Vì sao Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu phải gia hạn chặn dòng?

Văn Trường - 03/04/2024 11:07
(Baonghean.vn) - Theo kế hoạch, Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai) sẽ hợp long, chặn dòng từ ngày 30/3/2024, tuy nhiên, do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên dự án này tiếp tục được cho phép gia hạn chặn dòng từ ngày 10/4/2024.
Clip: Văn Trường

Chậm kế hoạch chặn dòng

Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 1, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Mục đích cấp nước tưới cho 1.524 ha đất canh tác, bao gồm cả lúa và cây công nghiệp; đồng thời, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 11.700 người dân quanh vùng, bổ sung nguồn nước cho hồ Vực Mấu với trữ lượng 13,4 triệu m3/năm và tham gia cắt giảm lũ trên sông Hoàng Mai.

Dự án này được phê duyệt vào tháng 6/2009, khởi công năm 2010, với tổng mức đầu tư hơn 227,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dự án bị chậm tiến độ và phải tạm dừng thi công vào năm 2017.

bna_van truong mmnf.JPG
Vùng lòng hồ Khe Lại người dân vẫn tận dụng để trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Ảnh: Văn Trường

Để tiếp tục xây dựng dự án này, ngày 29/10/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 4228 về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư dự án 627 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 373 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2024.

UBND huyện Quỳnh Lưu được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm phần bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngay từ đầu năm 2022, huyện Quỳnh Lưu đã thành lập Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng; Tập trung giải phóng trên 200 ha đất vùng lòng hồ Khe Lại, chủ yếu ở xã Tân Thắng, bao gồm đất rừng, đất nông nghiệp, đất thổ cư.

bna_van truong 1.JPG
Tràn xả lũ phần cơ khí hồ Khe Lại đã hoàn thành. Ảnh: Văn Trường

Tính từ ngày 15/12/2022 đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thiện công tác trích đo, phê duyệt giá đất phục vụ giải phóng mặt bằng dự án. Hoàn thành công tác kiểm kê, kiểm đếm ngoài thực địa 829 thửa đất/829 thửa đất bị ảnh hưởng, đạt tỷ lệ 100%, áp giá được 758 thửa đất/829 thửa đất, đạt tỷ lệ 91,44%.

Đã ban hành 19 quyết định thu hồi đất với diện tích 149,23 ha, trong đó: 2,48 ha đất ở và đất vườn, 128,75 ha đất sản xuất nông nghiệp, 18 ha đất rừng sản xuất. Đã ban hành 20 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với số tiền 188,353 tỷ đồng. Hiện tại, đã chi trả 172,211 tỷ đồng.

Hiện huyện Quỳnh Lưu đang hoàn thiện hồ sơ để công khai đền bù giải phóng mặt bằng với diện tích 23,24 ha/58 thửa đất/16 hộ dân, với số tiền 21,982 tỷ đồng.

Về phía đơn vị thi công, hiện đang đắp đập chính đến cao trình 45 và đắp đất gia cố hoàn thiện mái thượng và hạ lưu, tràn xả lũ phần cơ khí đã thi công hoàn thành, khối lượng đất đắp trên 300.000 m3, đạt trên 60% khối lượng.

Theo kế hoạch, Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai) sẽ hợp long, chặn dòng từ ngày30/3/2024, tuy nhiên, do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên chưa đủ điều kiện để hợp long, chặn dòng, do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiếp tục cho gia hạn chặn dòng đến ngày 10/4/2024.

bna_van truong 2.JPG
Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu tại xã Tân Thắng đang còn vướng giải phóng mặt bằng đất rừng. Ảnh: Văn Trường

Tập trung tháo gỡ khó khăn, xác định nguồn gốc đất

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu cho biết: Ngay sau khi nhận nhiệm vụ phần bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND huyện Quỳnh Lưu đã tích cực vào cuộc, tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Hồ Khe Lại - Vực Mấu vẫn đang còn gặp không ít khó khăn.

Dự án hiện đang còn 215,82 ha/137 hộ dân và 74,8 ha đất rừng chưa thu hồi, trong đó, có 32,11 ha là rừng tự nhiên nên thủ tục chuyển mục đích rừng phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. UBND tỉnh Nghệ An đã gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn văn bản giải trình. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

bna_van truong 5.JPG
Đập chính thi công đến cao trình 45 và đắp đất gia cố hoàn thiện mái thượng và hạ lưu. Ảnh: Văn Trường

Vùng lòng hồ đang còn 7 hộ dân đang khiếu nại về việc được đền bù từ đất nông nghiệp sang đất ở. Huyện đã thành lập đoàn, xác minh nội dung khiếu nại công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đối với 7 hộ dân khiếu kiện nói trên.

Tại khu vực thực hiện dự án, năm 2003, UBND tỉnh có ban hành Quyết định 1805 cho phép chuyển mục đích đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay bản đồ chuyển đổi đã thất lạc, khó khăn cho việc xác định loại đất, quá trình sử dụng đất.

bna_van truong 45.jpeg
Cán bộ Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Quỳnh Lưu đến nhà 1 hộ dân vùng lòng hồ Khe Lại vận động, tuyên truyền di dời. Ảnh: Văn Trường

Công tác xác định nguồn gốc đất của UBND xã Tân Thắng còn chậm, một số trường hợp xác định nguồn gốc còn chưa chính xác (có 180 thửa đất chưa có nguồn gốc); xác định điều kiện tái định cư còn sai sót, phải điều chỉnh.

Nguyên nhân công tác giải phóng mặt bằng Dự án Hồ Khe Lại -Vực Mấu chậm là do khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu đất, nguồn gốc đất. Như tại khu vực lòng hồ, nhiều thửa đất không có hồ sơ, giấy tờ giao đất. Một số thửa đất có sự sai khác về loại đất trên các loại bản đồ, dẫn đến khó khăn cho công tác xác định loại đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, chưa kể, trước đây việc mua đi, bán lại đất không thông qua chính quyền.

bna_van truong 3.JPG
Vị trí sẽ hợp long, chặn dòng tích nước hồ chứa Khe Lại. Ảnh: Văn Trường

Việc chặn dòng, hợp long sớm Dự án Hồ Khe Lại -Vực Mấu có vai trò rất quan trọng. Ngoài việc tích nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, công trình còn chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan...

Để dự án chặn dòng kịp tiến độ từ ngày 10/4/2024, UBND huyện Quỳnh Lưu đang tập trung các phần việc còn lại như: Trích đo bổ sung lại các thửa đất sai, hoàn thành công tác rà soát chuyển đổi rừng. Chỉ đạo UBND xã Quỳnh Thắng hoàn thiện công tác xác định nguồn gốc thửa đất phục vụ giải phóng mặt bằng. Áp giá và phê duyệt phương án, thu hồi đất các thửa đất còn lại...

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO