Vì sao biển số xe đẹp không được bán lại sau khi trúng đấu giá?
"Tôi đã mất tiền đấu giá mua biển số thì đương nhiên đó là tài sản cá nhân. Tôi phải có quyền định đoạt", một người dân nêu quan điểm.
Bộ Công an đang xây dựng “Đề án cấp biển số xe ôtô thông qua đấu giá”, theo đó cho phép người dân được mua biển số đẹp hoặc biển số theo yêu cầu của cá nhân song không được chuyển nhượng.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, người dân hoàn toàn có quyền đăng ký biển số mà mình muốn, kể cả theo ngày tháng năm sinh. Cơ quan quản lý sẽ xem xét và công khai biển số này vào danh sách đấu giá.“Người dân có quyền đăng ký biển số mà mình muốn, kể cả theo ngày tháng năm sinh“
Nhiều người đồng tình với đề án, cho rằng với việc đấu giá công khai, trực tuyến sẽ đảm bảo tính minh bạch và tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn nếu không được chuyển nhượng sẽ hạn chế quyền của người sở hữu.
"Tôi đã mất tiền đấu giá mua biển số thì đương nhiên đó phải là tài sản cá nhân. Tôi phải có quyền định đoạt, được phép giữ biển số hoặc chuyển nhượng, còn nếu không chắc sẽ phải cân nhắc khi bỏ ra số tiền không nhỏ", anh Trần Văn Tuấn (ở Hoàng Mai, Hà Nội) nêu quan điểm.
Biển số xe có năm số trùng nhau, đứng vị trí số một trong những loại biển đẹp tại Việt Nam. |
Ngày 1/3, lý giải về việc "không được chuyển nhượng", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay, chức năng của biển số xe là giúp cơ quan nhà nước quản lý về an ninh trật tự và quản lý phương tiện. Vì thế, nó không phải là tài sản thông thường để người sở hữu được quyền mang bán. Người dân chỉ được sở hữu tạm thời.
"Chúng ta nên hiểu đây là biển số gắn theo xe chứ không phải gắn theo người. Không có chuyện bạn mua biển số mang về cất đi. Biển số đẹp chỉ được cung cấp khi bạn đăng ký xe hoặc làm thủ tục thay đổi sang biển mới. Xe "đi đâu" thì biển số phải theo đó", vị này nói và cho hay Đề án khi xây dựng đã dựa trên Luật Giao thông, Luật Quản lý tài sản công và Luật Đấu giá.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng với những quy định được ra, người dân "chấp nhận cuộc chơi" thì tham gia đấu giá, tham gia mua biển. Còn không, người dân vẫn nhận biển với các số ngẫu nhiên theo quy trình hiện hành.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay theo các căn cứ pháp lý hiện nay, nếu xe hết thời hạn lưu hành hoặc vì lý do gì đó không còn tồn tại, biển số đương nhiên bị chấm dứt, bị xóa. Xe được chuyển nhượng thì biển số đó cũng "đi theo". Với biển đẹp khi trúng đấu giá cũng vậy.
"Khi biển số xe được coi là tài sản thì mới gắn liền với quyền tài sản, quyền sở hữu. Tuy nhiên với các quy định hiện hành, biển số bắt buộc gắn liền với xe. Việc chuyển nhượng biển số vì thế không thể thực hiện, quyền của người trúng đấu giá rất hạn chế", ông Đức nói và cho hay nếu việc chuyển nhượng biển số được thực hiện thì phải điều chỉnh rất nhiều quy định pháp luật, mà trước hết Bộ luật Dân sự với quy định về quyền sở hữu tài sản.
Việc đấu giá biển số xe được Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đề xuất từ năm 1993, thời điểm đó một số địa phương đã tổ chức. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng yêu cầu dừng triển khai. Với Đề án lần này, Bộ Công an chia biển số thành 5 nhóm để đưa ra đấu giá: có 5 số giống nhau; 4 số cuối giống nhau; 3 số giống nhau; số sau lớn hơn số trước và nhóm thứ năm gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên. |