Vì sao Mỹ e ngại phi đội ném bom chiến lược Nga?

03/03/2017 08:09

Phi đội oanh tạc cơ tầm xa của Nga hiện chỉ là một phần nhỏ so với thời Liên Xô, nhưng công nghệ tên lửa hành trình đã mang lại lợi thế không nhỏ cho họ.

Số lượng máy bay ném bom chiến lược của không quân Nga hiện không thể so sánh được với Liên Xô. Tuy nhiên, nỗ lực đầu tư vào tên lửa hành trình hiện đại từ thời Liên Xô cho phép Nga sở hữu lực lượng oanh tạc cơ tầm xa với uy lực, dù thua kém cả về số lượng và chủng loại máy bay so với Mỹ, theo National Interest.

Điện Kremlin tỏ rõ mong muốn phát triển dự án máy bay ném bom tàng hình PAK-DA. Tuy nhiên, thời gian tới, Nga vẫn phải dựa vào bộ ba Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160, trước khi mẫu PAK-DA có thể thành hiện thực.

Nga được cho là có 16 chiếc Tu-160 "Thiên nga trắng" (NATO định danh: Blackjack) còn hoạt động, trong đó 11 máy bay thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và 5 chiếc huấn luyện. Ngoài ra, phi đội Tu-95MS (NATO định danh: Bear-H) đang duy trì số lượng 63 phi cơ, với 55 chiếc sẵn sàng chiến đấu.

vi-sao-my-phai-e-ngai-phi-doi-nem-bom-chien-luoc-nga

Máy bay Tu-95MS tập trung chuẩn bị xuất kích. Ảnh: Skybird.

Tu-95MS sử dụng thiết kế cổ điển và được biên chế từ năm 1956, nhưng đã trải qua nhiều đợt nâng cấp lớn để mang được những hệ thống điện tử và tác chiến hiện đại. Vũ khí chính của Tu-95MS là tên lửa hành trình Kh-101 với tầm bắn tới 4.500 km mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.

Loại máy bay này đã thể hiện khả năng chiến đấu trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria. Tu-95MS phóng tên lửa nhằm vào mục tiêu của khủng bố mà không cần bay vào không phận Syria, đồng thời yểm trợ nhiều chiến dịch khác dưới mặt đất. "Yếu tố quan trọng chính là những quả tên lửa. Tu-95 đã già cỗi, nhưng nó vẫn có hiệu quả y hệt những máy bay B-52", chuyên gia quân sự Michael Kofman nhận xét.

Khác với máy bay ném bom tàng hình của Mỹ, oanh tạc cơ chiến lược Nga không được thiết kế để xâm nhập không phận đối phương. Chúng có nhiệm vụ cơ động tới vị trí phóng tên lửa hành trình ở khoảnh cách an toàn, nằm ngoài khả năng đánh chặn của đối phương.

Sự thay thế cho bộ ba máy bay ném bom chiến lược

Moscow vẫn sẽ phải thay thế dần phi đội oanh tạc cơ của mình. PAK-DA có thể không phải câu trả lời, ứng cử viên tiềm tàng nhất chính là phiên bản nâng cấp Tu-160M2. Việc sử dụng bản hiện đại hóa của Tu-160 sẽ giúp Nga tiết kiệm khoản tiền đầu tư phát triển khổng lồ, do họ có thể tập trung vào các hệ thống tác chiến và vũ khí.

Tu-160M2 nhiều khả năng sẽ thế chỗ của Tu-95MS và Tu-160 hiện nay. Nhưng ứng cử viên thế chỗ của Tu-22M3 (NATO định danh: Backfire) lại chưa thực sự rõ ràng. Một trong những lựa chọn khó lường nhất là tiêm kích bom Su-34 (NATO định danh: Fullback).

Đây là biến thể được xây dựng trên nền tảng tiêm kích Su-27 để thay thế máy bay cường kích Su-24. Nhưng tính năng chiến đấu của Su-34 được đánh giá là ngang ngửa các máy bay ném bom tầm trung.

Chuyên gia Kofman cho rằng Su-34 đã chứng tỏ khả năng tại Syria, điều đó sẽ thúc đẩy Nga sử dụng nó để thay thế cho cả cường kích Su-24 và oanh tạc cơ Tu-22M3. Không có lý do gì để phát triển một mẫu máy bay mới nhằm thay thế Tu-22M3, trong khi Su-34 có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và linh hoạt hơn rất nhiều.

Công nghệ tên lửa hiện đại cho phép phi đội oanh tạc cơ của Nga thực hiện những đợt tiến công có độ chính xác cao từ khoảng cách lớn, bất chấp việc họ vẫn sử dụng thiết kế và khung thân máy bay tương đối cũ. Đây là điều khiến Lầu Năm Góc hết sức lo ngại nếu xảy ra một cuộc xung đột với Nga.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Vì sao Mỹ e ngại phi đội ném bom chiến lược Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO