thể chia sẻ kỷ niệm mà ông ấn tượng sâu sắc, mạnh mẽ về khả năng quyết đoán, thể hiện tài năng và bản lĩnh người đứng đầu Chính phủ mà ông trực tiếp chứng kiến?

Ông Phạm Sanh Châu: Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức năm 1998 tại Hà Nội, Việt Nam có mục tiêu vừa đảm bảo hội nghị thành công về mặt tổ chức, lễ tân, hậu cần, vừa xây dựng được đồng thuận để thông qua Tuyên bố Hà Nội, xác định tầm nhìn cho cả Hiệp hội. Việt Nam cũng muốn đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa giấc mơ của các nhà lãnh đạo ASEAN là kết nạp đủ 10 nước thành viên khu vực Đông Nam Á, trước mắt là kết nạp Campuchia vào ASEAN tại Hội nghị lần này.

Theo ông Phạm Sanh Châu, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một chính khách Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên những nhà lãnh đạo kỹ trị của Việt Nam. Ông đã khôn ngoan chèo lái đưa con tàu kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn kinh tế sóng gió nhất của khu vực do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 tạo ra, duy trì bền vững đà tăng trưởng trung bình 7% năm của nền kinh tế Việt Nam trong suốt 9 năm ở cương vị Thủ tướng.

Tuy nhiên tình hình bất ổn chính trị ở Campuchia năm 1997 đã làm vài nước trong ASEAN tỏ hoài nghi dẫn đến không nhất trí kết nạp Campuchia.

Chú Sáu Khải lúc đó gọi tôi và dặn dò : “Mày phải dịch hết cả ý và cảm xúc của tao để cuối cùng họ phải chịu với đề xuất của mình”.

Cuộc thảo luận ở cấp Ngoại trưởng do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì kéo dài đến nửa đêm tại khách sạn Daewoo nhưng không đưa đến thống nhất về việc kết nạp Campuchia. Vấn đề được đẩy lên các nhà lãnh đạo cấp cao giải quyết.

Thủ tướng
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (ngồi giữa) và Việt kiều, du học sinh Việt Nam tại New Zealand năm 1999. Ông Phạm Sanh Châu đứng đầu tiên bên phải. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Phan Văn Khải 3 lần thuyết phục từng nhà lãnh đạo còn có ý kiến khác biệt. Đến lần thứ ba ông đấu tranh quyết liệt hơn và tỏ thái độ cương quyết mặc dù rất lịch sự. Tôi nhớ mãi đã phải dùng các ngôn từ rất sắc bén và cả ngọt ngào để lập luận sự cần thiết kết nạp 3 nước còn lại trong đó có Campuchia vào ASEAN vì lợi ích của từng nước và cả khu vực.

Đến khi các nước vẫn còn có ý kiến trái chiều Thủ tướng vẫn giữ giọng nghiêm nghị nhưng khuôn mặt chùng xuống, cặp lông mày rậm quắc lên. Tôi không thể hiện được biểu cảm này của ông nên đành đẩy âm lượng cao lên thể hiện sự không hài lòng thay ông.

"Thủ tướng Phan Văn Khải đi vào lịch sử là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tiếp xúc chính thức với tổng thống Hoa kỳ và mời ông đến Việt Nam. Năm năm sau Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam chính thức thăm Hoa kỳ".

Ông Phạm Sanh Châu chia sẻ trên facebook cá nhân.

Cuối cùng các bên đã đạt được phương án thỏa hiệp là tuyên bố kết nạp Campuchia ngay tại Hội nghị như mục tiêu đề ra ban đầu của ta nhưng lễ kết nạp sẽ được tổ chức nửa năm sau đó.

Mỗi khi nghĩ đến việc Campuchia gia nhập ASEAN tôi lại nghĩ đến nỗ lực “chiến đấu” hết mình của Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ vì Việt Nam, vì tình hữu nghị với Campuchia mà còn vì một nền hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và vì một cộng đồng 10 nước ASEAN thịnh vượng mà hơn 15 năm sau đó đã trở thành hiện thực.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ ông dành riêng cho Báo Nghệ An!

Đại sứ Phạm Sanh Châu trong một phiên họp của UNESCO
Đại sứ Phạm Sanh Châu trong một phiên họp của UNESCO. Ảnh tư liệu.

Tại kỳ bầu cử vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2017-2021, ông Phạm Sanh Châu là một trong bảy ứng viên lọt vào vòng bỏ phiếu cuối cùng. Cuộc bỏ phiếu kín của 58 quốc gia thành viên ngày 9/10/2017 tại Paris (Pháp) trong khuôn khổ Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 202, dưới sự chủ trì của Đại sứ Đức tại UNESCO Michael Worbs.

Ông Phạm Sanh Châu hiện là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983, từng giữ cương vị Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg... Năm 1999-2003, ông là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm làm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Paris, Pháp.

Vị Đại sứ và lời dặn của chú Sáu Khải: “Mày phải dịch hết cả ý và cảm xúc của tao”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO