Vi phạm trong mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất rừng (Kỳ 3): Đâu là nguyên nhân?

08/09/2016 10:23

(Baonghean) - Qua điều tra cho thấy, việc mua bán, chuyển nhượng “chui” và chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng rừng có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân từ sự đói nghèo và hạn chế nhận thức của một bộ phận người dân; trong khi cấp ủy, chính quyền cơ sở các cán bộ cơ quan liên quan một số nơi còn buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng..

Nghèo đói - kém hiểu biết

Với nhiều những hộ đồng bào miền núi, nguyên nhân khiến họ bán giấy chứng nhận QSD đất rừng thật đơn giản: vì nghèo! Nguyên Trưởng bản Kẻ Nính (xã Châu Hạnh, Quỳ Châu), ông Lê Văn Bình được giao 23 ha rừng tự nhiên, có vị trí sát địa bàn xã Châu Thuận năm 2003. Đến năm 2011, ông đã đem bán giấy chứng nhận QSD đất rừng cho ông Phan Bá Giang.

Ông Bình kể: "Khoảng độ năm 2010, vì cần tiền chữa bệnh cho con nên tôi phải "cắm" nhà cho ngân hàng. Đến kỳ trả nợ, do không có tiền nên đành phải bán đất rừng Nhà nước giao cho. Tính ra mỗi ha rừng giá 1,5 triệu đồng. Tôi đã bán 20/23 ha để lấy 30 triệu đồng...".

Khu vực đất rừng lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 248 xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn) bị người nhà ông Bí thư Đảng ủy xã san ủi đất làm móng nhà.
Khu vực đất rừng lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 248 xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn) bị người nhà ông Bí thư Đảng ủy xã san ủi đất làm móng nhà.

Với anh Hoàng Văn Toán thì kể, gia đình anh được cấp 2 giấy chứng nhận QSD đất rừng tự nhiên. Một giấy chứng nhận mang tên anh, giấy còn lại mang tên bố anh là ông Hoàng Văn Hùng. Năm 2011, do thiếu tiền mua ngói lợp nhà nên ông Hùng đã bán giấy chứng nhận mang tên ông cho Công ty CP Nghệ An Xanh. "Diện tích đất rừng khoảng hơn 3ha, số tiền được trả chỉ vừa đủ để mua ngói, khoảng 4 - 5 triệu đồng gì đó" - anh Toán nói.

Cũng ở Kẻ Nính, ông Vi Văn Thành là một trong những người còn lưu giữ được đầy đủ giấy tờ mua bán giấy chứng nhận QSD đất rừng. Ông Thành được cấp giấy chứng nhận QSD đất số 00374 ngày 24/9/2004, diện tích 37,2 ha đất rừng tại các lô 58, 160, 394, 391 thuộc địa bàn xã Châu Hạnh; mục đích sử dụng là Rtn.S.

Cũng vì khó khăn nên năm 2011, ông Thành bán cho ông Phan Bá Giang lô 58 có diện tích 19,7 ha với số tiền 13 triệu đồng. Giấy chứng nhận QSD đất rừng của ông Thành đã giao cho bên mua; ông được giữ bản phô tô. Vẻ mặt buồn rười rượi, ông Thành nói: “Cũng vì khó khăn nên mới phải bán thôi. Em tôi là Vi Văn Điệp cũng phải bán giấy chứng nhận QSD đất rừng với diện tích hơn 17 ha cho ông Giang đấy...".

Thực tế không chỉ ở Quỳ Châu, mà người dân đồng bào ở các huyện Quế Phong, Con Cuông… cũng đều lý giải nguyên nhân bán đất rừng là như vậy. Nhưng với nhiều cán bộ có trách nhiệm ở địa phương, ngoài nguyên nhân nghèo khó bởi người dân còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại các chính sách ưu đãi của Nhà nước; và nhất là sự thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu ý thức về quyền, lợi ích của bản thân với vùng rừng được giao.

“Người dân miền núi có cuộc sống gắn với rừng. Có rừng, nếu siêng năng, chỉ thu hái lâm sản phụ thì họ cũng đủ để đảm bảo cho cuộc sống. Vậy nhưng do thiếu hiểu biết nên cứ nghĩ giấy chứng nhận QSD đất để đó cũng chẳng làm gì, trong khi bán đi sẽ mua được một số vật dụng. Nào ngờ khi bán rồi thì quyền thu hái lâm sản phụ trong rừng được giao không còn. Đến chặt một cây nứa, cây lùng để đan cái rá, cái rổ chủ mới cũng bắt trả 10.000 - 20.000 đồng. Rất tội…” - ông Sầm Văn Thiết - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh lý giải.

Ông Lô Văn Thành (bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu) nói về cái sự khó khăn nên phải bán giấy chứng nhận QSD đất rừng.
Ông Lô Văn Thành (bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu) nói về cái sự khó khăn nên phải bán giấy chứng nhận QSD đất rừng.

Tìm hiểu ở nhiều địa phương, trong những vụ việc xâm hại rừng, đối tượng bị lực lượng chức năng xử lý cơ bản cũng là người dân, buộc chúng tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao? Và nguyên nhân cũng lại được nêu ra là vì người dân nghèo và thiếu hiểu biết! Vì nghèo và thiếu hiểu biết, thế nên không ít những hộ dân bán đất lâm nghiệp, đất rừng sau đó tiếp tục được các đối tượng “môi giới”, “đầu nậu” gạ gẫm rủ rê thuê, khoán để xâm hại rừng. Đó là tỉa, đốn hạ cây gỗ; xẻ phát tre nứa, lùng cho đến khi rừng chỉ còn cây leo, cây bụi… sau đó là đốt.

Cái giá để chặt cây rừng, xẻ phát, đốt rừng và trồng keo trên diện tích một ha mà như một vị Hạt trưởng Hạt kiểm lâm cho chúng tôi hay là, chỉ khoảng 9 triệu đồng (trong đó, mua cây keo giống hết 1,6 triệu đồng). “Dân nghèo, thiếu hiểu biết. Bán đất rừng được ít tiền thì “sắm” luôn mấy vật dụng trong nhà chứ đâu biết giữ vốn làm ăn sinh lãi. Thế nên khi hết tiền lại tiếp tục bị lôi kéo vào việc phá rừng. Họ không hề biết cái giá các đối tượng “đầu nậu” chi cho so với cái giá họ sẽ phải trả khi cơ quan chức năng phát hiện xử lý cho hành vi phá rừng là quá rẻ mạt…” - vị Hạt trưởng kiểm lâm nói.

Quản lý lỏng lẻo

Lại đặt ra câu hỏi tại sao các “đầu nậu” như Công ty CP Nghệ An Xanh của ông Phan Bá Giang biết được người dân các bản Kẻ Nính, Pà Cọ ở xã Châu Hạnh, kể cả ở tận Đồng Văn, Thông Thụ (Quế Phong) sẽ bán đất rừng để gom mua? Những người hiểu chuyện đều trả lời: họ có người tại địa bàn môi giới.

Như Phó bản Kẻ Nính, ông Mạc Văn Hóa đã nói: “Trước đây trong ban quản lý thôn bản có người là ông Lưu Văn Thiện đi làm môi giới cho ông Giang. Vì làm cán bộ thôn bản, ông ấy biết rõ hộ nào được cấp giấy chứng nhận QSD đất rừng nên thường đến dạm hỏi "có cần tiền không, bán bìa đi sẽ có người mua đấy”. Dân nghèo, gặp việc cần tiền đành đem bán hết. Tôi cũng phải bán giấy chứng nhận QSD đất rừng mang tên con trai là Mạc Văn Ân khi cháu bị bệnh...".

