Vì sao doanh nghiệp gỗ chưa mặn mà đầu tư vào Nghệ An?

Việt Phương 25/03/2019 12:26

(Baonghean.vn) - Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thẳng thắn nêu vấn đề như vậy tại Hội thảo Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An diễn ra sáng 25/3.

Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư?

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên toàn tỉnh lớn nhất nước (hơn cả Thanh Hóa, Lai Châu, Đắk Lắk) và cũng là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất nước (có 1.060.242 ha, chiếm 71,6% diện tích tự nhiên toàn tỉnh).

Đã có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ; 98 doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ và 10.410 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Một câu hỏi lớn đặt ra là: Vì sao Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất nước, nhưng đến nay chỉ có 143 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; trong khi cả nước là 4.500 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này (số doanh nghiệp ở Nghệ An chỉ bằng 3,2% tổng số doanh nghiệp cả nước).

“Rõ ràng còn có những vướng mắc gì đó mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn chưa mặn mà với Nghệ An?” - ông Hùng nêu vấn đề.

Ông Hồ Xuân Hùng ảnh Việt Phương
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, số doanh nghiệp lĩnh vực gỗ ở Nghệ An chỉ bằng 3,2% tổng số doanh nghiệp cả nước. Ảnh: Việt Phương

Theo Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, khó khăn lớn nhất để khai thác thế mạnh lâm sản ở Nghệ An là hệ thống giao thông đi đến các vùng của miền núi cao và cả núi thấp để phát triển và khai thác rừng, đất rừng.

Đặc biệt hệ thống khe, suối, thác nước với 117 khe thác nước lớn nhỏ; bên cạnh lợi thế có độ ẩm cao, nhiều nước cho phục vụ sản xuất và dân sinh thì cũng là khó khăn lớn cho phát triển giao thông và đường vận xuất khi khai thác.

Trữ lượng lâm sản thấp, rừng nghèo kiệt từ lâu, một số ít có trữ lượng cao phân bố ở vùng sâu, vùng xa. Rừng sản xuất có diện tích lớn nhưng phân bố manh mún, quy mô diện tích hộ gia đình quá nhỏ từ 1 - 2 ha/hộ.

Chưa có doanh nghiệp lớn tạo ra đột phá từ trồng đến khai thác chế biến, tính các loại lâm sản nói chung nhất là chưa tạo được liên kết chuỗi, chưa phối hợp với nhau giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với HTX - với hộ dân… Sản phẩm từ gỗ chủ yếu là bán sản phẩm trong gần 140 triệu USD xuất khẩu lâm sản từ ván dăm chiếm gần 92,4 % (năm 2018) nên giá trị gia tăng thấp.

Lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp thảo luận bên lề hội thảo về chế biến gỗ sáng 25/3. ẢNh Việt Phương
Lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp thảo luận bên lề hội thảo về chế biến gỗ sáng 25/3. Ảnh: Việt Phương

"Nghệ An thiếu đội ngũ lao động tay nghề cao, nhất là trong chế tác sản phẩm từ gỗ, mây tre. Là tỉnh có nhiều gỗ nhất nước, nhưng đội ngũ lao động tay nghề cao thua hẳn các tỉnh không có rừng hoặc rất ít rừng như: Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… Thiếu tư duy phát triển kinh tế rừng một cách tổng hợp, đang nặng về tư duy bảo vệ, trồng và khai thác (chủ yếu là gỗ) từ tỉnh đến doanh nghiệp - đến dân" - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam thẳng thắn nói.

Ngoài ra, còn nhiều chính sách và thực hiện chính sách từ Trung ương đến địa phương chưa phù hợp, không sát thực tế nhất là trong giao đất, giao rừng, bảo vệ và phát triển rừng ngay cả phân định rõ trong bảo vệ và sử dụng theo phân loại 3 loại rừng cũng là trở lực lớn cho phát triển kinh tế rừng ở Nghệ An trong nhiều năm qua.

Chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị

Nghệ An đang cùng với cả nước thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế; trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy tỷ trọng của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hiện nay chỉ chiếm 20,5% tỷ trọng trong nền kinh tế tỉnh nhà và lâm nghiệp chỉ chiếm 9,56% tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản nhưng về lâu dài nông - lâm - ngư nghiệp của Nghệ An vẫn giữ vai trò rất quan trọng, là 1 trong 3 mũi nhọn cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, với những lợi thế và tồn tại nêu trên được nhìn nhận đúng thì Nghệ An cần có phát triển chế biến lâm sản là một ngành kinh tế quan trọng trên cơ sở tư duy phát triển kinh tế rừng toàn diện, tổng hợp. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị từ bảo vệ, khoanh nuôi, nuôi trồng, khai thác, chế biến tinh, hướng tới thị trường nội địa và xuất khẩu.

kiểm tra trồng rừng ở Nghệ An. Ảnh tư liệu
Lãnh đạo Trung ương, sở NN&PTNT kiểm tra trồng rừng ở Nghệ An. Ảnh tư liệu

Để phát triển ngành chế biến bền vững dựa trên lợi thế của tỉnh nhà phải tập trung vào bảo vệ nuôi trồng rừng, cây trên đất rừng và dưới tán rừng nhưng phải theo hướng lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm trọng.

Về độ che phủ: Đây là chỉ tiêu “cứng” trong tất cả các kế hoạch phát triển kinh tế nông - lâm - ngư từ Chính phủ đến các địa phương. Nhưng không thể cứ năm sau phải cao hơn năm trước.

Nghệ An cần làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để chốt con số độ che phủ rừng, chí ít là đến năm 2030 để có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển và tái cơ cấu ngành nông - công nghiệp. Vì cứ tăng 1% độ che phủ là giảm đi 16.000 ha đất có khả năng nuôi trồng cây, con khác hiệu quả hơn. Có lẽ con số Sở Nông nghiệp đưa ra là 60% độ che phủ là phù hợp, không nên chạy đua với tăng cao chỉ số này.

Để phát triển nguồn nguyên liệu và phát triển rừng cần tập trung chính sách đầu tư vào khâu giống: Phải thay đổi tư duy truyền thống trong nông nghiệp là “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” sang nhất giống...

Không nên mỗi huyện phải có 1 nhà máy chế biến gỗ

Tại hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng cho biết: Qua làm việc với 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và 3 công ty đều phản ánh tình trạng bán rừng non. Một thực trạng diện tích do dân trồng có tới 80% diện tích chặt bán non chủ yếu để băm dăm. Tình trạng này vừa giảm thu nhập/ha cho người trồng rừng, vừa giảm giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ.

Nguyên nhân chủ yếu do dân nghèo không đủ vốn kéo dài thời gian sinh trưởng gỗ đến thời kỳ năng suất cao nhất. Mặt khác, chúng ta chưa quản lý được việc các đơn vị kinh doanh gỗ dăm trong, ngoài tỉnh thu mua gỗ non phục vụ cho mục tiêu, lợi ích cục bộ doanh nghiệp.

Cơ sở chế biến gỗ mỹ nghệ tại CCN thị trấn Yên Thành. Ảnh: Việt Phương
Cơ sở chế biến gỗ mỹ nghệ tại CCN thị trấn Yên Thành. Ảnh: Việt Phương

Vì thế, cần tăng cường quản lý chặt chẽ việc các doanh nghiệp tranh mua gỗ rừng non. Nếu cứ còn tình trạng mỗi huyện có từ 6 - 8 máy băm dăm đặt tại các cửa rừng tại các huyện như hiện nay thì khó có thể có tỷ lệ tăng gỗ lớn để làm đồ gỗ cao cấp giá trị cao.

"Không thể cứ mỗi huyện hoặc cụm huyện miền núi phải có một nhà máy chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, mà cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ. Ổn định công suất đối với các nhà máy chế biến dăm gỗ; chế biến giấy và bột giấy; chế biến than củi sạch. Kiên quyết không cấp mới giấy phép cho các nhà đầu tư những loại sản phẩm này.

Một thực tế ở nước ta những cơ sở lớn chế biến gỗ không nằm gần vùng nguyên liệu, mà thường gần trung tâm tiêu thụ hoặc bến cảng, thuận lợi các trục giao thông..." - ông Hồ Xuân Hùng đề xuất ý kiến.

Mới nhất
x
Vì sao doanh nghiệp gỗ chưa mặn mà đầu tư vào Nghệ An?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO