Vì sao bán độ vẫn còn ‘đất diễn’?
(Baonghean.vn) - Những tưởng “án” bán độ trong bóng đá, cụ thể là V-League đã là câu chuyện của quá khứ, đã trở thành bài học đắt giá cho những người làm bóng đá, nhất là giới cầu thủ… nhưng vụ việc mới đây ở V-League 2 - 2023/2024, cụ thể là đội Bà Rịa - Vũng Tàu đang chứng minh điều ngược lại.
Rằng, câu chuyện đau lòng về bán độ của bóng đá Việt Nam vẫn tiếp diễn, chỉ là hình thức tinh vi và táo tợn, bất chấp hơn mà thôi.
Nhiều người còn nhớ vụ án bán độ gây rúng động đầu tiên năm 1997 bị phát giác liên quan đến đội bóng Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đó là vụ việc ở SEA Games năm 2005 liên quan đến các ngôi sao của U23 Việt Nam, vụ trọng tài dàn xếp các trận đấu năm 2004, vụ “làm độ” tại AFC Cup năm 2014 liên quan đến một loạt cầu thủ Vissai Ninh Bình, vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ cũng năm 2014. Và mới đây là vụ việc ở đội Bà Rịa-Vũng Tàu liên quan tới 5 cầu thủ hiện đang bị cơ quan điều tra khởi tố, cơ quan chủ quản chấm dứt hợp đồng thi đấu và sẽ bị xét xử theo luật định trong thời gian tới.
Điều đáng nói là những yếu kém, tồn tại không đáng có của V-League vừa để lại những “vết nhơ” ở ASIAN Cup mới đây, đang được đem ra mổ xẻ và chắc chắn sẽ được đấu tranh, ngăn chặn với những biện pháp hiệu quả nhất. Rất có thể, vụ việc ở Bà Rịa-Vũng Tàu là “giọt nước tràn ly” để cơ quan chức năng vào cuộc mau chóng xử lý những cá nhân liên quan, răn đe, cắt bỏ những mầm mống phạm tội, đưa bóng đá nước nhà đi lên đúng hướng.
Hơn nữa, không còn cách nào khác, chất lượng từng trận đấu và cả giải đấu V-League phải được nâng lên theo yêu cầu nâng tầm hiện nay với rất nhiều công việc liên quan, cả trước mắt cũng như lâu dài, không chỉ cầu thủ mà cả trọng tài, ban tổ chức, truyền thông… Ông Philippe Troussier từng nói các tuyển thủ Việt Nam thường chỉ chơi tốt trong vòng 70 phút của các trận đấu đỉnh cao, là xuất phát từ thói quen xấu của V-League như chậm đưa bóng vào cuộc mà không bị xử lý triệt để, tình trạng nằm sân vô tội vạ, câu giờ diễn ra thường xuyên mà không bị lên án hoặc xử lý. Các hành vi phạm lỗi thô bạo, ác ý của cầu thủ không được trọng tài xử lý nghiêm và không thiếu hiện tượng vua áo đen “bẻ còi” chấp nhận án kỷ luật một thời gian rồi lại tìm cách “diễn” tiếp trên sân cỏ. Việc sử dụng VAR chưa tốt và chưa đầy đủ trong cả giải đấu khiến cho các sai sót cũ vẫn có đất tồn tại...
Và không thể không nhắc tới câu chuyện “nhường nhịn” nhau, “liên minh” với nhau, “cứu bồ” lẫn nhau trong thời gian qua vẫn là căn bệnh trầm kha, khó chữa của V-League. Câu nói của một huấn luyện viên “như chiếc ghế 4 chân, cầu thủ nắm 3 chân” vẫn ám ảnh trong mọi lúc mọi nơi. Và việc các ông thầy nhanh chóng mất việc, như ông thầy Hàn Quốc Gong Oh-kyun mới đây không là chuyện lạ. Đáng tiếc và đáng nói là người ta vẫn thản nhiên trước thực trạng “cầu thủ nắm 3 chân” khiến bóng đá vẫn cứ đi thụt lùi thảm hại như từng biết.
Tất nhiên, nói “con sâu làm rầu nồi canh” với những vụ án rung động cũ và mới nói trên cũng không sai, bởi bóng đá Việt Nam đang tìm cách và biết cách đi trên một con đường tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, biết cách làm lại hiệu quả hơn. Và vẫn theo truyền thống “không đánh người chạy lại”, vẫn dành đất sống cho những ai băn khoăn, hối cải, để tiếp tục công việc và sự nghiệp. Ở V-League, đã và đang có mặt những nhân vật liên quan đến các vụ việc năm xưa ở các cương vị huấn luyện viên, trợ lý và họ đang được xã hội, giới chuyên môn cũng như người hâm mộ tôn trọng, nâng bước. Ở Đội tuyển Việt Nam hiện tại có cầu thủ trẻ được trọng dụng, nhờ những chuyển biến tích cực về mọi mặt sau thời kỳ sai lầm đáng tiếc.
Nhưng không thể xem nhẹ bất cứ một việc lớn nhỏ nào trong cuộc sống, trong bóng đá, nếu thực sự muốn vươn ra biển lớn, muốn tiệm cận trình độ châu lục trong thời gian sớm nhất. Và không chỉ giới làm bóng đá, các nhà quản lý, chuyên môn, cầu thủ… vào cuộc tích cực và triệt để, mà cả xã hội phải đồng lòng, tiếp sức mới hy vọng thành công từng bước. Thu nhập thấp có thể khiến một vài ba cầu thủ nào đó có những toan tính mờ ám, có thể họ bị kẻ xấu lôi kéo như thường thấy, khi nhìn ra đội khác, người khác “rủng rỉnh” xe pháo, vợ đẹp con ngoan… Ai đó nói bán độ vẫn còn “đất diễn” là có ý đó chăng? Vậy nên gốc của vấn đề vẫn là việc đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần để họ yên tâm phấn đấu và cống hiến; vẫn là cách hành xử đúng đắn và chuyên nghiệp trong từng trận đấu, giải đấu để tạo ra sự khách quan, công bằng trong tổng thể chung; vẫn là sự ủng hộ, lên tiếng kịp thời của truyền thông và sự cổ vũ, động viên của đông đảo khán giả mua vé vào sân mà không để tình trạng đội bóng là của “ông chủ” giàu có muốn làm gì thì làm như đã và đang thấy…
Trong khi khoảng cách châu lục chưa được thu hẹp lại, các đối thủ trong khu vực lại đang tiến bộ không ngừng, bóng đá Việt vẫn đang loay hoay với những vụ việc đáng buồn và… xưa như trái đất. Dư luận vì vậy mong ngóng những bước đi kiên quyết, triệt để của cơ quan chức năng, của cơ quan chuyên môn, của từng người có trách nhiệm, của từng cầu thủ... để xóa bỏ tận gốc mọi hành vi phạm tội, mọi tệ nạn, mọi hành vi cản trở… để đưa V-League và cả nền bóng đá đi đúng hướng và đến đúng nơi cần đến. Và tất yếu, những ai, những gì không xứng đáng sẽ phải bỏ lại phía sau không thương tiếc, không còn cách nào khác./.