Những ngày bôn ba qua nhiều địa phương cơ sở, chúng tôi nhận thấy một thời gian rất dài đã qua, chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan lỏng lẻo trong công tác quản lý; bên cạnh đó, chưa đem hết tâm huyết thực hiện công cuộc xóa nghèo, nâng cao hiểu biết của người dân.

Về câu chuyện quản lý, có thể dẫn ra ví dụ ở vùng đất nóng Quỳ Châu. Thời điểm năm 2011, chính quyền huyện này đã biết về tình trạng mua bán, chuyển nhượng "chui" giấy chứng nhận QSD đất rừng; năm 2012, có Công văn số 162/UBND.TNMT yêu cầu chủ tịch các xã, thị trấn không được xác nhận cho việc chuyển nhượng QSD đất lâm nghiệp; giao cho Văn phòng ĐKQSD đất không thụ lý hồ sơ chuyển nhượng QSD đất lâm nghiệp của các hộ gia đình đã được cấp theo Nghị định 163.

Thế nhưng, các địa phương cơ sở vẫn thiếu kiểm soát nên để tình trạng mua bán, chuyển nhượng “chui” vẫn diễn ra; và đáng nói hơn, để những vùng rừng bị chuyển nhượng trái phép bị tác động xấu, thậm chí thay đổi hoàn toàn trạng thái rừng.

Thậm chí có những vị là cán bộ, đảng viên đã thiếu gương mẫu, không chấp hành pháp luật đã thực hiện hành vi xâm hại rừng. Ví như chuyện xảy ra ở xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn. Ngay tại thời điểm tháng 8/2016 này, gia đình ông Bí thư Đảng ủy xã tự ý chặt phá rừng được giao có trạng thái Ic thuộc lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 248 để tiến hành san ủi đất làm móng nhà.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn xác nhận thông tin vụ việc ở xã Nghĩa Lạc với phóng viên.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn xác nhận thông tin vụ việc ở xã Nghĩa Lạc với phóng viên.

Hoặc như tại vùng rừng phòng hộ Rú Cấm hồ Vực Mấu, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu), những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng có hành vi xâm hại đến rừng, tự ý trồng dứa, trồng keo cho đến khi lên xanh mới được phát hiện…

Công cuộc xóa nghèo, đưa chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân, nhất là ở vùng cao trong nhiều năm qua là việc làm thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan. Tuy nhiên, với những vấn đề liên quan đến rừng thì chưa được đảm bảo.

Một mục tiêu cốt lõi khi Nhà nước giao đất rừng cho dân là để họ có tư liệu sản xuất, tăng thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Đất rừng sản xuất trao cho dân về cơ bản có hai loại: đất có rừng khoanh nuôi bảo vệ; và đất rừng nghèo kiệt có thể thực hiện chuyển đổi, quy hoạch, thiết kế để trồng rừng hoặc các loại cây phù hợp. Vậy nhưng, đã có bao nhiêu địa phương có định hướng và giúp cho người dân làm kinh tế từ rừng Nhà nước giao khoanh nuôi bảo vệ? Đã có địa phương nào giúp dân lập hồ sơ quy hoạch, thiết kế để cấp thẩm quyền xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đúng theo quy định của pháp luật?...

Về nội dung này, một cán bộ có trách nhiệm đã đắng đót thốt lên với chúng tôi rằng, nếu là các tổ chức có tiềm lực, việc thực hiện lập hồ sơ quy hoạch, thiết kế chuyển đổi đất lâm nghiệp đã khó; còn với người dân, dù là được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSD đất rừng nhưng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn khó hơn cả… lên trời. Thế nên ở địa phương của ông thời gian tới, sẽ nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị tư vấn giúp dân trong việc thiết lập hồ sơ, quy hoạch, thiết kế… chuyển đổi mục đích sử dụng, qua đó, người dân có cơ hội sử dụng hiệu quả đất rừng!.

Nhật Lân

(còn nữa)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Vi phạm trong mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất rừng (Kỳ 3): Đâu là nguyên nhân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO