Kinh tế

Vì sao các hợp tác xã khó tiếp cận vốn tín dụng?

Thu Huyền 18/02/2025 15:53

Vốn để mở rộng, phát triển sản xuất, đầu tư trang thiết bị, máy móc,... luôn là bài toán khó của khu vực kinh tế tập thể. Vì những khó khăn khách quan, chủ quan, rất ít hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.

Hợp tác xã thiếu vốn

Năm 2025, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã mới, hoạt động đa ngành, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn.

Những ngày đầu, hợp tác xã chỉ có 58 thành viên, gặp không ít khó khăn. Với sự nỗ lực, năng động, đến nay, hợp tác xã đã phát triển khá mạnh. Để phục vụ tốt cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư mua sắm máy móc phục vụ bà con, như máy bắc mạ khay, máy cày, máy gặt, máy cấy, khay bắc mạ. Trong sản xuất lúa cũng như chăn nuôi, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành đều thực hiện theo chuỗi liên kết, từ sản xuất đến thu hoạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Cùng với đó, hợp tác xã thực hiện tốt lĩnh vực môi trường, thu gom, xử lý rác thải; hoạt động tín dụng nội bộ...

HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành cung ứng phân bón cho nông dân
HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành cung ứng phân bón cho nông dân. Ảnh: TH

Ông Hồ Sĩ Quảng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành cho biết: Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước rất quan tâm kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã. Tuy nhiên, từ ngày thành lập đến nay không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã chúng tôi cần nguồn vốn khá lớn, nhưng không có tài sản thế chấp. Bìa đất của Hợp tác xã có 600m2 đất ở vị trí đắc địa của xã với giá hàng chục tỷ đồng, nhưng không thế chấp vay vốn được bởi đó là bìa tập thể. Và theo quy định không được vay vốn lưu động phục vụ sản xuất theo mùa vụ; chỉ được vay vốn đầu tư máy móc, nguyên liệu nhưng phải có hóa đơn mua hàng, khi hoàn tất được các thủ tục này để vay vốn thì mất cơ hội đầu tư của Hợp tác xã.

Ông Hồ Sĩ Quảng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành kiểm tra thử nghiệm mạ khay.
Ông Hồ Sĩ Quảng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành kiểm tra thử nghiệm mạ khay. Ảnh: TH

“Chúng tôi chia sẻ với những quy định của ngân hàng, những lo lắng của cán bộ tín dụng nhưng cần có giải pháp tạo điều kiện để những hợp tác xã như chúng tôi được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh”, ông Quảng chia sẻ.

Tương tự, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và môi trường thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên) một thời nổi tiếng với dịch vụ mạ khay, nay quy mô các dịch vụ đều bị thu hẹp, hoạt động gặp nhiều khó khăn, và một trong nhiều nguyên nhân là thiếu vốn. Ông Nguyễn Quốc Huệ - Giám đốc Hợp tác xã này cho biết: Hầu hết các hợp tác xã không tiếp cận được vốn vay ngân hàng bởi không có tài sản thế chấp, nếu có bìa thì cũng là bìa tập thể không vay được. Kể cả trước đây vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Nghệ An thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng rất vướng mắc. Các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn nhưng gặp khó khăn về tài sản thế chấp, một số trường hợp chưa có phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng hoặc chưa thuyết phục về tính khả thi, hiệu quả.

Cấy lúa bằng mạ khay trên máy không người lái của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Văn Thành (Yên Thành). Ảnh- Xuân Hoàng
Cấy lúa bằng mạ khay trên máy không người lái của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Văn Thành (Yên Thành). Ảnh: Xuân Hoàng

"Để có vốn duy trì hoạt động, tôi đã phải dùng bìa cá nhân của gia đình để vay vốn cho hợp tác xã. Đây là vòng luẩn quẩn, là thực trạng chung của nhiều hợp tác xã hiện nay. Khi triển khai các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu, thực hiện theo hướng thủ tục đơn giản, thuận tiện để chính sách đi vào thực tiễn, hợp tác xã có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận các gói vay ưu đãi lãi suất", ông Huệ nói.

Cần rà soát, tháo gỡ khó khăn

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2023, nhận thức về quan điểm, bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng rõ và đồng bộ hơn trong cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân. Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể từng bước được đổi mới, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã dần được kiện toàn, chuyên nghiệp hơn.

Năm 2024, Nghệ An phát triển thêm 30 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã đang hoạt động trên toàn tỉnh lên 888/925 hợp tác xã. Trong đó, 545 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (chiếm 61,4% trên tổng số hợp tác xã đang hoạt động). Tuy nhiên, rất ít hợp tác xã đủ điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, chỉ có 46 hợp tác xã đã và đang vay vốn ngân hàng, trong đó có 39 hợp tác xã còn dư nợ với tổng dư nợ là hơn 124 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm 2025 là hơn 121,7 tỷ đồng, nợ xấu 2,320 tỷ đồng...

HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nghi Trung (Nghi Lộc) vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng nho VietGAP. Ảnh- Thu Huyền
HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nghi Trung (Nghi Lộc) vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng nho VietGAP. Ảnh: TH

Việc tiếp cận các chính sách tín dụng của hợp tác xã còn chậm, gặp nhiều khó khăn do các hợp tác xã không có tài sản bảo đảm, chưa mạnh dạn xây dựng phương án mở rộng sản xuất. Nhiều hợp tác xã thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu, trình độ cán bộ còn hạn chế. Trong khi đó, dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hợp tác xã. Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của hợp tác xã còn nhiều hạn chế. Có tình trạng sử dụng vốn vay không hiệu quả, sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước...

Bên cạnh đó, hạn mức tín dụng của các chính sách cho vay còn thấp, chủ yếu dựa vào giá trị tài sản thế chấp mà chưa xem xét tính khả thi phương án vay vốn và chưa có cơ chế cho hợp tác xã được vay vốn lưu động phục vụ sản xuất theo mùa vụ.

Nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của hợp tác xã là rất lớn. Ảnh- Thu Huyền
Nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã là rất lớn. Ảnh: TH

Trước những bất cập trong hoạt động cho vay đòi hỏi các giải pháp tăng cường tín dụng đối với loại hình kinh tế tập thể. Trong báo cáo về tình hình tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, ông Đoàn Mạnh Hà - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho rằng, cần rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khu vực kinh tế tập thể. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm ăn có hiệu quả, hợp tác xã tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao. Thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của hợp tác xã để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn, cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể.

Để có thể tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, về phía các hợp tác xã cần khắc phục các hạn chế như quy mô, sức cạnh tranh, khả năng quản trị; chú trọng nâng cao trình độ quản lý; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khoa học, phù hợp với thực tiễn; cân đối nguồn vốn, tùy theo năng lực tài chính của hợp tác xã để quyết định đầu tư; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn lực. Đặc biệt, trong quá trình kinh doanh, các hợp tác xã cần có ý thức tích lũy tài sản để có điều kiện tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Mới nhất

x
Vì sao các hợp tác xã khó tiếp cận vốn tín dụng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO