Ví giặm xứ Nghệ - cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tác âm nhạc suốt đời của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
(Baonghean.vn) -
L.T.S: Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15/5/1936 tại làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vào hồi chín giờ bảy phút, ngày 11/02/2022 (tức ngày 7/1/2022 Âm lịch), ông đã giã biệt chúng ta trong khi tiếng ca mùa xuân vẫn đang rộn ràng trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Nhân dịp Kỷ niệm hai năm, ngày Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ rời cõi tạm, chúng tôi xin gửi tới quý bạn đọc bài viết “Ví giặm xứ Nghệ - cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tác âm nhạc suốt đời của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ” như một nén trầm tưởng nhớ ông trong không gian ngưng đọng trữ tình của mùa xuân đất trời như lời ca trong âm nhạc của ông.
1.1.
Vào tuổi thiếu niên, đam mê sáng tác âm nhạc trong con người nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã vượt trội so với các loại hình văn học nghệ thuật khác. Từ cái nôi ví giặm từ lòng mẹ, từ quê hương Nghệ An yêu dấu tới những ca khúc viết chập chững của buổi ban đầu, sáng tác âm nhạc đã thấm vào óc, vào máu ông, nuôi dưỡng tâm hồn vốn đa cảm, giàu nhân ái và bản lĩnh nơi ông. Dường như cái mạch nguồn trữ tình được tích tụ trong ông đã róc ra, róc rách len lỏi về suối sông để tìm về biển cả.
Ngay trong những sáng tác đầu đời của Nguyễn Tài Tuệ, âm hưởng trữ tình hết sức gần gũi với đời sống vang lên đã khiến cho mẹ ông dạt dào niềm vui sướng. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt tuổi bát thập đầy ký ức tuổi náo nức của Nguyễn Tài Tuệ hát bài Hò dân công đầy chất Nghệ, sáng tác khi mới tuổi mười lăm của ông cũng đủ thấy ngọn lửa đam mê ấy lấp lánh bền bỉ cháy mãi không ngưng nghỉ.
Ở Nguyễn Tài Tuệ có cái mặn mòi lắng đọng của âm nhạc dân gian trong những giai điệu trữ tình da diết, tránh mọi trào lưu có tính nhất thời. Ông luôn luôn tự nhận thức, tự sàng lọc, dấn thân vào cuộc mài ngọc âm thanh một cách cần mẫn, bỏ qua những cám dỗ mà đời thường khó có thể vượt qua.
Công chúng, khán, thính giả đáng kính, khi thưởng thức nhạc phẩm Xa khơi cứ việc thả hồn bay bổng phiêu diêu cùng với giai điệu và lời ca da diết trữ tình, nhưng rất ít người biết được sức chịu đựng của tác giả bài hát khi sáng tác thể loại âm nhạc này vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX. Và, trong mỗi nhạc phẩm của Nguyễn Tài Tuệ, chúng ta đều bị chinh phục bởi vẻ đẹp lãng mạn trữ tình sâu lắng của một trái tim nhân hậu, trong trẻo và tinh tế với tình người chân chính, vì phẩm giá con người, luôn tin tưởng vào sự tốt đẹp của cuộc sống.
Không ai hiểu rõ hơn Nguyễn Tài Tuệ cái cách ông đã chưng cất âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam và phát triển lên, để đem đến cho đời những tác phẩm mới. Những nhạc phẩm của Nguyễn Tài Tuệ với bước đi đầu tiên từ “ví”, “giặm” đã bay lên rất cao, đứng vào hàng kiệt tác của nhân loại, với chất trữ tình lãng mạn, sự tinh tế mang một vẻ đẹp rất riêng biệt mà vẫn bảng lảng hồn cốt dân tộc.
Nghe những ca khúc của Nguyễn Tài Tuệ, người ta cảm thấy như một ban mai với những tia nắng đầu tiên dịu dàng trong trẻo nhất, khi thì một tiếng sáo trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trong lành của vùng cao, lúc thì một cánh buồm mây đang ươm nơi cuối trời. Đặc biệt, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam trong âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ mang dáng của những xứ sở văn hóa: dáng hình thon thả của một thiếu nữ miền biển giong buồm ngoài khơi với giọng hò nhớ thương đầy khát vọng về một tương lai tốt đẹp; vẻ đẹp đầy nữ tính và mạnh mẽ rất đặc trưng của thiếu nữ Tây Nguyên với chiều sâu tâm hồn của con người cùng với tình yêu xứ sở cao nguyên đất đỏ bazan; những người con gái Thái, Tày, Giáy, Cao Lan, HMong, Nùng v.v.. miền núi phía Bắc xinh đẹp, yêu kiều như những cánh hoa ban; những cô gái Nam Bộ dịu dàng, đẹp như những bông sen, duyên dáng như những điệu hò mênh mang miền sông nước; và vẻ đẹp của người con gái Hà Nội một nghìn năm Thăng Long đẹp mãi v.v...
Từ Nguyễn Tài Tuệ tỏa ra trong tâm hồn ta cả một dòng sông, một khoảng trời mênh mang, một biển khơi rộng lớn chất trữ tình, lãng mạn vẻ đẹp phóng khoáng của tâm hồn đa sắc màu văn hóa Việt Nam được diễn đạt bằng âm nhạc. Lấp lánh trong dòng âm nhạc ấy là những vầng trăng đầy đặn như gương mặt của nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du, là bóng dáng yểu điệu của người đẹp trong Chinh phụ ngâm khúc cô đơn thấp thoáng nơi nương dâu ngút ngát, là người con gái Giáy vừa khỏa chân dưới con suối Mường Hum trong leo lẻo, vừa khơi gợi một câu hát dân ca trong chiều xuân v.v.. Những vẻ đẹp Việt Nam ấy trở thành những vẻ đẹp bất tử, đồng hành cùng dân tộc, đi ra thế giới và kết nối những nhịp cầu hữu nghị mang thông điệp hòa bình.
1.2.
Khi đã tin tưởng mình thực sự có năng khiếu về sáng tác âm nhạc và quyết tâm theo đuổi đam mê này đến cùng, ông không hình dung nổi bước đường mình đi sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức như thế nào. Nhưng ông bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, kiên trì con đường mình đã lựa chọn. Ông từng nói trước công chúng rằng, nếu có thể bắt đầu lại cuộc đời mình, ông vẫn hoàn toàn tự nguyện chọn con đường làm một nhạc sĩ sáng tác âm nhạc, đi theo con đường thừa kế và phát triển những giá trị âm nhạc dân gian Việt Nam. Ông vẫn chọn dòng âm nhạc trữ tình, lãng mạn, giàu cảm xúc, mang tính nhân văn sâu sắc, có giá trị bền vững cả về mặt âm nhạc và văn học để sáng tạo trong suốt cuộc hành trình đầy đam mê của mình. Chúng tôi đã rất xúc động nhớ lúc sinh thời được nghe ông đúc kết và tâm sự về nghề sáng tác âm nhạc của mình:
- Cha mẹ tôi muốn cho tôi trở thành một trí thức, một giáo sư ngành văn học. Do ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến, làm âm nhạc trong con mắt cha mẹ, họ hàng của tôi là một nghề “xướng ca vô loại”. Khi tôi dấn thân vào nghề nghiệp sáng tác âm nhạc, bản thân đã phải tự xác định tư tưởng cho mình và đứng đối diện với thực tại một cách có ý thức. Mặc dù nghề sáng tác âm nhạc đã được nhà nước công nhận, đã có Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có tổ chức, hợp pháp, hợp lệ trên mọi phương diện, nhưng vẫn còn một số định kiến. Những rào cản vô hình ấy chỉ được phá bỏ khi hàng loạt tác phẩm ra đời có tiếng vang và được công chúng ghi nhớ. Như vậy là tôi đã lao vào vòng hiểm nguy của một cuộc phiêu lưu tìm kiếm không định trước được kết quả. Một loại hình lao động sáng tạo khắc nghiệt với dạng nguyên liệu sáng tác trừu tượng, vô hình, vô ảnh. Đó là âm thanh.
Khi chúng tôi hỏi rằng, một nhạc sĩ tài năng như ông, sẵn trong mình niềm đam mê sáng tác lại tự trang bị cho mình một lý luận sáng tác vững như vậy thì liệu có còn khó khăn nào cản trở con đường đến thành công của ông nữa chăng, thì ông chậm rãi đáp:
- Bản thân tôi vấp phải khó khăn, đó là không tự đánh giá được mức độ, tầm cỡ mà mình có thể đạt được trong sự sáng tạo nên các tác phẩm âm nhạc có giá trị. Lúc đã viết xong được một số tác phẩm có giá trị, được công chúng ghi nhận rồi, tôi vẫn luôn luôn đặt câu hỏi về mức độ, về tài năng của mình. Do đó, các tác phẩm của tôi thường được viết rất chậm. Vừa sáng tác, vừa kiểm nghiệm trong thực tế để tự sàng lọc. Tôi nhận thấy sự thận trọng đối với nhạc sĩ sáng tác là rất cần thiết.
Đến hôm nay đã là kỷ niệm năm thứ hai, ngày ông rời cõi tạm, nhưng chúng tôi vẫn thấy hiện diện rất rõ ràng khuôn mặt nho nhã của ông với đôi mắt, ánh nhìn minh triết khi thì trầm tư mặc tưởng, lúc thì nghiêm nghị, lắm lúc lại đầy vẻ hài hước. Cái nhìn của ông như xuyên thấu mọi sự. Nhất là khi ông ngồi trước bản nhạc giấy đã ngả màu với cây đàn piano và ngọn bút, những ngón tay cử động như đang nhào nặn một cái gì từ không khí cùng với những tiết tấu âm thanh lạ lùng từ miệng ông phát ra, nghe rất rõ từng phụ âm. Neo chắc một câu nhạc, ông lại dùng ngọn bút đã được chọn lựa nét và màu mực rõ ràng, ký âm lại. Những nốt nhạc nhỏ nhắn, rắn rỏi, thanh lịch ấy có sức chứa bao nhiêu linh hồn trong đó? Không thể biết được. Trong âm thanh có nhiều linh hồn hơn là trong tư tưởng. Những bản nhạc luôn luôn là bản viết tay của Nguyễn Tài Tuệ với nét ký âm của riêng ông, ghi dấu âm thanh bùa chú từ miệng ông thổi niệm, đã đi vào kho tàng văn hóa của người Việt, vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, đọng lại mãi mãi.